Nhân lực làm du lịch có thể mất việc trên sân nhà

Phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi), ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) nhận định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện sẽ tạo kẽ hở về pháp luật và quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách...

Cho ý kiến về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi), ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho rằng, sứ mệnh của Luật này là cần “bắt đúng bệnh, kê đúng đơn” để phát triển du lịch nước nhà sớm thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cũng theo ĐB Mai, kinh phí dành cho quảng bá du lịch của nước ta còn nhỏ bé nhưng sử dụng dàn trải, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, nhân lực làm du lịch vừa thiếu, vừa yếu nhất là đội ngũ hướng dẫn viên nên có thể mất việc ngay trên sân nhà. Do vậy, ĐB Mai đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể có tiêu chí đánh giá các hội chợ du lịch, tránh tổ chức dàn trải, hình thức, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong du lịch như hiện tượng chèo kéo, đeo bám, chặt chém khách.

Du lịch Việt Nam chưa phát triển đúng tầm

Đưa ra ví dụ về thực trạng này, ĐB Mai nói, có du khách khi đi du lịch trong dịp lễ, Tết đã phải trả 700.000 đồng cho 1 con ghẹ, 500.000 đồng cho một quả dừa, gây bức xúc trong dư luận. Hiện tượng này khiến du khách “một đi không trở lại”. Trong khi đó, Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch chưa được sửa đổi.

Cho ý kiến về phân loại hướng dẫn viên du lịch, ĐB Ngàn Phương Loan (đoàn Lạng Sơn) đề nghị Ban soạn thảo phân loại hướng dẫn viên theo chương trình du lịch thành hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế. Việc phân chia này không phải là sự phân biệt khách du lịch mà để đảm bảo tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng yêu cầu đặc thù của từng đối tượng khách du lịch. Cũng theo ĐB Loan, do hướng dẫn viên du lịch có ảnh hưởng trực tiếp đến du khách, đến việc quảng bá du lịch nước nhà nên cần quy định rõ về tiêu chuẩn, trình độ hướng dẫn viên nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) phát biểu

Về nguyên tắc tự nguyện trong xếp hạng cơ sở lưu trú, hầu hết các ĐB đều cho rằng, việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc tự nguyện sẽ tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo chất lượng, khó khăn trong việc quản lý, thống kê cơ sở lưu trú. ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) nhận định, xếp hạng lưu trú du lịch quy định theo nguyên tắc trên dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch; tạo kẽ hở về pháp luật và quản lý, tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh du lịch, đến diện mạo và uy tín của ngành nên việc này cần quy định bắt buộc.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện hứa sẽ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến của ĐBQH về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) nhằm hoàn thiện dự án, đảm bảo tính khả thi của Luật khi được ban hành.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhan-luc-lam-du-lich-co-the-mat-viec-tren-san-nha/709073.antd