Nhân viên y tế tự cắt chân: Lỗ hổng nguy hiểm?

'Chúng ta phải xem lại quy trình tuyển dụng, ngoài việc đảm bảo sức khỏe còn liên quan đến nhận thức, phải khai báo và kiểm tra thường xuyên'.

Vụ nam nhân viên y tế Phạm Duy K. (27 tuổi, kỹ thuật viên Khoa Đông y tại Bệnh viện Đa khoa Cái Răng, Cần Thơ) tự cắt chân mình đem giấu rồi báo rằng bị cắt trộm khi đang ngủ ở bệnh viện đang khiến dư luận xôn xao.

Theo thông tin từ phía công an quận Cái Răng, nguyên nhân dẫn tới sự việc trên là do K. bị mắc chứng bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID) cộng với việc người này có sử dụng ma túy đá gây ảo giác.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, LS Đỗ Hải Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng đây là trường hợp khá hi hữu, ít xảy ra trong cuộc sống.

Bệnh viện đa khoa quận Cái Răng, nơi xảy ra sự việc

Bệnh viện đa khoa quận Cái Răng, nơi xảy ra sự việc

Theo LS Bình, cán bộ y tế làm việc tại Bệnh viện bị mắc chứng bệnh tâm thần nhưng không báo cáo cấp trên, cơ quan chức năng mà âm thầm chữi trị hết sức nguy hiểm. Trong trường hợp này, rất may là nhân viên K. chỉ gây ra những tổn thương cho bản thân chứ không tiến hành với những người xung quanh.

“Hậu quả xảy ra trong trường hợp này không nghiêm trọng nên chưa đến mức phải khởi tố”, LS Bình nói.

LS Bình cho biết, sau trường hợp này có thể thấy quy trình kiểm tra sức khỏe tổng quan đối với các nhân viên y tế còn có những lỗ hổng.

Cụ thể, đối với các cán bộ y, bác sĩ, theo quy định hàng năm đều có những đợt tổng kiểm tra đánh giá sức khỏe cũng như năng lực hành vi của đội ngũ cán bộ.

Nhân viên y tế nghi tự cắt chân: Làm việc rất tốt

Tuy nhiên trong trường hợp này, nhân viên K. vào Bệnh viện đa khoa quận Cái Răng từ năm 2012 nhưng các đợt kiểm tra đều không phát hiện được gì.

“Vấn đề tâm thần không phải lúc nào cũng biểu hiện rõ ràng. Bệnh này chỉ hạn chế 1 phần năng lực hành vi. Luật Việt Nam cũng không nói rõ 1 phần ở đây là 10% hay 50%. Điểm khó là như vậy.

Tuy nhiên trong quá trình thăm khám có thể cán bộ kiểm tra không phát hiện được những biểu hiện bất thường của anh K. và vẫn khẳng định anh này có đủ năng lực nhận thức, đủ sức khỏe để làm việc.

Lỗi này trước hết là ở bản thân anh K., không báo cáo với cấp trên và cơ quan tuyển dụng về hồ sơ bệnh án của mình. Thứ hai cũng phải xem lại trách nhiệm 1 phần của bộ phận tuyển dụng và khám bệnh hàng năm. Việc quy toàn bộ trách nhiệm cũng khó”, LS Bình nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được LS Đoàn TP.HCM đề cập đến đó là nhân viên K. có sử dụng ma túy đá gây ảo ác. Theo LS Bình, việc này các cơ quan chức năng cần làm rõ các vấn đề như: anh K. mua hàng từ đầu, sử dụng trong thời gian bao lâu và tại sao bệnh viện không phát hiện ra.

“Từ trường hợp trên, tôi cho rằng, chúng ta phải xem lại quy trình tuyển dụng, ngoài việc đảm bảo sức khỏe còn liên quan đến vấn đề nhận thức, phải khai báo và kiểm tra thường xuyên. Cũng như nâng cao tinh thần giám sát đội ngũ cán bộ y tế”, LS Bình khẳng định.

Không có biểu hiện bất thường

Sáng 12/11, ông Nguyễn Minh Thắng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quận Cái Răng (Cần Thơ) xác nhận với Đất Việt về trường hợp ông Phan Duy K. (27 tuổi), kỹ thuật viên vật lý trị liệu của bệnh viện điện thoại báo cho hộ lý việc bị mất 1 chân sau khi ngủ dậy.

Nói thêm về trường hợp này, ông Thắng cho biết, ông K. về công tác tại Bệnh viện từ tháng 7/2012. Hiện nay ông Khánh đã lập gia đình và có 1 con 3 tuổi.

“Cậu K. làm việc rất tốt, không có biểu hiện gì lạ hết, vẫn rất bình thường. Chúng tôi cũng thấy ngạc nhiên”, ông Thắng nhấn mạnh.

Hoàng Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nhan-vien-y-te-tu-cat-chan-lo-hong-nguy-hiem-3322883/