Nhập khẩu muối công nghiệp: Đã có hồi kết!

Dự kiến trong tháng 5/2012, Bộ Công Thương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ công bố hạn ngạch thuế quan (HNTQ) muối nhập khẩu năm 2012 và thời điểm phân bố 1/2 hạn ngạch 50.000 tấn đợt đầu.

Dự kiến trong tháng 5/2012, Bộ Công Thương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ công bố hạn ngạch thuế quan (HNTQ) muối nhập khẩu năm 2012 và thời điểm phân bố 1/2 hạn ngạch 50.000 tấn đợt đầu.

CôngThương - Muối công nghiệp trong nước chỉ đáp ứng khoảng 10%

Ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất - cho biết: Gần đây, ngày 30/3/2012, tại Nha Trang đã diễn ra cuộc họp giữa Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản nghề muối - Bộ NN&PTNT (Cục CBTMNLTSNM) và Cục Hóa chất, Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) để bàn biện pháp đảm bảo cung - cầu muối công nghiệp (MCN) năm 2012. Cuộc họp còn có sự tham dự của các doanh nghiệp (DN) sản xuất hóa chất, các DN sản xuất muối trong nước.

Tại cuộc họp này, Cục CBTMNLTSNM đưa ra con số: Tổng nhu cầu cho sản xuất hóa chất của 3 đơn vị (Hóa chất cơ bản miền Nam; Hóa chất Việt Trì; Vedan) năm 2012 là 222.000 tấn. Tuy nhiên, dự kiến năm nay, các DN sản xuất MCN trong nước chỉ sản xuất được khoảng 22.000 tấn. Các đơn vị sản xuất xút – clo trong nước thì lo lắng: Thiết bị đầu vào của họ bị hư hỏng nghiêm trọng do phải xử lý tạp chất của muối sản xuất trong nước. Việc xử lý tạp chất của MCN trong nước làm tốn rất nhiều chi phí của các DN sản xuất hóa chất. Tất cả mọi người đều đưa ra nhận định: MCN trong nước không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2011, các DN sản xuất muối trong nước chỉ cung cấp được 38.000 tấn MCN cho sản xuất hóa chất. Cũng trong năm 2011, các DN sản xuất hóa chất chỉ được cấp hạn ngạch thuế quan (HNTQ) là 50.000 tấn. Để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất hóa chất, các DN đã phải nhập khẩu trên 150.000 tấn MCN ngoài HNTQ với mức thuế suất 60%. Việc này làm tăng giá thành, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm, gây khó khăn cho ngành sản xuất hóa chất trong việc cạnh tranh với sản phẩm xút nhập khẩu (vì hiện tại, thuế nhập khẩu xút chỉ là 0%).

Cũng tại cuộc họp ở Nha Trang ngày 30/3, nhà quản lý và chuyên gia cùng đi đến kết luận: Thực tế các DN sản xuất muối trong nước chỉ đủ năng lực cung cấp muối cho thực phẩm. Còn sản phẩm muối được gọi là MCN thực chất chỉ là muối được sản xuất theo phương pháp công nghiệp với độ sạch hơn, nhưng không đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hóa chất. Chính vì không có muối để bán nên Công ty TNHH MTV hóa chất cơ bản miền Nam đã thông báo mời thầu với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước gói thầu MCN với số lượng 80.000 tấn, nhưng không có nhà thầu nào liên hệ nhận hồ sơ mời thầu. Cũng chung tình trạng này, một đại diện của Công ty Vedan - đơn vị sản xuất xút-clo lớn nhất hiện nay - cho biết, năm 2011, mặc dù đã có mối quan hệ lâu dài với một đơn vị sản xuất muối trong nước, nhưng Vedan phải “nói khó” mới mua được 2.000 tấn, bởi đơn giản là không có muối để bán!

Đầu tháng 5/2012 sẽ công bố hạn ngạch

Ông Lưu Hoàng Ngọc cho biết thêm, tới đây, khi Nhà máy soda Chu Lai đi vào hoạt động, với công suất 200.000 tấn/năm, mỗi năm sẽ cần thêm 150.000 tấn MCN. Hiện tại, 3 nhà máy sản xuất xút - clo trong nước đã luôn bị “đói” MCN, thì chuyện Nhà máy soda Chu Lai phải nhập hoàn toàn muối ngoài hạn ngạch là chắc chắn sẽ xảy ra.

Bộ Công Thương đưa ra dự báo: Thực tế tổng nhu cầu sử dụng MCN cho sản xuất hóa chất năm 2012 là 280.000 tấn. Trong khi hiện tại đã bước sang quý II của năm 2012, các DN sản xuất hóa chất vẫn đang trong tình trạng không có muối để sản xuất, muối trong hạn ngạch lại chưa có quyết định phân giao. Trước tình hình này, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT dự kiến đi đến một thống nhất: Khoảng đầu tháng 5/2012 sẽ công bố hạn ngạch năm 2012 và phân bố 1/2 hạn ngạch 50 ngàn tấn MCN đợt đầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Thành Biên

Trong quan điểm điều hành HNTQ muối nhập khẩu, cũng nên cân nhắc giữa quyền lợi và lợi ích của DN với người làm muối. Thực tế, nếu không cho nhập MCN thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất xút - clo, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN sản xuất hóa chất, từ đó lại làm tăng nhập khẩu sản phẩm hóa chất.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/p0c211n21172/nhap-khau-muoi-cong-nghiep-da-co-hoi-ket.htm