Nhận diện và kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công

Theo báo cáo chung của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam công bố sáng 9-11, Việt Nam có thể nâng cao liêm chính và hiệu quả của khu vực công bằng cách bổ sung quy định và pháp luật kiểm soát các hình thức xung đột lợi ích phổ biến như nhận quà biếu, ưu ái người thân, hoặc sử dụng thông tin nội bộ để trục lợi cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, nghiên cứu này là nỗ lực ban đầu để nhìn nhận vấn đề xung đột lợi ích ở Việt Nam, nhằm khuyến nghị các biện pháp cho Chính phủ và các bên liên quan nâng cao nhận thức và giảm thiểu tình huống xung đột lợi ích mà công chức phải đối mặt trong công việc của mình, cải thiện chất lượng thể chế của khu vực công và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.

Báo cáo "Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công – Quy định và thực tiễn ở Việt Nam", cho rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế trong ba thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường đã thúc đẩy tương tác ngày càng tăng giữa khu vực công và tư, và do đó cần phải giải quyết những xung đột lợi ích phát sinh trong quá trình tương tác này thông qua luật pháp và thực thi chính sách tốt hơn.

Báo cáo tập trung vào hai vấn đề chính là nghiên cứu về pháp luật quốc tế và Việt Nam về xung đột lợi ích và khảo sát cảm nhận của người dân, cán bộ công chức về xung đột lợi ích, cho thấy hiểu biết về xung đột lợi ích trong xã hội và trong bản thân cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, nhiều hình thức xung đột lợi ích khác nhau ở khu vực công đã gây suy giảm hiệu quả và liêm chính trong các thiết chế công.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng với thể chế hiện đại vào năm 2035 thì việc kiểm soát xung đột lợi ích là điều kiện thiết yếu để đạt được khát vọng đó, vì nó giúp định hình các thể chế, luật lệ và quy định của Nhà nước và thị trường cho thế hệ tiếp theo.

Báo cáo dày 144 trang này đã đánh giá một cách toàn diện về mức độ phổ biến của xung đột lợi ích trong sáu lĩnh vực hoạt động của khu vực công: cung cấp dịch vụ công; tuyển dụng và bổ nhiệm, đấu thầu; cấp phép và phê duyệt dự án; thanh tra và kiểm tra; xử lý vi phạm. Báo cáo với kết quả khảo sát người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức và viên chức cho thấy đòi hỏi ngày càng tăng của xã hội về sự minh bạch, hiệu quả và liêm chính trong các quyết định phân bổ nguồn lực công.

Báo cáo cũng cho thấy quản lý đấu thầu, cấp phép và phê duyệt dự án, bổ nhiệm và tuyển dụng là ba lĩnh vực với các tình huống xung đột lợi ích phổ biến nhất. Để kiểm soát xung đột lợi ích hiệu quả, báo cáo đưa ra ba nhóm khuyến nghị như sau: Đó là nâng cao nhận thức và hiểu biết về xung đột lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân cũng như doanh nghiệp.

Báo cáo khuyến nghị chính phủ thông qua một định nghĩa thống nhất về xung đột lợi ích cũng như cơ chế ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm về xung đột lợi ích trong khuôn khổ pháp lý về quản trị công ở Việt Nam. Điều cần làm nữa là mở rộng phạm vi áp dụng của các quy định về xung đột lợi ích, như nhận quà biếu, việc làm ngoài công vụ, kê khai thu nhập - tài sản cho các chủ thể có quan hệ mật thiết với công chức.

Phân công đầu mối theo dõi, hỗ trợ và khuyến nghị giải pháp xử lý vi phạm và tình huống liên quan đến xung đột lợi ích. Khuyến khích vai trò giám sát của xã hội, doanh nghiệp và báo chí cũng hết sức quan trọng để kiểm soát xung đột lợi ích.

“Kiểm soát xung đột lợi ích một cách hiệu quả không chỉ giúp nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực công mà còn tăng cường liêm chính và phòng chống tham nhũng ở khu vực công”, ông Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam nói và hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm đưa ra các biện pháp cải cách thể chế trong lĩnh vực này”.

Hiểu đúng để kiểm soát xung đột lợi ích
Bà Trần Thị Lan Hương - Chuyên gia cao cấp của WB cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết người dân và cán bộ công chức mới chỉ nhận biết được các tình huống xung đột lợi ích, nhưng lại chưa hiểu hoặc hiểu đúng khái niệm xung đột lợi ích do Việt Nam chưa có một khái niệm rõ ràng về xung đột lợi ích. Chính vì vậy mà việc kiểm soát xung đột lợi ích chưa hiệu quả. Theo bà Hương, xung đột lợi ích là các tình huống, còn tham nhũng là hành vi, nhưng xung đột lợi ích có thể dẫn đến hành vi tham nhũng nếu không được kiểm soát tốt, như việc tặng quà, bổ nhiệm người thân hay phê duyệt đấu thầu …

Bà Trần Thị Lan Hương dẫn định nghĩa về xung đột lợi ích của OECD đã được phổ biến trên thế giới, “xung đột hay mâu thuẫn lợi ích là tình huống trong đó một cán bộ công chức, trong thẩm quyền chính thức của mình, đưa ra khoặc phải đưa ra các quyết định hoặc có những hành động, có thế tác động tới lợi ích cá nhân của họ”. Báo cáo cho rằng, việc đưa ra một định nghĩa sẽ giúp mọi người hiểu đúng và chỉ ra được các tình huống xung đột lợi ích. Từ đó, luật hóa chúng mới mong kiểm soát được các xung đột lợi ích, hạn chế được các hành vi tham nhũng vì lợi ích cá nhân.

