'Nhận diện' căn bệnh lạ khiến nam nhân viên y tế tự tháo rời chân

Vừa qua, anh K. (27 tuổi), nhân viên y tế của bệnh viện Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ đã tự cắt chân. Công an TP.Cần Thơ kết luận anh này mắc bệnh rối loạn nhận dạng cơ thể. Đây là căn bệnh gì?

Bệnh viện Cái Răng, nơi anh K. công tác

Bệnh viện Cái Răng, nơi anh K. công tác

Đây là một bệnh về tâm thần, khi bản đồ não về nhận dạng toàn vẹn cơ thể không nhận dạng 1 phần cơ thể nào đó, sẽ làm cho người bệnh cảm thấy rất khó chịu với phần cơ thể này. Họ luôn có ý định muốn loại bỏ chúng, cho dù có tàn phế sau đó nhưng họ lại cảm thấy vui và hạnh phúc hơn.

Trong y văn thế giới đã từng ghi nhận rất nhiều trường hợp về người mắc bệnh này, thuật ngữ y khoa gọi là Body Integrity Identity Disorder (BIID), hội chứng rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể. Người bệnh lúc nào cũng tìm cách loại bỏ 1 phần cơ thể không được nhận dạng. Nhiều người tìm đến bác sĩ để nhờ phẫu thuật cắt bỏ nhưng không ai chịu làm khi phần cơ thể đó thực tế vẫn đang khỏe.

Một số khác tự hủy hoại cơ thể bằng nhiều cách, hoặc cố gắng làm hư hỏng chúng để buộc bác sĩ phải can thiệp. Có người ngâm chân vào tủ đá nhiều giờ liền cho máu đông đặc, hoại tử, có người liều hơn dùng súng, dùng dao để hủy hoại…

Tuy nhiên cảm giác đau ở những phần cơ thể này vẫn bình thường cho nên đa phần người bệnh không thể tự xử lý 1 mình được, họ không thể vượt qua được sự đau đớn - gần như ngoài khả năng này. 1 nhát dao hay 1 phát súng có thể “gồng” mà cho trôi qua.

Nhưng chuyện 1 người có thể ung dung phẫu thuật một cách bài bản để tự tháo khớp gối cho mình như anh K. thì quả là đại tài! Anh ta phải cần đến rất nhiều thứ để chuẩn bị cho một ca phẫu thuật. Từ thuốc tê, cầm máu, chống nhiễm trùng, băng gạc, dao mổ, kim khâu động mạch, xử lý mõm cụt… rất phức tạp và khó khăn.

Nhất là khi máu động mạch tuôn ra nhiều sẽ làm tuột huyết áp và mờ mắt, rồi sẽ ngất xỉu trước khi anh ta có thể tìm ra động mạch để tự khâu cho đúng kỹ thuật…

Sau khi tháo chân, anh K. cương quyết không cho nối lại

Rất khó để giải thích ngoại trừ anh ta có người giúp đỡ! Nhưng công an sau khi điều tra đã khẳng định anh tự làm một mình, đây là điều ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi - những người làm trong ngành y.

Về điều trị căn bệnh này, hiện chưa có thuốc nào hiệu quả, chủ yếu là điều trị tâm lý. Một khó khăn là người bệnh ít khi để lộ tâm bệnh ra ngoài, thành thử mọi người xung quanh cũng khó phát hiện, cho đến khi sự cố xảy ra thì đã quá trễ.

Dưới góc độ của Đông y, có thể giúp bệnh nhân BIID dần dần trở về bình thường, nhờ vào cách thường xuyên xoa bóp, day bấm các huyệt đạo. Cách này giúp cập nhật một cách liên tục, lặp lại nhiều lần cho não bộ về nhận dạng toàn vẹn cơ thể.

Đặc biệt là day bấm huyệt Túc tam lý và huyệt Dũng tuyền thường xuyên rất có lợi. Nếu mỗi ngày chúng ta day bấm 2 huyệt này khoảng 8 phút thì sức khỏe sẽ tốt hơn nhiều, đồng thời tuổi thọ có thể kéo dài thêm 20 năm.

Thần kinh con người có một số quy luật, nếu một vấn đề thường xuyên nghĩ đến, thì hình ảnh đó sẽ được ghi đậm và mong sớm xảy ra điều đó, gọi là bệnh tại tâm. Nếu ngăn được những suy nghĩ tiêu cực về bệnh tật thì bệnh cũng không xảy ra.

Cho nên trong liệu pháp tâm lý, người thầy thuốc có thể làm cho bệnh nhân vui vẻ hơn để nghĩ về điều khác, khi họ không nghĩ về bệnh của mình một thời gian dài thì căn bệnh cũng sẽ tự lui đi. Trong đạo Phật có phương pháp trì niệm liên tục cũng giúp ngăn những tạp suy nghĩ, tránh được nhiều bệnh tật, tiêu trừ tai ương và làm cho trí tuệ ngày càng trong sáng.

Dược sĩ Nguyễn Đức Châu

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/nhan-dien-can-benh-la-khien-nam-nhan-vien-y-te-tu-thao-roi-chan-47909.html