Nhân rộng nghệ thuật ca trù trong cộng đồng

Ngày 22/2, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) tổ chức liên hoan nghệ thuật ca trù Hà Nội năm 2017, tại Trung tâm Văn hóa làng Vạn Phúc.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Liên hoan ca trù lần này không chỉ nhằm đánh giá về hoạt động chuyên môn diễn xướng của các giáo phường, các ca nương mà còn có tiêu chí đánh giá, kiểm kê lại phong trào ca trù tại các địa phương trên địa bàn Hà Nội. Liên hoan không giới hạn độ tuổi của các ca nương tham gia.

Liên hoan nghệ thuật ca trù tại Vạn Phúc, Hà Đông.

Tham gia liên hoan lần này có 120 người, trong đó có 20 ca nương ở các giáo phường thuộc 8 đơn vị quận, huyện trên địa bàn Thủ đô. Mỗi ca nương thể hiện bắt buộc 2 bài hát, trong đó có hát nói bắt buộc và hát khác tự chọn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong 20 ca nương đến từ các giáo phường, nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Khướu là người cao tuổi nhất (91 tuổi), ở Chanh Thôn, xã Văn Nhân, Phú Xuyên, Hà Nội; Ca nương nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Thục Trinh (9 tuổi) ở Lỗ Khê, Đông Anh, Hà Nội.

Ca nương nhỏ tuổi nhất Liên hoan Nguyễn Thục Trinh.

Ca nương Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Chúng tôi theo ca trù từ rất lâu rồi, chỉ vì tình yêu với ca trù mà không có kinh phí và mọi hoạt động đều tự chủ, nhưng vẫn mong muốn được tham gia nhiều hơn những liên hoan như hôm nay. Qua việc chắt lọc những tinh hoa của diễn xướng ca trù theo cách cổ, các ca nương còn đưa những cái mới, làm cho làn điệu ca trù trở lên hấp dẫn hơn, đi vào lòng người, tôn cao được giá trị văn hóa của ca trù trong nhân dân.

Sinh ra trong dòng họ Nguyễn Duy, là dòng họ lâu đời hát ca trù trên địa bàn huyện Đan Phượng, ca nương Nguyễn Thị Ngọc Mai còn rất trẻ dưới 20 tuổi, chia sẻ: Ca trù là làn điệu đặc sắc, với em theo hát ca trù là trách nhiệm của thế hệ trẻ muốn gìn giữ văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ca trù đặc sắc và khác các loại hình khác ở chỗ, ca nương phải có một giọng thanh - cao - vang, khi hát phải biết nhả chữ, nảy hạt và vừa hát, vừa gõ phách. Chính vì khó thể hiện, nên hoạt động ca trù phải thường xuyên có thày truyền dạy giỏi, và người học cũng phải có cái tâm mới thành.

Ca nương Nguyễn Thị Ngọc Mai chuẩn bị lên diễn.

Rất đông người đến xem biểu diễn ca trù tại Vạn Phúc.

Theo đại diện của Sở Văn hóa và Thể thao, Liên hoan ca trù là cách để ca trù đến gần với đời sống cộng đồng, động viên các giáo phường nhân rộng đối tượng tham gia hát ca trù; gìn giữ cách thể hiện ca trù cổ kết hợp với cái mới, giữ được văn hóa của bộ môn nghệ thuật này.

Liên hoan được tổ chức trong 1 ngày. Kết quả Ban tổ chức đã trao 10 giải A1 cho các ca nương; 7 giải A2 cho các ca nương; 3 giải khuyến khích và 5 giải kèm theo cho các nghệ nhân trống chầu; 5 giải cho kép đàn; 2 giải đặc biệt cho ca nương cho nghệ dân gian Ưu tú cao tuổi nhất Nguyễn Thị Khướu và ca nương nhỏ tuổi nhất Liên hoan Nguyễn Thục Trinh.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhan-rong-nghe-thuat-ca-tru-trong-cong-dong-281103.html