Nhân sự tuyển 10, gửi gắm... 100

Sáng 9-11, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức cuộc hội thảo công bố báo cáo kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công - quy định và thực tiễn ở Việt Nam.

Nhóm chuyên gia cho biết khảo sát được tiến hành trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Sơn La, Thái Bình, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế và Đồng Tháp.

Có trên 2.600 đối tượng tham gia khảo sát chia thành ba nhóm đối tượng: Người dân, DN và CBCC, trong đó khảo sát người dân được thực hiện qua trang báo điện tử Vnexpress.

Ở cấp trung ương, khảo sát thực hiện đối với cán bộ, công chức của 5 bộ: Tài chính, TN&MT, GTVT, Xây dựng, Công Thương.

Theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cao cấp về quản trị công, WB cho biết các tình huống xung đột lợi ích (XĐLI) phổ biến là cán bộ, công chức đầu tư, chia sẻ lợi ích với DN, hay nói cách khác CBCC có các DN “sân sau”; bổ nhiệm, tuyển dụng người thân và quà tặng không còn là tình cảm nữa mà đã trở thành “luật chơi”, trở thành món nợ phải trả...

Quang cảnh buổi hội thảo

Đấu thầu cũng đầy móc ngoặc

“Có nhiều người xuất phát là lãnh đạo doanh nghiệp... chuyển lên làm lãnh đạo quản lý nhà nước thì quyền lợi kinh tế của họ vẫn còn ở DN. Việc họ vẫn còn lợi ích ở DN, không ai kiểm tra kiểm soát thì họ vẫn duy trì và khi chỉ đạo thì họ phải nương tay cho DN chứ” - nhóm nghiên cứu trích dẫn ý kiến trong quá trình thảo luận nhóm.

Kết quả thảo luận nhóm cho thấy dù quy trình đấu thầu chính thức được công bố ra bên ngoài có thể không thể hiện hết tính phức tạp của quy trình thực sự. Về bề ngoài, các cuộc đấu thầu thường tuân thủ đúng quy trình, đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Tuy nhiên, ở một số cuộc thầu, những tiêu chí minh bạch đó có thể đã được điều chỉnh trước cho phù hợp với các mục tiêu thiếu khách quan, công bằng.

Tính khách quan ở quy trình chính thống có thể bị “bóp méo” bởi một số thủ thuật như:

Chủ thầu có thể đưa ra các tiêu chí phù hợp với DN "sân sau" của mình và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, mặc dù nhiều tiêu chí không nhất thiết giúp nâng cao chất lượng công việc.

Các DN sân sau có thể có lợi thế thông tin (tiếp cận sớm hơn) để có thể chuẩn bị thầu.

Một số DN tham gia thầu chỉ là để bảo đảm yêu cầu “có cạnh tranh”, không làm ảnh hưởng đến kết quả.

“Đấu thầu cũng đầy móc ngoặc. Rất nhiều DN thắng thầu mặc dù hoàn toàn không có khả năng. Thắng xong thì quay lại bán thầu cho DN của tôi”.

“Có trường hợp cài thầu: Một số DN biết đề bài trước và muốn thắng thầu thì đưa thêm vào một số tiêu chí để loại đối thủ, mặc dù tiêu chí đó hoàn toàn không làm tăng thêm chất lượng gói thầu”.

Đây là những ý kiến thảo luận được nhóm chuyên gia trích dẫn trong báo cáo.

Lượng việc 1 tuần, chỉ cần làm 1 ngày là xong

Liên quan đến tình huống XĐLI trong bổ nhiệm, tuyển dụng, nhóm chuyên gia cho biết theo đánh giá của CBCC, hai yếu tố quan trọng nhất trong tuyển dụng và bổ nhiệm là được đào tạo chính quy, bài bản và năng lực, kinh nghiệm, thành tích công tác tốt.

Trong khi đó, DN và người dân lại đánh giá hai yếu tố quan trọng nhất là con cháu hoặc có quan hệ thân thiết với người có chức vụ, quyền hạn và dùng lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý châu Á-Thái Bình Dương (Trường ĐH kinh tế quốc dân) - đại diện nhóm nghiên cứu đã trích dẫn nhiều phát biểu đáng chú ý trong quá trình khảo sát:

“Có những người nhờ quan hệ nọ quan hệ kia mà vào làm việc ở đây... So với khối lượng công việc hiện nay tại công ty, một tuần làm việc trong Sở chỉ cần chưa đến một ngày là giải quyết hết”.

“Bộ em tuyển dụng 100 bạn trong đó hồ sơ dự tuyển 500 bạn, trong đó cơ quan em tuyển 10 người mà theo sếp em nói gửi gắm từ cấp vụ trở lên hơn 100 người con em trong ngành, chưa kể ngoài ngành vì vậy sức ép kinh khủng luôn”.

“Vấn đề bổ nhiệm cũng có tiêu chí nhưng những tiêu chí này đều đã “gọt chân cho vừa giày” nên chẳng qua cũng chỉ là cách hợp thức hóa việc cất nhắc người quen”...

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/nhan-su-tuyen-10-gui-gam-100-664074.html