Nhạc viện TP. HCM nói gì về vụ việc GS Nguyễn Văn Nam

GS. Nam luôn nhận được sự quan tâm của nhiều cấp lãnh đạo như tạm ứng lương, cho vay tiền để sửa chữa nhà.

Biên bản trao đổi, giải quyết đơn phản ánh của thày Nguyễn Văn Nam ngày 9/6/2016

Biên bản trao đổi, giải quyết đơn phản ánh của thày Nguyễn Văn Nam ngày 9/6/2016

Sau đăng tải bài viết “Nhạc viện TP HCM bị tố đối xử tệ với nhạc sĩ tài danh” (số 160), Báo Giao thông đã nhận được các văn bản giải quyết vụ việc, giải trình Văn phòng Chính phủ từ lãnh đạo Nhạc viện.

Nhạc viện luôn trân trọng, ưu ái GS. Nam

Ngày 10/10, Nhạc viện TP HCM đã có đơn giải trình do ông Tạ Quang Đông, Giám đốc ký gửi Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Trong đơn, ông Tạ Quang Đông cho biết, Nhạc viện luôn có tinh thần trọng nhân tài, Giáo sư (GS) Nam cũng không ngoại lệ. Năm 1990, GS. Nam từ Liên bang Nga trở về, lúc ấy đã 54 tuổi nên không nằm trong quy định được tuyển biên chế Nhà nước. Hơn nữa, GS. Nam trở về Việt Nam cũng không chuyển hồ sơ đến Nhạc viện, không có yêu cầu tiếp nhận của phía Nga hay Việt Nam và cũng không có hộ khẩu... Tuy nhiên, Nhạc viện vẫn mời GS. Nam tham gia giảng dạy và tham gia các công việc khác.

Đặc biệt, nguyên Giám đốc Nhạc viện Quang Hải khi ấy đã ký các quyết định cấp nhà ở đầu tiên cho GS. Nam tại chung cư Nguyễn Thái Bình. GS. Nam cũng được hưởng những tiêu chuẩn của cán bộ, công nhân viên Nhạc viện mặc dù không phải là giảng viên biên chế hay còn gọi là giảng viên cơ hữu.

Trong nhiều năm, GS. Nam luôn nhận được sự quan tâm của nhiều cấp lãnh đạo Nhạc viện như tạm ứng lương, cho vay tiền để sửa chữa nhà.

Tháng 4/2016, khi GS. Nam làm đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày về chế độ giảng dạy và một số vấn đề liên quan đến việc TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó giám đốc Nhạc viện TP HCM đã có một số lời nói mang tính xúc phạm đối với GS. Ngay sau đó, Nhạc viện đã nhận được thông báo của Văn phòng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhạc viện đã mời GS. Nam đến trao đổi. Trong cuộc họp có đầy đủ Ban giám đốc Nhạc viện (Khi ấy Giám đốc Nhạc viện là bà Văn Thị Minh Hương), vợ chồng GS. Nam và bà Mỹ Liêm. Tại biên bản làm việc ngày 9/6 có đóng dấu và chữ ký của các bên, bốn vấn đề đã được nêu ra chất vấn và giải trình cặn kẽ: Việc ra đề thi và cô Mỹ Liêm xúc phạm GS. Nam năm 2013; Việc xác nhận có là giảng viên cơ hữu hay không; Việc học viên đóng tiền tại Phòng Quản lý sau đại học; Việc cấp nhà cho GS. Nam.

Tuy nhiên, mới đây, ngày 27/9, Nhạc viện lại tiếp tục nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ yêu cầu báo cáo về phản ánh, kiến nghị của GS. Nam. Ngay sau đó, Ban lãnh đạo Nhạc viện đã mời GS. Nam và vợ là bà Huỳnh Mẫn Chi tới làm việc vào ngày 6/10. Sau khi được bày tỏ các băn khoăn, GS. Nam và bà Chi đã đồng ý với cách giải quyết vấn đề của Nhạc viện trong hoàn cảnh mới. Hơn nữa, hai bên đã tìm được tiếng nói chung và vạch ra kế hoạch làm việc năm 2017 với chương trình biểu diễn các tác phẩm của GS vào tháng 4/2017.

Nếu có việc xúc phạm GS. Nam, có thể do hiểu nhầm

Trong đơn giải trình gửi lên Chính phủ ngày 10/10 mới đây, lãnh đạo Nhạc viên cho biết, GS. Nam không là giảng viên cơ hữu, chỉ là giảng viên thỉnh giảng. Điều này thể hiện rõ trong các hợp đồng ký giữa Nhạc viện và GS. Nam.

Về một số lời nói của bà Mỹ Liêm bên ngoài phòng thi năm 2013 gây bức xúc đối với GS. Nam, lãnh đạo Nhạc viện cho rằng có thể do hiểu nhầm.

Nhạc viện cũng đã xác minh với học viên phản ánh lời nói của bà Liêm đến GS. Nam nhưng chưa có được chứng cứ xác thực.

Còn về việc GS. Nam cho rằng bà Liêm yêu cầu GS viết đơn xin rút khỏi cơ hữu trong khi GS chưa bao giờ là giáo viên cơ hữu của trường, ông Đông giải thích: Theo trình bày của bà Liêm là do thày Nam làm việc tại trường đã lâu. Khi phong Giáo sư (cuối năm 2015) thì trường cũng ra quyết định bổ nhiệm Giáo sư theo thủ tục công nhận danh hiệu Giáo sư, Phó giáo sư của Nhà nước. Để xác nhận thày không phải là giảng viên cơ hữu của Nhạc viện thì cần có đơn và Nhạc viện đã xác nhận. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản trả lời GS. Nam là “cần phải có văn bản của Nhạc viện để làm rõ sự nhầm lẫn” giữa danh sách cơ hữu đang có trên Bộ và danh sách thực tế của Nhạc viện. Tuy nhiên, trong khi trao đổi, hai bên có những cách giải thích chưa hiểu nhau.

Ông Đông cũng cho biết thêm, trong Biên bản hòa giải ngày 9/6 ghi nhận các cá nhân có liên quan đã có lời xin lỗi trước một số ý gây hiểu nhầm khiến GS. Nam bức xúc. “Qua những phản ánh trong đơn của GS. Nam, tập thể lãnh đạo Nhạc viện cho rằng: Một số nguyên nhân dẫn tới việc có đơn thư là do các bên chưa hiểu nhau, chưa hiểu rõ hoàn cảnh của từng sự việc. Nhiều tình tiết các bên tranh luận vì nghe được từ nhiều nguồn tin khác nhau”, ông Đông trình bày.

>>> Xem thêm video:

To view this video please enable JavaScript, and consider upgrading to a web browser that supports HTML5 video

Linh Hoàng

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nhac-vien-tp-hcm-noi-gi-ve-vu-viec-gs-nguyen-van-nam-d172035.html