Nhạc trưởng Claude Brendel - người chuyển tải giai điệu Việt

Nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Rouen (Pháp) Claude Brendel đã từng nhiều lần tới Việt Nam và dành tình cảm đặc biệt cho đất nước con người nơi đây.

Dàn nhạc giao hưởng Rouen vừa phối hợp với Hợp ca Quê hương (một dàn hợp xướng của người Việt trên đất Pháp) biểu diễn ghi đĩa nhạc có tựa đề "Tổ quốc yêu thương" tại thành phố Rouen và tháng 10 tới sẽ có các buổi trình diễn tại Việt Nam.

Ông Claude Brendel, Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn Nhạc trưởng Claude Brendel.

Nhạc trưởng Claude Brendel và dàn Hợp ca quê hương ghi âm đĩa nhạc

PV: Xin ông cho biết dàn nhạc giao hưởng Rouen và Hợp ca Quê hương gặp nhau trong hoàn cảnh nào? Và vì sao ông có ý tưởng phối hợp với Hợp ca Quê hương trong chương trình này?

Nhạc trưởng Claude Brendel: Đúng là tôi đang cùng làm việc với Hợp ca quê hương trong dự án ghi đĩa nhạc “Tổ quốc yêu thương”. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, bởi vì chúng tôi đã làm quen với nhau từ tháng 12/2014 nhân dịp bài "Người chiến sỹ biên thùy" được trình diễn lần đầu tiên bên ngoài Việt Nam.

Tôi đã quen biết chị Ngân Hà, người sáng lập và điều hành Hợp ca Quê hương và chị đã đưa ra đề nghị này với tôi. Bản thân tôi đã có dịp đôi lần tới Việt Nam, và tôi cảm thấy thú vị với đề nghị này và dự án này. Cuộc gặp gỡ đầu tiên năm 2014 đã diễn ra rất tốt đẹp. Chúng tôi muốn tiếp tục cùng nhau làm việc để hình dung ra những điều khác. Và điều khác ấy trở thành hiện thực là dự án ghi đĩa CD này, bao gồm những ca khúc Việt Nam, nằm trong số những tác phẩm chủ đạo trong các nhạc viện, các dàn nhạc giao hưởng và các dàn đồng ca.

PV: Được biết ông là một trong những người am hiểu Việt Nam, sau nhiều chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ông cảm nhận thế nào về đất nước, con người Việt Nam nói chung và về nền âm nhạc đương đại của Việt Nam nói riêng?

Nhạc trưởng Claude Brendel: Tôi đã có điều kiện đến Việt Nam một vài lần. Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của tôi vào năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với dàn nhạc giao hưởng đầy đủ để có thể biểu diễn tại nhiều nơi trong thành phố. Đó là dịp tiếp xúc đầu tiên của tôi với Việt Nam.

Trong dịp này, tôi có hạnh phúc được gặp gỡ các nhạc sỹ của Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia của Việt Nam (VNSO) tại Hà Nội. Qua họ, thời gian đầu tôi cộng tác với với dàn nhạc giao hưởng Mil, được lập ra để phục vụ 1.000 năm Thăng Long. Tiếp đó, dàn nhạc này mời tôi điều khiển, vào tháng 11/2013, chương trình hòa nhạc Mozart tại Hà Nội.

Việt Nam là một đất nước tươi đẹp, nhất là khi đi từ Bắc xuống Nam. Tôi thấy rất nhiều điều khác lạ trong phong cảnh, trong các cuộc gặp gỡ với người dân. Và hơn cả là tôi thích cách thức tôi có thể gây dựng những quan hệ nghề nghiệp và bạn hữu với người Việt Nam. Tôi thấy đó là những mối quan hệ rất chân thành, và tôi đánh giá cao điều này.

PV: Trở lại với đĩa CD “Tổ quốc yêu thương”, ông có thể cho vài nhận xét về những bài hát được lựa chọn thể hiện trong đĩa nhạc này ?

Nhạc trưởng Claude Brendel: Tôi đã làm việc rất nhiều với chị Ngân Hà liên quan tới việc lựa chọn các bài hát, bởi tôi không biết nhiều về các bài hát Việt Nam. Việc lựa chọn là khó khăn, bởi có rất nhiều bài, cần phải xác định những ưu tiên trong một thời hạn ấn định. Và cuối cùng chúng tôi lựa chọn một trong số những bài hát nổi tiếng nhất và được nhiều người biết nhất ở Việt Nam để được sự tán thành của nhiều người với dự án này.

Đây là những bài ca tiêu biểu, được nhiều người biết nhất ở Việt Nam, thực sự là những bài ca chung của toàn dân, ca ngợi tổ quốc, ca ngợi tình anh em, ca ngợi sự cùng nhau chia sẻ... đó là những gì chúng tôi lựa chọn trong khuôn khổ chương trình.

Tôi phải nói rằng, đây là một cách thức làm việc mới với dàn nhạc khi phối hợp với một dàn hợp xướng để thu thanh những bài hát bằng tiếng Việt bởi có những âm sắc khác lạ mà chúng tôi còn chưa quen. Và thực tế, chúng tôi đã thành công khi tạo sự cân bằng mới trong dàn nhạc để khi kết hợp với dàn đồng ca có thể tìm được tiếng nói chung.

Các bạn Việt Nam đã giúp tôi rất nhiều trong việc dịch lời ca. Điều đó rất quan trọng đối với tôi, bởi cần phải yêu cầu dàn nhạc thể hiện điều gì diễn ra ở mỗi đoạn nhạc. Mỗi ca khúc là một câu chuyện và có thể coi chúng tôi là người kể mỗi khi diễn tấu.

PV: Âm nhạc là thứ ngôn ngữ chung, xuyên quốc gia. Trong dự án này, ông đã làm một điều ý nghĩa cho nhân dân Việt Nam, vậy trong tương lai, ông có dự định thực hiện những dự án tương tự hay không?

Nhạc trưởng Claude Brendel: Bản thân tôi không thể nói mình đã làm điều gì là to tát cả. Tuy nhiên, tôi rất sung sướng được thực hiện dự án này và làm sao dự án hoàn tất. Tiếp đó, thực sự tôi hy vọng có những cơ hội khác được làm việc với các nghệ sỹ Việt Nam, được trở lại Việt Nam với tư cách nhạc trưởng điều khiển các chương trình biểu diễn, trong đó có những ca khúc này. Điều thú vị là tôi có thể điều khiển một dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cùng hợp ca của chị Ngân Hà thể hiện chương trình này.

Tôi hy vọng, đĩa CD này giúp người ở Việt Nam cũng như ở Pháp ý thức được về kho báu các ca khúc và rất nhiều nhạc sỹ Việt Nam sáng tác dòng nhạc đó. Sẽ phải có những dự án tiếp theo để mọi người biết đến nhiều hơn dòng nhạc đó.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi./.

Thái Dương/VOV-Paris

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nhac-truong-claude-brendel-nguoi-chuyen-tai-giai-dieu-viet-529845.vov