Nhận diện sớm rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh

Chứng khoán phái sinh được xem là công cụ phòng ngừa rủi ro, nhưng về bản chất hoạt động, sản phẩm này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo lộ trình, tháng 12 tới, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ báo cáo Chính phủ về kế hoạch triển khai thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh. Dự kiến, thị trường này sẽ khai trương trong quý I/2017.

Tại hội thảo “Quản lý rủi ro trên TTCK phái sinh Việt Nam” ngày 10/11, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HNX nhấn mạnh, mặc dù chứng khoán phái sinh được xem là công cụ phòng ngừa rủi ro, nhưng về bản chất hoạt động, sản phẩm này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi nhiều nhà đầu tư hiện vẫn còn khá xa lạ với khái niệm cũng như cách thức vận hành của các công cụ phái sinh.

Một số kế hoạch hoạt động của HNX liên quan đến TTCK phái sinh

Đồng quan điểm, ông Đặng Tài An Trang, Phó chánh văn phòng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc phát triển TTCK phái sinh, ngoài cung cấp công cụ hạn chế rủi ro thì còn có tác động tích cực trở lại với TTCK cơ sở. Tuy nhiên, vì sản phẩm ban đầu là những hợp đồng tương lai có ý nghĩa mang tính cam kết nên rủi ro khó nhận diện hơn so với thị trường cơ sở. Yếu tố rủi ro nằm ở đối tác, khi họ không thực hiện cam kết hoặc đổ vỡ về mặt tài chính.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, đại diện Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho hay, việc thanh toán và bù trừ trên TTCK phái sinh không có nhiều khác biệt so với TTCK hiện tại. Tuy nhiên, rủi ro chính nằm ở đối tác, bao gồm cả những thành viên bù trừ, nếu họ mất khả năng thanh toán. VSD sẽ có cơ chế bảo lãnh thanh toán các bên trong trường hợp một bên mất khả năng thanh toán.

Theo đó, VSD sẽ thành lập quỹ bù trừ hình thành từ các đóng góp của các thành viên bù trừ. Quỹ này cùng với quy định tỷ lệ ký quỹ ban đầu, quỹ dự phòng rủi ro thị trường và nguồn vốn của VSD sẽ đảm bảo thanh toán khi thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán cũng như bù đắp thiệt hại và các chi phí phát sinh như chi phí giao dịch, chuyển khoản.

Về phía HNX, bên cạnh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường, để hạn chế rủi ro thao túng giá trên TTCK phái sinh, Sở đã thiết kế sản phẩm tránh thao túng giá theo thông lệ quốc tế, kinh nghiệm của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) và các chuyên gia từ Nhật Bản, Đức, áp dụng phù hợp với thị trường Việt Nam. Cụ thể, việc mua bán sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu sẽ được thanh toán bằng tiền.

Về hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, theo đại diện HNX, do tính thanh khoản của thị trường trái phiếu hiện nay tương đối hạn chế, dẫn đến khả năng cao trong thao túng giá, nên hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ sẽ được thanh toán theo phương thức chuyển giao vật chất.

Với tư cách là một thành viên của TTCK phái sinh, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) chia sẻ, khả năng đảm bảo vận hành thị trường, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin có ý nghĩa quyết định. Tại HSC, Công ty đã đầu tư 4 hệ thống, trong đó có một hệ thống giao dịch chính, một hệ thống tương tự hoạt động song song dùng thay thế nếu có trục trặc xảy ra đối với hệ thống chính, một hệ thống tách riêng để làm việc với cơ quan quản lý và một hệ thống dự phòng quan trọng trong trường hợp sự cố xảy ra đối với cả 3 hệ thống trên.

Để quản trị rủi ro trên TTCK phái sinh, theo ông Giang, cần hiểu thấu đáo về sản phẩm cũng như quy trình vận hành, phương cách giao dịch và phải có chính sách quản trị rủi ro toàn diện, hiệu quả. Việc quản trị này được xây dựng dựa trên mức độ phát triển của thị trường, nhưng cũng cần suy nghĩ xa hơn để có thể bao quát tất cả những tài sản cơ sở, sản phẩm phái sinh, cơ cấu cũng như thách thức giao dịch có thể có trong tương lai.

Ngọc Nhi

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/nhan-dien-som-rui-ro-tren-thi-truong-chung-khoan-phai-sinh-169310.html