Nhập khẩu ô tô thoải mái nhưng cần có điều kiện đi kèm

Đưa ô tô vào kinh doanh có điều kiện là để bảo đảm thị trường ô tô phát triển đúng hướng và bảo vệ quyền lợi của người dân.

Mỗi khi chính sách của nhà nước có sự thay đổi là đều được sự chú ý đặc biệt từ dư luận, nhất là chính sách liên quan đến ô tô. Tâm lý người tiêu dùng hiện nay đều mong muốn được mua xe nhập khẩu với giá rẻ, để thỏa cơn khát về ô tô. Nhưng không có quốc gia nào muốn phát triển công nghiệp ô tô lại để ô tô nhập khẩu giá rẻ tràn vào.

Chính vì vậy, khi có bất cứ một sự thay đổi về chính sách của nhà nước đều được sự quan tâm và phản hồi của dư luận.

Phát triển công nghiệp ô tô không thể thiếu công nghiệp phụ trợ

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Các mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến nay nhìn chung là chưa đạt được như mong muốn nếu không muốn nói là thất bại, không đạt mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng một nguyên nhân cơ bản là chính sách thay đổi liên tục, quy mô thị trường còn nhỏ, giá xe quá cao với hầu hết người dân. Công nghiệp phụ trợ không phát triển cũng do thị trường nhỏ và chưa có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.

Muốn phát triển công nghiệp ô tô thì cần phát triển công nghiệp phụ trợ. Ảnh minh họa

Mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 09 chỗ ngồi là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.

Muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì trước hết phải có nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô vì không có các doanh nghiệp này thì không thể có các doanh nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện được.

Cũng theo ông Thanh: Ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô đã hình thành, nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa .. Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay mới có một vài doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty cổ phần Huyndai Thành Công, Samco, TMT…

Nhập khẩu nhưng cần phải có điều kiện đi kèm

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng nhấn mạnh, muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước thì phải có định hướng cho các doanh nghiệp trong nước phát triển được và các nhà hoạch định chính sách cần phải định hướng cho rõ ràng, tránh để tình trạng như hiện nay.

Việc Chính phủ bổ sung “ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong khi vẫn giữ nguyên ngành “kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” là một bước để lập lại thị trường ô tô trong nước và giúp các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước phát triển.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

Bên cạnh đó, dòng đời một chiếc ô tô thường rất dài, nhất là với chở người dưới 9 chỗ, có thể kéo dài đến hàng chục năm. Chúng là loại phương tiện đòi hỏi sự an toàn cao vì liên quan đến an toàn tính mạng không chỉ của chủ phương tiện, gia đình, người thân của họ mà còn liên quan đến nhiều người tham gia giao thông.

Vì vậy, việc bổ sung “ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là cần thiết để người bán hàng có đầy đủ thủ tục pháp lý và điều kiện để có thể bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa mỗi khi nhà sản xuất phát hiện ra lỗi trên xe.

Trước đó, vào sáng 22/11, với 410/456 đại biểu biểu quyết tán thành (83,16%), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Và liên quan đến đề xuất bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban Thường vụ cho biết nội dung này được 348/439 (chiếm 79,3% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kết luận: Phải đưa "ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Có như vậy mới có thể phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước đi theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt trong bối cảnh thị trường sẽ được mở toang do các hiệp định kinh tế được ký kết và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Vũ Sơn

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nhap-khau-o-to-thoai-mai-nhung-can-co-dieu-kien-di-kem-d108844.html