Nhân tố quan trọng duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực

LTS - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN, phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn các Ðại sứ, nhà ngoại giao các bên đối tác đối thoại của ASEAN về vị trí, vai trò của Hiệp hội; đánh giá sự tham gia hội nhập chủ động, tích cực của Việt Nam, cũng như quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong thời gian tới. Sau đây là một số ý kiến.

Ðại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng:

Thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - ASEAN phát triển lên tầm cao mới

Nửa thế kỷ qua, ASEAN thực hiện chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, trung lập và không liên kết; tích cực tìm tòi và kiên trì con đường phát triển phù hợp đặc điểm của mình, nỗ lực tăng cường đoàn kết nội khối, giải quyết các tranh chấp khu vực, thúc đẩy khu vực Ðông - Nam Á đi từ bất ổn đến ổn định, từ đối kháng đến hợp tác, từ nghèo nàn đến phồn vinh, trở thành điển hình về sự liên kết và tự cường giữa các quốc gia không cùng chế độ xã hội và trình độ phát triển. Năm 2015, Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, “cơn sóng ngầm” chống toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, sự phát triển lớn mạnh của ASEAN đem đến nguồn năng lượng tích cực cho tiến trình liên kết khu vực và toàn cầu hóa.

Trong quá trình đó, ASEAN đã xác lập được vai trò trung tâm của mình trong hợp tác khu vực Ðông Á. Các nước ASEAN, Trung Quốc cùng các tổ chức quốc tế và khu vực đã xây dựng quan hệ đối tác đối thoại, từng bước hình thành một mạng lưới hợp tác khu vực Ðông Á với hạt nhân là ASEAN. Nhiều cơ chế hợp tác khu vực như ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Ðông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN… phát triển mạnh mẽ và thúc đẩy lẫn nhau. Các “phương cách ASEAN” như hiệp thương thống nhất, xem xét đến lợi ích của các bên, không can thiệp công việc nội bộ của nhau… đã trở thành quy tắc ứng xử quan trọng trong hợp tác ở khu vực Ðông Á.

Là thành viên quan trọng của ASEAN, Việt Nam có triển vọng phát triển to lớn. Trung Quốc luôn ủng hộ tiến trình xây dựng và liên kết Cộng đồng ASEAN và hy vọng phía Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực, mang tính xây dựng vào việc đẩy mạnh quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và thúc đẩy hợp tác hữu nghị với các đối tác đối thoại, trong đó có Trung Quốc.

ASEAN là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc và ASEAN thiết lập quan hệ đối thoại năm 1991 đến nay, lòng tin chính trị giữa hai bên ngày càng được tăng cường, hợp tác thực chất đạt được nhiều thành quả, quan hệ song phương đã trở thành mối quan hệ năng động và có nội hàm phong phú nhất trong các cặp quan hệ giữa ASEAN và các đối tác đối thoại. Sang năm, hai bên sẽ kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN, Trung Quốc sẵn sàng cùng với các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - ASEAN phát triển thực chất lên tầm cao mới. Phía Trung Quốc kiến nghị nỗ lực kết nối sáng kiến “Vành đai và Con đường” với các quy hoạch phát triển như Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN năm 2025; đề xuất năm 2018 là “Năm Ðổi mới Trung Quốc - ASEAN”, cùng nhau xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN phát triển lên tầm cao mới.

Trung Quốc và Việt Nam đã hợp tác tốt trong khuôn khổ hợp tác Ðông Á; và kỳ vọng cùng nhau thúc đẩy hợp tác ở khu vực Ðông Á phát triển đi vào chiều sâu.

Ðại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ư-mê-đa Ku-ni-ô:

Ðánh giá cao đóng góp của Việt Nam vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực

ASEAN là Hiệp hội giữ vai trò “trung tâm trong hợp tác khu vực Ðông Á” thông qua những hoạt động quan trọng như tổ chức các Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS), ASEAN + 3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Về mặt chính trị - an ninh, ASEAN chiếm vị trí trọng yếu nối liền Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương, các quốc gia thành viên đã nỗ lực hình thành Cộng đồng ASEAN dựa trên cơ sở những quy tắc chung. Về mặt kinh tế, trong vòng 10 năm vừa qua, GDP của toàn khối đã duy trì mức độ tăng trưởng cao, góp phần giúp ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế của thế giới. Hòa bình và phồn thịnh của ASEAN gắn kết trực tiếp với hòa bình và phồn thịnh của toàn khu vực Ðông Á nói riêng và cả cộng đồng quốc tế nói chung.

