Nhận phong bì 100 triệu đồng, cựu Giám đốc RPMU cho rằng chỉ là... quà tết theo phong tục

Nhận 100 triệu đồng từ cấp dưới nhưng nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU), thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, đây chỉ là tình cảm anh em, quà tết theo phong tục.

Lương 12 triệu, biếu sếp 100 triệu đồng

“Trong quá trình công tác, bị cáo rất nhiều lần giúp đỡ, nhận Bằng về cơ quan, đưa vào quy hoạch, đào tạo. Khi Bằng đến chúc tết, bị cáo nghĩ là phong tục, không truy vấn tiền gì”.

Đây là lời trần tình của bị cáo Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc RPMU tại phiên tòa phúc thẩm ngày 7/11/2016, sau cáo buộc nhận 100 triệu đồng do Phạm Hải Bằng (nguyên Phó giám đốc RPMU) đưa. Đáng chú ý là thời gian nhận số tiền này lại trùng vào thời điểm RPMU vừa thực hiện xong hợp đồng tư vấn cho nhà thầu JTC. Nguyên Giám đốc RPMU cũng cho rằng, bản thân không phạm tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ.

Giải thích về việc biếu sếp số tiền lớn vào thời điểm đó, nguyên Phó giám đốc RPMU giải trình: “Nếu nhìn lại quá trình công tác của bị án, việc giúp đỡ của anh Lục không tính toán được bằng tiền. 10 năm trước, hai anh em luôn làm việc gần gũi. Trước khi anh Lục chuyển công tác, bị án mang quà đến chia tay. Số tiền đó là tiền cá nhân bị án. Lời trình bày của anh Lục là có cơ sở”. Phạm Hải Bằng thừa nhận thời điểm đó, lương bị án là 12 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, cơ quan tố tụng làm rõ, nguồn gốc số tiền này là do các bị cáo nhũng nhiễu nhà thầu JTC trong quá trình thực hiện Dự án Xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1). Thời điểm năm 2009, RPMU được giao thành lập Tổ dự án Tuyến số 1, gồm 21 người và Phạm Hải Bằng là chủ nhiệm Dự án.

Theo đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng tư vấn, Phạm Hải Bằng nêu khó khăn về chi phí triển khai thực hiện dự án để được JTC hỗ trợ 11 tỷ đồng. JTC là công ty đứng đầu liên doanh JKT (gồm 5 công ty tư vấn, dịch vụ của Nhật Bản và 3 công ty trong nước).

Số tiền này được các bị cáo sử dụng vào các hoạt động liên quan đến dự án như chi phí tổ chức lễ ký kết hợp đồng, hội họp, tiếp khách, đối ngoại... và chi phí chung như chi nghỉ mát, thưởng ngày lễ, tết, hỗ trợ công đoàn...

Dịp tết âm lịch năm 2010, Phạm Hải Bằng trích số tiền 100 triệu đồng trong số tiền do JTC “lại quả” mang đến biếu bị cáo Trần Văn Lục.

11 tỷ đồng không hạch toán vào sổ sách

Bản án sơ thẩm đánh giá hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng. Các bị cáo đã vòi vĩnh, sách nhiễu trong quá trình thực hiện Hợp đồng số 01 ngày 9/9/2009 để yêu cầu phía nhà thầu Nhật Bản là JTC phải đưa tiền.

Các bị cáo cũng không thực hiện nghiêm túc hợp đồng ký kết như: chưa kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng, tiến độ sản phẩm, chưa có đầy đủ chứng từ theo yêu cầu nội dung giải ngân thanh toán trong hợp đồng.

Tiến độ thực hiện hợp đồng chậm, sản phẩm chưa hoàn thành chiếm 45% hợp đồng nhưng các bị cáo vẫn giải ngân 80,45% giá trị ngoại tệ và 69% giá trị nội tệ. Quá trình kiểm soát chứng từ chi lương, chi phía nhà thầu cũng không thực hiện đúng hợp đồng. Cụ thể, chỉ có bảng chấm công và bảng thanh toán lương cho tư vấn, không có các báo cáo và tài liệu theo quy định.

Tất cả hành vi đó đều được thực hiện sau khi phía nhà thầu đã chi tiền ngoài. Các bị cáo đều có trách nhiệm quyền hạn nhưng không thực hiện đúng quy tắc đạo đức và ứng xử trong đấu thầu.

Nghiêm trọng hơn, các bị cáo nhận số tiền 11 tỷ đồng từ phía nhà thầu nhưng không hạch toán sổ sách, để ngoài chi tiêu cá nhân và tập thể không minh bạch, thể hiện mục đích vụ lợi cá nhân và lợi ích nhóm. Việc làm này còn khiến dự án bị ngưng trệ.

Hôm nay (9/11), Tòa án sẽ đưa ra phán quyết đối với các bị cáo.

Hà Linh

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-dinh/nhan-phong-bi-100-trieu-dong-cuu-giam-doc-rpmu-cho-rang-chi-la-qua-tet-theo-phong-tuc-169161.html