Nhà vườn miền Tây “ngó quanh” khi sản xuất

Hàng loạt mặt hàng nông sản thực phẩm, cây ăn trái của các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ được áp giá nhập khẩu 0% giai đoạn 2016-2018. Những hợp tác xã (HTX) sản xuất với quy mô lớn, có thị trường thì đón nhận thông tin này không mấy bất ngờ. Còn các nhà quản lý thì cho rằng nhà vườn miền Tây bây giờ cần phải ngó xung quanh khi quyết định sản xuất.

Không quá lo

Đồng Tháp là tỉnh đẩy mạnh khoa học công nghệ trong đầu tư cây ăn trái. Tỉnh này cũng đã tạo điều kiện cho các nhà vườn, HTX sản xuất với quy mô lớn và xúc tiến xuất khẩu cây trái sang các nước. Năm nay, HTX Nhãn Châu Thành xuất bán khoảng 100 tấn nhãn. Nhờ xuất khẩu mạnh nên giá nhãn thời gian gần đây luôn giữ mức ổn định, trung bình trên 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, kinh tế của nông dân trồng nhãn rất ổn định. Hiện tại, thị trường xuất khẩu nhãn chủ yếu của huyện Châu Thành là Mỹ, ngoài ra một số thị trường mới như: Canada, Nhật Bản cũng có nhu cầu khá lớn.

Ông Nguyễn Văn Ải, ấp Tân Luông B, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là một điển hình trong xử lý sầu riêng nghịch vụ.

Trong khi đó tại HTX Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh có rất nhiều thị trường xuất khẩu rộng mở với sản phẩm xoài của huyện Cao Lãnh. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, trái cây an toàn đang được trả đúng lại giá trị mà nó xứng đáng có được. Hiện nay, người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước đã quan tâm nhiều hơn đối với các loại nông sản an toàn.

TS. Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: “Liên kết sản xuất, sản xuất trái cây theo hướng an toàn là 2 vấn đề mấu chốt mà nông dân cần phải làm ngay trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh của thị trường hội nhập, nông dân cần phải làm nhiều hơn nữa. Khi sản phẩm đã đạt chuẩn về chất lượng thì cần quan tâm đến vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch để sản phẩm được giữ lâu hơn, từ đó giá trị tăng thêm cho người nông dân sẽ nhiều hơn”.

Hạ chi phí, nâng cạnh tranh

Một khảo sát của Hội Làm vườn Đồng Tháp cho ra kết quả rất đáng chú ý. Ở các vườn cây ăn trái, độ pH đất rất thấp, trung bình từ 3-5 (trong khi đó, độ pH trung tính thích hợp cho cây ăn trái là từ 6- 6,5). Độ pH trong đất ở các vườn cây ăn trái thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó thói quen canh tác sử dụng nhiều phân hóa học và nông dân thường không bón vôi, phân hữu cơ là một trong những nguyên nhân chính khiến cho đất kém màu mỡ và trở nên chua hơn. Ngoài ra, hiện nay việc nhiều diện tích vườn cây ăn trái được “che chắn” trong các đê bao chống lũ, nhiều năm liền đất không được bồi đắp phù sa cũng là nguyên nhân dẫn đến suy kiệt chất dinh dưỡng trong đất.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, nếu pH trong đất thường xuyên dưới mức trung tính về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Đất chua, bộ rễ của cây sẽ không phát triển, cây không thể hấp thu chất dinh dưỡng trong đất, từ đó năng suất giảm. Do đó, để cây trồng phát triển bền vững, ngoài việc cân bằng chất dinh dưỡng hợp lý, nông dân cần kiểm tra độ pH trong đất định kỳ để có những điều tiết sản xuất phù hợp.

Nhằm khuyến khích nông dân tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thời gian qua Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã tặng nhiều chiếc máy kiểm tra độ pH, bộ test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho một số hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là nền tảng giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Đây là câu chuyện khá thú vị giúp nhà vườn nâng cao sản phẩm hạ giá thành để có thể cạnh tranh với các mặt hàng nông sản các nước trong khu vực.

Nhà vườn miền Tây nổi tiếng với việc cho trái nghịch mùa. Điều này giúp cho sản phẩm của họ đủ sức cạnh tranh với các nước khác cho cùng một loại. Ông Nguyễn Văn Ải, ấp Tân Luông B, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là một điển hình trong xử lý sầu riêng nghịch vụ.

Với 11.000 m2 cây sầu riêng đã bắt đầu cho trái ổn định. Ông Ải trồng xen canh thêm rau màu, hoặc các loại cây ăn trái ngắn ngày như chanh hay chuối, lấy ngắn nuôi dài, vừa tiết kiệm chi phí lại có thêm thu nhập để chăm sóc vườn sầu riêng được tốt hơn. Cây sầu riêng có rất nhiều sâu bệnh tấn công, nhất là con rầy phấn, mỗi khi ra cơi đọt non phải xịt thuốc ngừa các loại sâu, rầy cộng với các loại thuốc ngừa thán thư. Đặc biệt, cây sầu riêng có bệnh xì mủ, muốn phòng được bệnh này thì không nên để vườn sầu riêng bị ứ nước, vườn phải thông thoáng. Khi cây đậu trái, bón phân có phần tăng đạm để giảm hiện tượng rụng trái non.

Theo ông Ải, trồng sầu riêng muốn mau làm giàu phải biết cách xử lý để sầu riêng ra trái nghịch vụ bằng kỹ thuật xiết nước, dùng bọc ni lon bao xung quanh gốc để giữ ẩm, xịt thuốc để cây ra hoa theo ý muốn... Đồng thời, khi cây ra hoa phải biết cách chăm sóc, tuyển những quả to, đều theo ý muốn để có được năng suất, hiệu quả cao. Sau khi thu hoạch phải bón phân để cây lấy lại sức sau một thời gian dài nuôi trái, nếu không chăm sóc giai đoạn sau thu hoạch cây dễ bị suy và năng suất vụ sau sẽ bị giảm đáng kể, đôi khi cây không cho trái.

Với cách xử lý sầu riêng nghịch vụ, mỗi năm gia đình ông Ải mang về nguồn thu hơn 500 triệu đồng.

Hoàng Huy

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/nha-vuon-mien-tay-ngo-quanh-khi-san-xuat-d49245.html