Việt Nam sau khi gia nhập ASEAN vào năm 1995 đã duy trì sự ổn định về mặt chính trị, đạt được sự phát triển kinh tế một cách vững chắc, ngày càng gia tăng vai trò trong khối. Việt Nam luôn nhấn mạnh lập trường nhất quán của mình về “tính thống nhất” và “vai trò trung tâm” của ASEAN, kiềm chế đe dọa sử dụng vũ lực và tầm quan trọng của “thượng tôn pháp luật” trong cộng đồng quốc tế. Nhật Bản đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Nhật Bản sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam, quốc gia cùng chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược và các giá trị cơ bản với Nhật Bản.

Vào năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác hữu nghị Nhật Bản - ASEAN, Nhật Bản tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt Nhật Bản - ASEAN và ra Tuyên bố Tầm nhìn về quan hệ hữu nghị và hợp tác Nhật Bản - ASEAN trung hạn và dài hạn. Hiện nay, Nhật Bản thực hiện các chính sách trong bốn lĩnh vực, gồm: Hợp tác vì hòa bình và ổn định, trong đó xây dựng năng lực an ninh trên biển, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng một châu Á kiên cường, không khuất phục trước chủ nghĩa khủng bố; Hợp tác vì phồn vinh, trong đó hỗ trợ để tăng cường tính liên kết và thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng cả về chất và lượng; Sáng kiến hợp tác phát triển nguồn nhân lực công nghiệp, Chương trình học bổng châu Á đổi mới, thành lập Quỹ nâng cao vị thế phụ nữ Nhật Bản và ASEAN; Hợp tác vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, với Sáng kiến về sức khỏe y tế Nhật Bản - ASEAN; và Hợp tác để kết nối tinh thần.

Bên cạnh hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN, Nhật Bản và Việt Nam tiến hành nhiều nội dung hợp tác song phương. Trong thời gian tới, Nhật Bản mong muốn mở rộng hợp tác về gìn giữ hòa bình và trang thiết bị quốc phòng; tiếp tục hỗ trợ công cuộc cải cách hành chính và đào tạo cán bộ cấp cao của Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các bộ, ngành.

Trong dịp hai nước Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Ðại sứ Ấn Ðộ tại Việt Nam P.Ha-rít:

ASEAN là trung tâm trong Chính sách Hướng Ðông

Chúng ta vui mừng nhận thấy, trong 50 năm qua, ASEAN đã vượt qua những tranh cãi về thời kỳ “hậu thực dân” của khu vực này, mở ra một kỷ nguyên về tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, được coi là hình mẫu cho các tổ chức khác. ASEAN có vị trí trung tâm trong cấu trúc an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi cho rằng, ASEAN đại diện cho sự giao thoa về văn hóa và thương mại trong khu vực, cho nên Hiệp hội có khả năng đặc biệt trong việc phản ánh và hài hòa những lợi ích của thế giới bên ngoài phạm vi ASEAN.

Quan hệ ASEAN - Ấn Ðộ phát triển nhanh chóng trong một thập niên qua. Ấn Ðộ hoan nghênh việc hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN và ủng hộ vị trí trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang biến đổi từng ngày. Sự đóng góp to lớn của Việt Nam đối với quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Ðộ được đánh giá cao. Việt Nam là một người bạn thân thiết và đáng tin cậy của Ấn Ðộ, kể từ năm 2015 đến nay, Việt Nam luôn tích cực đóng vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Ðộ.

Ấn Ðộ coi ASEAN là trung tâm trong “Chính sách Hướng Ðông” và là trung tâm của “giấc mơ về một thế kỷ châu Á” của Ấn Ðộ. Chúng tôi đặc biệt chú trọng quan hệ hợp tác Ấn Ðộ - ASEAN trong chương trình nghị sự của mình, trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất, thương mại, kỹ năng, đổi mới đô thị, thành phố thông minh và chiến dịch Sản xuất tại Ấn Ðộ với trọng tâm chính là ở khu vực đông - bắc Ấn Ðộ, nơi được xem là cầu nối giữa Ấn Ðộ với khu vực ASEAN. Trọng tâm hợp tác giữa ASEAN và Ấn Ðộ là lĩnh vực thương mại, sự kết nối và văn hóa, trên nền tảng ổn định và an ninh.

