Nhận diện trầm cảm ở tuổi 20

Tuổi 20 thường được coi là độ tuổi của vui vẻ, lạc quan, yêu đời, nhưng thực tế trầm cảm ở người trẻ tuổi không phải là hiếm.

Một trong những dấu hiệu của trầm cảm là thu mình lại với thế giới xung quanh - Ảnh: Shutterstock

Theo các chuyên gia tâm lý, 20 là độ tuổi mà các thanh niên nói lời tạm biệt với thời niên thiếu, và họ phải cố gắng sắp xếp cuộc sống theo cách riêng của mình. Việc thường xuyên phải đối phó với những thay đổi trong cuộc sống để có thể thích ứng gây ra cảm giác buồn bã và khó chịu.

Stuart Goldman, TS.BS tâm lý vị thành niên tại Bệnh viện nhi Boston (Mỹ) cho biết hòa nhập vào thế giới, thiết lập một bản sắc rõ ràng, phát triển các mối quan hệ thân mật, sự nghiệp cho tương lai là những thách thức với những người ở độ tuổi 20 và điều này sẽ khiến họ dễ bị trầm cảm. Để biết liệu bạn có bị trầm cảm hay không, hãy xem các dấu hiệu và triệu chứng dưới đây.

Thiếu quan tâm

Theo Livescience, không quan tâm đến các hoạt động mang tính vui chơi, giải trí là một dấu hiệu của trầm cảm. TS Goldman cho biết những người ở độ tuổi 20 thường rất thích đi ra ngoài với bạn bè, nhưng khi họ không cảm thấy hứng thú hay có động lực để tham gia các hoạt động mang tính giải trí mà có xu hướng thu mình lại, cô lập và ít hòa đồng với bạn bè, hãy coi chừng, trầm cảm đang ghé thăm đấy!

Năng lượng thấp

Những người bị trầm cảm thường cảm thấy tuyệt vọng kèm theo đó là thiếu động lực để thực hiện các mục tiêu trong cuộc sống. Do đó, họ luôn có cảm giác cơ thể không đủ năng lượng và vô cùng mệt mỏi nên rất khó để bước ra khỏi giường hoặc theo kịp với các hoạt động bình thường.

Thiếu tập trung

Một tâm trí đầy ắp những suy nghĩ tiêu cực và bi quan có thể dẫn đến thiếu sự tập trung và quyết đoán khi phải đối mặt với những lựa chọn quan trọng, như: cơ hội nghề nghiệp, di chuyển đến một thành phố mới, giành quyền độc lập về tài chính hay theo đuổi các mối quan hệ lãng mạn. Kém tập trung và không chăm chỉ trong công việc có thể làm xói mòn lòng tự trọng.

Dậy vào sáng sớm

Chán nản ở tuổi 20 có thể khiến nhiều người thường xuyên thức dậy lúc 4 hoặc 5 giờ sáng và sau đó không thể trở lại giấc ngủ. Những người bị trầm cảm thường có mức cortisol - một hormone stress bất thường. Nhiều nghiên cứu cho thấy thanh niên bị trầm cảm thường có nồng độ cortisol cao trong những giờ sáng sớm, và đó chính là nguyên nhân làm hỏng giấc ngủ.

Uống nhiều rượu hoặc sử dụng các chất kích thích

Để xoa dịu nỗi đau và sự cô đơn trống trải trong lòng, một số người trẻ tìm đến rượu hoặc các chất kích thích như một lối thoát.

Ít quan tâm tới tình dục

Bệnh nhân trầm cảm thường giảm mạnh các hứng thú và đam mê, trong đó có nhu cầu tình dục. Họ thường than phiền mất hết các sở thích vốn có trước đây. Họ không còn ham muốn tình dục, nhiều khi hằng tháng không muốn quan hệ. Bên cạnh đó, người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi nên luôn tìm cách từ chối chuyện gối chăn, dần dần họ lâm vào tình trạng mệt mỏi hơn. Họ thường viện cớ công việc, sức khỏe... để thoái thác. Bệnh nhân trầm cảm luôn trong tình trạng buồn rầu vô cớ, tâm trạng u uất, không thể vui được (dù có các tác động bên ngoài). Chính vì cảm giác buồn bã này mà họ không muốn quan hệ tình dục. Với họ, đời sống tình dục là một khái niệm gần như không tồn tại.

Thay đổi trọng lượng

Những người bị trầm cảm có thể có một sự thay đổi trong trọng lượng của họ, theo 2 hướng. Một số người giảm cân bởi vì họ bị mất cảm giác ngon miệng hay ít quan tâm đến việc ăn uống, trong khi đó, một số người khác tăng cân vì sử dụng thực phẩm như là một hình thức để thúc đẩy sự thoải mái.

Ngọc Khuê - Ngọc Khuê

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/suc-khoe/nhan-dien-tram-cam-o-tuoi-20-762844.html