Bà Trần Thị Lan Hương phân tích thêm, Luật Phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả là vì các quy định nằm rải rác trong nhiều văn bản luật, nhưng thiếu hệ thống, thiếu cơ chế giám sát hiệu quả. Trong khi, một quyết định công có thể bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, dẫn đến các quyết định khu vực công không còn công bằng, gây mất niềm tin khu vực công, ảnh hưởng môi trường cạnh tranh công bằng.

Theo bà Lan Hương, luật pháp liên quan xung đột lợi ích đã có những quy định về quà tặng, bổ nhiệm người thân. Tuy nhiên Việt Nam lại chưa đưa ra được một định nghĩa chính thức về khung xung đột lợi ích. Các quy định mới chỉ nhắm đến đối tượng là cán bộ công chức, mà chưa mở rộng đối tượng là người thân của cán bộ công chức.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc xử lý chưa nghiêm các quy định như kê khai tài sản, quà biếu, hoặc lãnh đạo không gương mẫu nên chỉ làm hình thức, thiếu giám sát. Việc coi văn hóa biếu quà chỉ là sự biện minh, dẫn đến thực thi các quy định về xung đột lợi ích kém hiệu quả. Hoặc trong vấn đề đấu thầu thì tình trạng lập doanh nghiệp sân sau để trúng thầu khá phổ biến. Khi đó các tiêu chí nhà thầu đưa ra hoặc các quyết định bổ nhiệm chỉ là “gọt chân cho vừa giầy”.

Quà tặng biến tướng, doanh nghiệp mong bớt bị nhũng nhiễu

Khảo sát không chấp nhận văn hóa áp dụng vào quyết định công. Chẳng hạn như tặng quà giờ không còn là tình cảm, mà là nợ phải trả, ảnh hưởng tới các quyết định của công chức.

So sánh với các nước trong khu vực, bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ: Ở Singapore nếu món quà hơn 50 đô Singapore là phải nộp lại Nhà nước. Các nước khu vực Đông Nam Á cũng cấm cả người thân nhận quà, trong khi ở Việt Nam các doanh nghiệp phản ánh có người thân cán bộ gọi điện doanh nghiệp để mua cổ phần nhưng lại không nộp tiền. Bà Vũ Thị Kim Hạnh cảnh báo, “hành vi này còn nguy hiểm hơn nhận quà, vì nếu doanh nghiệp không chấp nhận thì việc cổ phần hóa cũng khó thành công”.

Bà Vũ Thị Kim Hạnh cho rằng, các quy định thường đặt doanh nghiệp trong tình trạng là lúc nào cũng có nguy cơ bị xử phạt, dẫn đến những tình huống xung đột lợi ích mà doanh nghiệp thường phải chọn giải pháp tặng quà. Và nếu có khiếu nại thì những người nắm quyền lực trong khu vực công là được giao hoạch đinh, vừa thực thi, thậm chí vừa giám sát khiếu nại thì việc doanh nghiệp lại càng gặp khó. Bà Hạnh kiến nghị nên chăng có môt cơ quan độc lập xử lý vấn đề này.

Cuối cùng, bà Hạnh nói: “các doanh nghiệp hiện nay không cần hỗ trợ nhiều, mà là cần các cán bộ công chức đừng nhũng nhiễu doanh nghiệp”.

Học người xưa, cấm cả họ làm quan, nghị sĩ không ăn cơm mời
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá cao việc nghiên cứu đã đưa ra được khái niệm xung đột lợi ích rõ ràng và đưa được vào luật hóa một cách hệ thống, coi đây là một thành công mang tính bước ngoặt. Ông Dũng chia sẻ, bản thân ông đã từng cố đưa ra khái niệm này nhưng thất bại.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng phân tích thêm về những tình huống xung đột lợi ích như việc bổ nghiệm. Ông nói: “Việc chúng ta chỉ đưa ra quy trình bổ nhiệm, mà không đưa những quy định về xung đột lợi ích nên hiện vẫn xảy ra tình trạng bổ nhiệm người thân mà vẫn đúng quy trình”.

Viện dẫn Luật Hồi tỵ từ thời phong kiến, ông Dũng cho biết, Luật của cha ông ta ngày xưa đã có những quy định rõ ràng về xung đột lợi ích mà nay lại chết yểu. Luật xưa đã quy định, người làm quan ở đâu thì không được kinh doanh hoặc mua nhà tại địa phương đó, cấm cả họ làm quan. “Vì vậy, chúng ta cần trở lại quy định của cha ông ta”, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng khuyến nghị.

Đồng tình với các giải pháp chống xung đột lợi ích là nâng cao nhận thức, bổ sung đối tượng là người thân của cán bộ công chức … song Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đề nghị cần bổ sung đối tượng là đại biểu Quốc hội phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy định về xung đột lợi ích vào luật và coi đây là quy chế đạo đức công vụ, mà các đại biểu Quốc hội hay cán bộ công chức cần phải tránh những tình huống xung đột lợi ích. Ông Nguyễn Sĩ Dũng gợi ý, cần đưa các tình huống liên quan xung đột lợi ích như việc cấm các đại biểu Quốc hội không được ăn cơm mời của các thành viên Chính phủ trước ngày bỏ phiếu tín nhiệm.

XUÂN BÁCH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/31216902-nhan-dien-va-kiem-soat-xung-dot-loi-ich-trong-khu-vuc-cong.html