Nhật Bản 'bất lực' với giảm phát

Hồi tháng 9, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) – ông Haruhiko Kuroda – khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng sẽ thúc đẩy lạm phát vượt mức mục tiêu 2%.

Suốt 2 tháng qua, những nhà quan sát chính sách tiền tệ luôn dõi theo động thái của BOJ nhưng có vẻ như những nhà bán lẻ không mấy quan tâm tới điều này.

Bất chất cam kết của ông Kuroda, các cửa hàng tiện dụng như Aeon, Mister Donut hay Wal-Mart liên tục giảm giá các sản phẩm của mình. Điều này cho thấy thực trạng tiêu dùng yếu và những khó khăn trong việc vượt qua “tư duy giảm phát”. Theo số liệu chính phủ công bố cuối tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 ghi nhận tháng giảm thứ 8 liên tiếp.

Nhà kinh tế Masamichi Adachi tại JPMorgan Chase & Co. nhận định các công ty đang trở nên thực dụng và không ai còn để tâm tới cam kết của BOJ. Nhiều người đang tỏ ra quan ngại về tính khả thi của mục tiêu lạm phát 2% và việc vượt qua mức này là vô cùng khó khăn.

Giá cả đang giảm và còn có thể giảm mạnh hơn gián tiếp tác động tới vấn đề lương bổng – vấn đề ông Kuroda đang theo dõi sát sao. Lương tăng chậm sẽ cản trở những nỗ lực thúc đẩy lạm phát. Do đó, vị Thống đốc BOJ cho rằng các công ty Nhật Bản cần phải tăng lương trên 2%.

Dai-ichi Life Research Institute dự báo tăng trưởng lương cơ bản (không bao gồm thưởng và tiền làm thêm) 2016 thấp hơn 2015. Điều này cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng tiết kiệm và các nhà bán lẻ phải giảm giá để cải thiện doanh số.

Biển giảm giá xuất hiện tràn lan tại các cửa hàng ở Nhật Bản

Một vài ví dụ điển hình như Mister Donut giảm giá 35 loại sản phẩm với mức giảm từ 10 đến 30 Yên, Aeon Co. bắt đầu giảm giá các sản phẩm tự doanh từ tháng 11, Wal-mart giảm giá 556 sản phẩm đang bán tại chuỗi siêu thị Seiyu với mức giảm mạnh nhất lên tới 34%.

Chiến lược này đang giúp nhiều nhà bán lẻ đạt được thành công.

Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 11, Chủ tịch Masato Nonaka của Shimamura Co. - chuỗi cửa hàng may mặc lớn thứ 2 Nhật Bản – cho biết chính sách giảm giá đang giúp công ty ông có kết quả kinh doanh rất tốt.

Năm 2015, sau khi tăng giá các sản phẩm, hãng thời trang hàng đầu Nhật Bản – Uniqlo – mất đi lượng lớn khách hàng chi tiêu tiết kiệm. Sau đó, công ty này cam kết mang tới những sản phẩm rẻ hơn.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/nhat-ban-bat-luc-voi-giam-phat-20161202115954649p145c153.news