Nhân trường hợp “Sát thủ đầu mưng mủ”: Có nên ầm ĩ?

Nếu Azit Nexin sống lại và đến VN lúc này, dễ chừng ông sẽ viết “Những người không thích đùa” nhân trường hợp của “Sát thủ đầu mưng mủ” (STĐMM). Cuốn sách, thêm lần nữa đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Nên ứng xử thế nào trước những hiện tượng ngôn ngữ mới?

Những “người lạ quen biết”

Còn nhớ cách đây mấy tháng, trên các diễn đàn mạng cũng từng diễn ra cuộc tranh luận “nảy lửa” trước ý kiến đề xuất: “Cần đưa những từ ngữ chat thông dụng vào từ điển tiếng Việt” của GS-TS Nguyễn Đức Dân trong một bài viết được đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị và cái lý của người viết xem ra khá có lý.

Tương tự những gì vừa xảy ra với STĐMM, tranh luận đã nổ ra khi phía ủng hộ thì cho rằng cần chấp nhận điều này như một thực tế khách quan, khi đó là đại diện của ngôn ngữ trong thời đại giao tiếp điện tử. Một bên thì lại gọi đó là “rác ngôn ngữ” và không nên đưa vào làm mất đi “sự trong sáng của tiếng Việt”. Trung lập hơn, một số ý kiến lại cho rằng nên thừa nhận đó là một thực tế khách quan, có điều để đưa vào sách – như một sự thừa nhận chính thống - thì không nên.

Câu chuyện “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” vì thế mà càng lúc càng gây bối rối cho người tiếp nhận và sử dụng, trong một bối cảnh đã khác nhiều so với trước. Khi mà với người này thì những cái mới chưa được chấp nhận một cách chính thống kia là những “người lạ quen biết”, với người khác thì đó lại mãi mãi là kẻ lạ và vì thế, tốt nhất là nên “cấm cửa cho lành”.

Có nên phản biện

Trong bối cảnh đó, việc cuốn STĐMM gây tranh luận thiết tưởng không có gì lạ, dù bao năm qua, tờ Tuổi Trẻ Cười hay gần đây là chuyên mục “Hỏi xoáy đáp xoay” thuộc chương trình “Gặp nhau cuối tuần” trên VTV3 (cũng sử dụng không ít “thành ngữ sành điệu” của giới trẻ để chọc cười) vẫn được công chúng đón nhận. Trong quan niệm của “những người không thích đùa”, phải chăng sách mới là kênh chính thống, còn báo thì là... không? Hay vì một ấn phẩm đơn lẻ thì sẽ khó được coi là tiếng cười “hợp lệ”, khi nó không được “chua” thêm dòng chữ: “Sách chỉ đọc nhằm mục đích giải trí”, tương tự như cái câu thông dụng “ảnh chỉ có tính chất minh họa” thường thấy trên các báo ở ta và chắc cũng chỉ có ở ta. Cái nhãn “15+” (dành cho độc giả từ 15 tuổi trở lên) trên bìa sách vì vậy mà chưa đủ là cái “chốt an toàn”?

Vậy thế nào thì đủ cho một cái “chốt an toàn”? Bảo rằng STĐMM dùng những câu không có trong từ điển, thì thử hỏi, từ điển đã bao giờ đi trước ngôn ngữ, nhất là trong bối cảnh ngôn ngữ biến hóa liên tục như ngày nay?

Còn ở ta, trong khi chờ một “kênh chính thống” khác thì ở trên mạng đã có hẳn một trang là tudientienglong.com, chuyên cung cấp “những câu, từ thuộc ngôn ngữ Việt Nam, nhưng không có trong từ điển tiếng Việt”. Nhiều câu trong số cũng có kèm hình ảnh minh họa, nhưng để minh họa bằng tranh một cách đồng bộ và có ý tưởng rõ ràng như trong “STĐMM” thì chưa.

Tranh luận xung quanh cuốn STĐMM có thể nói là giữa hai “phe”: “Những người thích đùa” hay “những người không thích đùa” và mỗi bên đều có lý riêng. Gạt sang bên một vài sạn biên tập (mà một số câu và hình ảnh nên chăng nên loại bớt vì tính “an toàn” và thẩm mỹ của cuốn sách) thì có thể nói cuốn “thành ngữ bằng tranh” STĐMM là một ý tưởng giàu tìm tòi của nhóm làm sách. “Thành ngữ sành điệu” (hay người anh em “song sinh” với nó là tiếng lóng) trong ý nghĩa tích cực của nó vì vậy có thể nói là nguồn ngôn ngữ cho văn học và báo chí khi muốn phản ánh hiện thực một cách đời thường và thô ráp. Còn trong đời thường, gây ấn tượng trong ăn nói – đó thiết nghĩ không chỉ là nhu cầu của những người trẻ. Thực tế cho thấy, ngoài những “thành ngữ sành điệu” của giới teen trong STĐMM thì còn không ít “thành ngữ sành điệu” của các giới khác, mà tiêu biểu là giới nhà văn nhà báo, cũng là món gây khoái khẩu không kém trên các trang blog ở ta gần đây...

Còn nhớ, lúc trước, nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết: “Tôi chán cả bạn bè/ Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu nào mới”. Nhu cầu được nói, được nghe “những câu gì mới” cũng là chính đáng lắm thay, để cuộc sống bớt phần tẻ nhạt. Có điều, nói thế nào, nói lúc nào, hiệu ứng ra sao, nhiều khi còn phụ thuộc vào cái duyên nói chuyện. “Thành ngữ sành điệu” vì vậy mà với người này, lúc này thì là hóm, là duyên; nhưng với người khác, lúc khác lại có thể thành ra vô duyên, thô thiển.

Thư Bình

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/nhan-truong-hop-sat-thu-dau-mung-mu-co-nen-am-i/64800