Ấn Ðộ và ASEAN cùng chia sẻ không gian địa lý, lịch sử và nền văn minh, cùng đối mặt những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Hai bên không ngừng tăng cường hợp tác song phương thông qua các diễn đàn của ASEAN như EAS, ADMM+ và Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng để bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực.

Năm nay, hai bên tổ chức kỷ niệm 25 năm quan hệ Ðối tác đối thoại Ấn Ðộ - ASEAN. Hai bên sẽ tiếp tục tập trung các cam kết kinh tế, nhất là thông qua các Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Ðộ về hàng hóa và dịch vụ, tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Quỹ phát triển dự án cho các nước CLMV (Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam) nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, tăng cường hợp tác tiểu vùng sông Mê Công – sông Hằng, các hoạt động của Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Ấn Ðộ, Quỹ ASEAN - Ấn Ðộ, Quỹ Xanh ASEAN - Ấn Ðộ, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ ASEAN - Ấn Ðộ và khởi động Diễn đàn nữ doanh nhân Ấn Ðộ - ASEAN. Chúng ta sẽ cùng đưa giới trẻ các nước đến gần nhau thông qua Hội nghị cấp cao thanh niên ASEAN - Ấn Ðộ tổ chức tại Ấn Ðộ, cùng nhiều sự kiện văn hóa, các hội thảo, hội nghị khác.

Phó Ðại sứ Ðức tại Việt Nam U.Ma-ních:

ASEAN là đối tác tin cậy của Ðức

Từ khi ASEAN thành lập năm 1967 đến nay, Ðức luôn nỗ lực phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội. Nhiều quốc gia thành viên của ASEAN, trong đó có Việt Nam, là đối tác thương mại quan trọng của Ðức. Ðức coi ASEAN là đối tác tin cậy, bền vững và đã trở thành đối tác hợp tác phát triển quan trọng của ASEAN. Trong Hội đồng hợp tác đa phương Ðức - ASEAN, hai bên thực hiện các cuộc đối thoại chính trị cởi mở, trên cơ sở bình đẳng về mục tiêu và phương hướng ưu tiên trong tương lai. Về kinh tế, kim ngạch thương mại giữa Ðức với các quốc gia ASEAN tăng trưởng một cách bền vững kể từ năm 2009 đến nay. Nhiều nhà đầu tư Ðức coi ASEAN là thị trường giàu tiềm năng. Thị trường Việt Nam cũng đã có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Ðức, góp phần đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ và tạo nhiều việc làm có yêu cầu tay nghề cao trong khu vực ASEAN. Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Ðức và các nước ASEAN cùng chung sức đương đầu những thách thức toàn cầu, nổi bật là vấn đề biến đổi khí hậu. Về lĩnh vực văn hóa, Viện Gớt của Ðức trong khu vực ASEAN chú trọng thúc đẩy các hoạt động trao đổi văn hóa giữa hai bên và cùng với Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Ðức tạo điều kiện, mở ra cánh cửa đến với các trường đại học Ðức cho sinh viên trong khu vực.

Chúng tôi đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, hội nhập và gắn kết chặt chẽ. Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã thay đổi hình ảnh trên trường quốc tế, từ một đất nước gắn liền với chiến tranh đến một đất nước hội nhập chủ động, tích cực. Việc trở thành thành viên của ASEAN cũng tạo cơ hội để Việt Nam vươn lên về mặt kinh tế. Với vị trí địa lý ven biển, Việt Nam đã mở ra cho ASEAN một kênh giao thông hàng hải quan trọng. Vị thế chính trị ngày một gia tăng của ASEAN đòi hỏi phải có sự thỏa hiệp, chia sẻ giữa các nước thành viên, để vượt qua chủ nghĩa dân tộc và tạo ra sự ổn định, bền vững cho khối.

Tôi tin rằng, việc thúc đẩy giao lưu, liên kết thanh niên trong các quốc gia ASEAN sẽ góp phần hình thành nên một lớp thế hệ trẻ khu vực tự tin, mạnh mẽ, chung sức gánh vác, xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững. Tôi cũng tin rằng, mối quan hệ giữa Ðức và ASEAN nói chung, giữa Ðức và Việt Nam nói riêng sẽ được duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

HỒNG HẠNH VÀ MINH HẰNG (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/33734302-nhan-to-quan-trong-duy-tri-hoa-binh-on-dinh-va-thinh-vuong-o-khu-vuc.html