Nhân viên Bệnh viện An Dương cầm tiền chạy việc: Bị kỷ luật 'cảnh cáo' có thỏa đáng?

Liên quan đến vụ việc nhân viên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) An Dương cầm 150 triệu hứa “chạy việc” nhưng không thành, Công an huyện An Dương đã khẳng định “không có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Điều đáng nói, về bản chất và hành vi khách quan thì vụ việc này giống với nhiều vụ án đã bị khởi tố, xét xử. Nhưng tại sao người “cầm tiền, chạy việc” trong vụ này này lại chỉ bị kỷ luật “cảnh cáo”?

Bệnh viện Đa khoa An Dương, nơi bà Hường chỉ bị kỷ luật cảnh cáo.

Báo PLVN đã phản ánh về việc bà Nguyễn Thị Thu Hương, nhân viên của BVĐK An Dương cầm tiền chạy việc cho chị Nguyễn Thị Phượng nhưng không được và cũng không trả lại tiền khiến “khổ chủ” phải tố cáo đến các cơ quan chức năng.

Sự việc này có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 19/7/2017, Công an huyện An Dương có Văn bản số 959/CV-CAAD (do Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Trưởng Công an huyện ký) gửi BVĐK An Dương thông báo kết quả giải quyết vụ việc, với nội dung:

Ngày 19/1/2016, Công an huyện An Dương nhận được đơn của chị Nguyễn Thị Phượng, trú tại xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tố cáo bà Nguyễn Thị Thu Hường (trú tại xã Hồng Thái, huyện An Dương, TP Hải Phòng) đã nhận số tiền 150 triệu đồng của chị Phượng để xin vào làm việc tại BVĐK huyện An Dương nhưng không xin được việc và cũng không trả lại số tiền trên.

Qua điều tra, Công an huyện An Dương xác định sự việc đúng như nội dung tố cáo. Theo đó, khoảng tháng 6/2014, bà Hường có nhận số tiền trên của chị Phượng để xin việc vào làm tại Khoa Xét nghiệm BVĐK huyện An Dương.

Nhưng do không xin được việc, hai bên đã thỏa thuận hoàn trả lại tiền và không xin việc làm nữa. Đến ngày 28/7/2015, bà Hường đã trả cho chị Phượng 40 triệu đồng và hẹn đến tháng 12/2015 sẽ trả nốt số nợ 110 triệu. Sau đó, bà Hường không thực hiện đúng cam kết nên chị Phượng đã làm đơn tố cáo gửi đến Công an huyện An Dương.

Ngày 20/4/2017, bà Hường đã tự nguyện đến Công an huyện An Dương xin đặt cọc số tiền 70 triệu đồng đề nghị Công an huyện An Dương giải quyết trả lại cho chị Phượng. Ngày 4/6/2017, ông Nguyễn Ngọc Oanh (bố chị Phượng) đã đến Công an huyện An Dương để giải quyết vụ việc và hai bên đã tự thỏa thuận giải quyết dân sự.

Ông Oanh đã nhận số tiền 70 triệu đồng và bà Hường hẹn đến hết 28/12/2017 sẽ trả đủ số tiền còn lại là 40 triệu đồng. Công an huyện An Dương cho rằng, căn cứ vào kết quả xác minh thì không có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chị Hường, Công an huyện An Dương đã hướng dẫn các bên giải quyết vụ việc theo thủ tục dân sự.

Trao đổi với Báo PLVN, ông Nguyễn Ngọc Oanh cho biết, sau khi giải quyết sự việc ở cơ quan công an, bà Hường hứa sẽ trả thêm 20 triệu và còn yêu cầu ông viết cho một cam kết “khống” đã trả hết nợ, hòng để “thoát tội”. Tuy nhiên, ông Oanh đã từ chối yêu cầu vô lý này.

Theo Luật sư Ngô Trung Kiên (Đoàn Luật sư tỉnh Hà Giang), việc mạo nhận khả năng xin việc rồi cầm tiền của người khác, không chịu trả đã có có dấu hiệu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong hầu hết các vụ việc đó, Cơ quan tiến hành tố tụng đều nhận định, người “cầm tiền chạy việc” không có chức năng, khả năng xin việc nhưng vẫn cố tình đưa thông tin sai sự thật về việc có thể xin việc để người khác đưa tiền.

Việc trả lại một phần hoặc toàn bộ số tiền chỉ là khắc phục hậu quả. Việc bà Hường cầm 150 triệu của chị Phượng để xin việc giúp, nhưng không làm được cũng giống về bản chất và hành vi khách quan với các vụ án đã bị khởi tố.

Việc CQĐT Công an huyện An Dương không tiến hành khởi tố vụ án vì cho rằng không có dấu hiệu hình sự và hướng dẫn các bên thỏa thuận dân sự là có dấu hiệu để lọt tội phạm.

Về phía BVĐK An Dương, ông Phạm An Hiện, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đơn vị đã tiến hành kỷ luật bà Hường với hình thức “cảnh cáo”.

Tuy nhiên, Luật sư Trần Việt Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc kỷ luật đối với bà Hường không thay thế biện pháp xử lý hình sự nếu hành vi có dấu hiệu tội phạm.

Do đó, kể cả bị xử lý kỷ luật, cơ quan điều tra vẫn phải làm rõ những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vụ việc này. Việc cầm tiền chạy việc bất thành nhưng không trả lại cho “khổ chủ”.

Chỉ đến khi bị tố cáo mới “khắc phục hậu quả” hoàn toàn giống với bản chất các vụ án đã được khởi tố và xử lý hình sự.

Vậy, tại sao trong vụ việc này, người có hành vi sai trái lại được ưu ái cho “thỏa thuận dân sự”? Pháp luật sẽ không còn công bằng và nếu như chế tài được các địa phương áp dụng khác nhau một cách “linh hoạt” thì còn đâu sự tôn nghiêm của pháp luật?

Văn Khúc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/nhan-vien-benh-vien-an-duong-cam-tien-chay-viec-bi-ky-luat-canh-cao-co-thoa-dang-d49924.html