Nhận diện đúng để hành động mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã ra Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Đây là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần XII được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để toàn Đảng, toàn dân hành động mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm đó đòi hỏi phải nắm vững 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Đại hội lần thứ XII đề ra. Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị. Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận. Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và gần 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và đáp ứng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân.

Đã có bước đột phá quan trọng về công tác cán bộ khi tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, tiếp đó là bầu cử Quốc hội khóa XIV, bầu cử HĐND các cấp, kiện toàn bộ máy Chính phủ và chính quyền các địa phương với tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, vì dân và tạo sự chuyển động trong toàn hệ thống. Điều đó rất có ý nghĩa trong việc củng cố niềm tin của nhân dân.

Trong khi khẳng định những chuyển biến tích cực, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã thẳng thắn chỉ rõ những mặt hạn chế, yếu kém, nhất là chưa ngăn chặn, đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Trung ương yêu cầu phải chỉ ra có hệ thống những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và thực hiện mạnh mẽ các giải pháp, mang lại hiệu quả thiết thực nhằm làm cho Đảng thật sự trong sạch, có sức chiến đấu cao, hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là quá trình diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên do không chịu tu dưỡng, rèn luyện, bị chủ nghĩa cá nhân và những tham muốn vật chất cùng những tác động tiêu cực khác chi phối mà trở thành những người hư hỏng không còn giữ được phẩm chất cách mạng của người cộng sản. Sự tha hóa đó có tác động xấu đến việc giữ gìn, bồi đắp bản chất cách mạng của Đảng, đánh mất uy tín chính trị trước nhân dân và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Cần nhận diện rõ sự suy thoái dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đó là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không tin vào con đường xã hội chủ nghĩa, không phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; hành động trái với Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, phụ họa, tiếp tay cho các thế lực thù địch chống lại Đảng, Nhà nước; mang nặng chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, vụ lợi, tham nhũng, lãng phí, tha hóa về lối sống, nhân cách; vô trách nhiệm, quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn của nhân dân. Những biểu hiện đó biến những cán bộ lãnh đạo, quản lý thành những "quan cách mạng" mà Bác Hồ đã nghiêm khắc phê phán.

Để ngăn chặn, đầy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra các giải pháp căn bản. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình, phê bình thường xuyên với hiệu quả thiết thực. Chú trọng cơ chế chính sách, chế tài tổ chức và quản lý cán bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nêu cao vai trò giám sát của nhân dân, của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội.

Những giải pháp căn bản cần được cụ thể hóa thể hiện trong chính sách, thể chế để thực hiện tốt hơn cơ chế kiểm soát quyền lực. Các tổ chức đảng kiểm tra, kiểm soát quyền lực đối với từng cán bộ được giao trọng trách. Tăng cường kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan làm chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao người đứng đầu cần được thực hiện nghiêm túc. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng phải gắn liền với sự tự tu dưỡng, rèn luyện của từng cán bộ, đảng viên.

Chú trọng thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cần coi trọng nêu gương những đảng viên, cán bộ tận tụy, có trách nhiệm, thật sự vì nước, vì dân. Trong Đảng và xã hội ta còn rất nhiều người giỏi và tốt, làm sao để cái tốt đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực. Cần cảnh giác với sự kích động, phá hoại của các thế lực thù địch.

PGS .TS. Nguyễn Trọng Phúc

(nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-tri/nhan-dien-dung-de-hanh-dong-manh-me-thiet-thuc-hieu-qua/290426.vgp