Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: 'Tôi ấn tượng với sự ham học hỏi của sinh viên Việt Nam'

Bà Marie Royce, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề giáo dục và văn hóa, trong chuyến thăm Việt Nam tuần này đã dành riêng cho Lao Động cuộc trò chuyện xoay quanh hợp tác giáo dục - văn hóa Việt - Mỹ cùng những câu chuyện về sinh viên Việt Nam ở Mỹ.

Bà Marie Royce, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề giáo dục và văn hóa, trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 19.6.

Thưa bà, hợp tác văn hóa, giáo dục có vị trí như thế nào trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ?

- Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ đã đạt được những kết quả đáng chú ý. Trong mối quan hệ đối tác toàn diện đó, hợp tác ngày càng tăng lên trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam góp phần không nhỏ. Hợp tác văn hóa, giáo dục chủ yếu nhằm mục đích nâng cao giao lưu giữa người với người.

Tôi cho rằng khi người với người hiểu nhau, nước này với nước kia hiểu nhau sẽ làm cho thế giới an toàn hơn. Mỹ có nhiều đối tác trên toàn thế giới, và chúng tôi coi mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam rất quan trọng. Về khía cạnh nào đó, tôi cho rằng Mỹ muốn thúc đẩy ngoại giao mềm với Việt Nam thông qua các chương trình văn hóa, giáo dục. Nhưng đây không phải là quan hệ một chiều, mà qua đó người dân Mỹ hiểu thêm về người Việt, và người Việt hiểu thêm về người Mỹ.

Giới chức Mỹ đánh giá thế nào về số lượng và chất lượng sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ?

- Chúng tôi rất hãnh diện vì tiếp nhận học sinh, sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đến Mỹ học tập và nghiên cứu. Việt Nam là nước đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á và thứ 5 trong số các nước có nhiều du học sinh tại Mỹ với hơn 31.000 em.

Trước đây tôi từng giảng dạy tại đại học California Southern, các sinh viên Việt Nam của tôi trong trong lớp rất năng động và đạt kết quả xuất sắc, hòa nhập nhanh với cộng đồng. Họ khuyến khích các sinh viên Mỹ gốc Việt quay trở về Việt Nam để tìm về quê hương bản xứ, nơi chôn rau cắt rốn. Khi quay trở về Mỹ, chính họ là nhịp cầu gắn kết. Bằng chính sự trải nghiệm của mình, họ kể cho các bạn Mỹ về nơi mình đã sinh ra, về quan hệ Việt - Mỹ.

Tôi không thấy có điểm yếu nào của sinh viên Việt Nam, ít nhất là trong thời gian tôi giảng dạy. Tôi đánh giá cao họ ở tinh thần ham học hỏi. Tôi ấn tượng với một bạn sinh viên muốn "giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới". Tôi nói với bạn ấy chúng ta nên tập trung vào việc học đã, nhưng bạn ấy lần nào gặp tôi cũng thích bàn về các vấn đề thế giới. Tôi thích điều đó.

Tôi đánh giá cao sự cần cù, chăm chỉ, nghiêm túc, trau dồi tiếng Anh, phát triển kỹ năng. Tôi cũng đánh giá cao khả năng tương tác của sinh viên Việt Nam. Ngoài giờ lên lớp, sinh viên Việt Nam còn tìm đến tôi để đối thoại, trò chuyện. Họ nhờ tôi tư vấn đọc sách gì, báo nào. Như tôi nói, họ rất ham học hỏi và có tinh thần cầu tiến, vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

: Trợ lý Ngoại trưởng Royce tại cuộc thảo luận về “Phụ nữ giúp nhau trong kinh doanh” diễn ra tại Trung tâm Hoa Kỳ.

Kể từ khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump siết chặt luật nhập cư, cơ hội để sinh viên Việt Nam tìm việc làm ở Mỹ sau khi tốt nghiệp như thế nào, thưa bà?

- Không có thay đổi gì ở Mỹ về chính sách nhập cư. Luật pháp cũng chưa thay đổi. Sinh viên có thể theo đuổi chương trình đào tạo thực tập tùy chọn (OPT). Đây là chương trình tạm thời cho phép sinh viên quốc tế có visa F-1 tại Mỹ có thể làm việc lên đến 12 tháng liên quan đến ngành học của mình. Chương trình này vẫn tiếp tục như cũ, nên sinh viên Việt Nam có thể yên tâm vẫn có cơ hội làm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp.

Mỹ giúp đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam ở trong nước như thế nào? Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), vừa có tân Chủ tịch Hội đồng Tín thác, bà H. Kim Bottomly, sẽ mang đến những gì cho giáo dục đại học tại Việt Nam, trong khi mô hình đào tạo của Fulbright khá khác lạ so với mô hình đào tạo đại học truyền thống ở Việt Nam?

- Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi đã có cuộc gặp đáng chú ý với người phụ trách FUV. Theo tôi hiểu, "tuyên ngôn" giáo dục của Mỹ ở Việt Nam gói gọn trong quy tắc "6C". Đó là: Tư duy phản biện (Critical thinking), hợp tác (Colaboration), sáng tạo (Creativity), cộng đồng (Community) và tin học hóa (Computing).

Tôi cho rằng đây là nền tảng của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, kích thích trí sáng tạo, tự tin của học sinh, sinh viên. Nền giáo dục Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ của mình, nhưng tôi cho rằng quy tắc "6C" giúp phát triển tư duy và sẽ giúp ích cho môi trường học tập. Từng là giáo sư giảng dạy đại học, tôi thấy rõ điều đó.

Trợ lý Ngoại trưởng Royce và 25 sinh viên Trường PTTH Dân tộc nội trú Tuyên Quang tham gia chương trình tiếng Anh Access thăm chợ Hôm.

Ngoài FUV, chúng tôi còn có các chương trình học bổng của Chính phủ Mỹ, học bổng Fulbright, Humphrey, học bổng VEF (Tổ chức giáo dục Việt Nam), Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI)... Chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, phối hợp giảng dạy cho một số trường đại học.

Giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân Việt - Mỹ chưa có nhiều hoạt động nổi bật, trong khi hoạt động này giúp làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Với tư cách là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề văn hóa, bà có kế hoạch thúc đẩy hoạt động này như thế nào?

- Chúng tôi có rất nhiều hoạt động, đó là lý do vì sao chúng tôi đến đây. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam với tư cách Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề văn hóa và giáo dục. Tôi chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du Châu Á đầu tiên, vì tôi muốn tận mắt chứng kiến sự hợp tác cụ thể giữa hai nước trong lĩnh vực này.

Tôi cũng muốn chia sẻ với bạn điều tuyệt vời tôi đã làm hôm nay. Tôi đã cùng các bạn nhỏ Việt Nam tham gia ACCESS - chương trình dạy trẻ em học tiếng Anh - đi chợ. Các bạn nhỏ 14 - 15 tuổi rất hứng thú tham gia hoạt động ngoại khóa này, được thực hành tiếng Anh cùng nhau. Ấn tượng là các bạn ấy có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp. Chúng tôi cũng đã có cuộc trò chuyện thú vị về âm nhạc.

Sinh viên trò chuyện với Trợ lý Ngoại trưởng Royce và Cố vấn cấp cao Caroline Casagrande về trái cây đặc trưng của Việt Nam.

Thực ra, một số chương trình hợp tác đã diễn ra trước cả khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ. Hiện nay, hợp tác về giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân trên đà phát triển tích cực. Lượng du khách Mỹ đến Việt Nam ngày càng tăng. Về lĩnh vực văn hóa, chúng tôi có các chương trình chiếu phim Mỹ tại Việt Nam.

Đại sứ quán Mỹ đã mời đạo diễn nổi tiếng Ted Braun đến Việt Nam tổ chức khóa học phim tài liệu dành riêng cho các nhà làm phim trẻ. Đại sứ quán cũng có nhiều chương trình thảo luận như trao đổi kỹ năng làm chủ doanh nghiệp, giảm rác thải nhựa đại dương, nâng cao chất lượng không khí, kỹ năng báo chí truyền thông. Tôi cũng là diễn giả của cuộc thảo luận về vai trò của phụ nữ trong kinh doanh tại Hà Nội. Đó là những ví dụ cụ thể về sự giao lưu, trao đổi mà chúng tôi thực hiện ở Việt Nam.

Ấn tượng của bà trong lần đầu đến Việt Nam?

- Tôi rất vui vì đã quyết định đến đất nước các bạn trong chuyến công du đầu tiên tới Châu Á trên cương vị Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề văn hóa và giáo dục. Tôi ấn tượng với sự phát triển kinh tế của các bạn. Người Việt Nam thân thiện, mến khách, họ luôn cảm ơn vì tôi đã đến. Tôi rất thích các món ăn của Việt Nam. Nhìn chung, tôi có rất nhiều điểm tích cực để nói về chuyến đi này.

Nhân đây tôi cũng muốn nhắc lại rằng, Tổng thống Donald Trump cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên mà Tổng thống Donald Trump đến thăm ngay trong năm đầu tiên cầm quyền. Với tư cách Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, tôi cũng đã chọn Việt Nam. Tôi tin rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam còn nhiều tiềm năng tốt đẹp phía trước. Tôi rất vui vì có cơ hội được đến đất nước của các bạn!

Xin trân trọng cảm ơn bà!

vân anh (thực hiện)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tro-ly-ngoai-truong-my-toi-an-tuong-voi-su-ham-hoc-hoi-cua-sinh-vien-viet-nam-614168.ldo