Nhà vườn chủ động ứng phó với mưa bão

Biến đổi khí hậu từ El Nino sang La Nina gây ảnh hưởng tới năng suất cây trồng, nhiều nông dân ở miền Đông Nam bộ đang tăng cường các biện pháp nuôi dưỡng, gia cố lại vườn tược để ứng phó với mưa bão.

Do ảnh hưởng của thời tiết thất thường, trong thời gian qua, nhiều diện tích bưởi da xanh, mãng cầu, chôm chôm trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu bị mất mùa nghiêm trọng. Nguyên nhân do những cơn mưa dầm kéo dài gây rụng hoa, mất nụ, sâu bệnh gây hại dẫn đến tỷ lệ đậu quả thấp.

Theo kết quả điều tra mới nhất về một số loại cây trồng ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai), hầu hết cây ăn trái đều giảm năng suất, riêng măng cụt mất tới 50 – 70% năng suất. Để đảm bảo việc thâm canh cây trồng cho thu hoạch vào dịp tết, nhiều hộ nông dân đang tích cực áp dụng các biện pháp ứng phó với thời tiết bất lợi. Đang hì hục với mớ dây thừng lùng nhùng, anh Phan Văn Bảo ở ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh cho hay: “Gần đây, những cơn áp thấp nhiệt đới kèm gió mạnh liên tục xảy ra, nếu chăm sóc không cẩn thận cây sầu riêng sẽ gãy đổ hàng loạt…”.

Chằng dây, gia cố vườn tược đối phó mưa bão.

Anh Bảo nhớ lại năm 2001, do không có sự chuẩn bị trước, năm đó có bão lớn, vườn của anh gãy đổ, tróc gốc tới 50%. Ông Lê Văn Đàn, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng cho biết: “Phải chuẩn bị ứng phó trước, chứ không thì "kịch bản" năm 2001 xảy ra lại nguy. Năm đó, vườn sầu riêng của tôi và nhiều vườn khác ở xung quanh chịu thiệt hại nặng nề, trên 30% số cây gãy đổ”.

Từ bài học xương máu này, bà con luôn nhắc nhau đến mùa mưa bão chủ động phòng ngừa sớm, neo giữ những cây con, cây mới, đồng thời kiểm tra kỹ từng đoạn dây, nút buộc của cây lâu năm. Chẳng hạn, để bảo đảm cây sầu riêng vững chắc, anh Bảo cột dây từ trên ngọn xuống tới tận gốc, chằng xung quanh vườn như mạng nhện. Ngoài ra, nhờ áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, độ ẩm trong đất luôn được đảm bảo, mầm bệnh cũng khó có khả năng phát sinh gây hại…

Đối với các loại cây trồng khác như chôm chôm, măng cụt, sau giai đoạn thu hoạch, nhiều nông dân đang tiến hành dưỡng cây, chuẩn bị cho mùa vụ năm sau. Ngoài việc tỉa cành, tạo tán nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng của mưa lớn, nhiều nông dân còn tăng cường thêm một số biện pháp như đào mương thoát nước xung quanh vườn, trải bạt vào từng gốc cây để nước mưa thoát ra ngoài...

Bà Nguyễn Thị Kim Mai, Chủ nhiệm Tổ hợp tác sản xuất trái cây Lộc Mai ở ấp 1, xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai cho biết: “Đối với các loại trái cây xử lý cho trái vào trái vụ gặp mưa nhiều là rất nguy. Tôi và các thành viên tổ hợp tác tăng cường các biện pháp dưỡng cây, xử lý thuốc BVTV phòng ngừa sâu bệnh.

Ngoài ra, để bảo đảm độ ẩm cần thiết cho cây, mọi thành viên cũng thường xuyên dọn dẹp, phát quang đất trồng để ánh nắng xuyên qua giúp giảm thiểu sâu bệnh”. Theo ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đồng Nai, để chủ động phòng tránh, đối phó với những yếu tố bất lợi của thời tiết, bà con cần thăm vườn thường xuyên để nắm bắt tình hình dịch hại và có biện pháp phòng trừ.

Đặc biệt chú ý tỉa cành, tạo tán; thoát nước tốt, tránh để đọng nước trong vườn. Đầu mùa mưa phá bồn, đào mương thoát nước cho cây trồng, nhất là những vườn trũng hoặc vườn hay bị ngập cục bộ. Ngoài ra, thời tiết ẩm ướt sẽ tạo điều kiện phát sinh nhiều loại sâu bệnh gây hại trên cây trồng, Chi cục BVTV cũng khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp vệ sinh vườn thường xuyên để tiêu hủy nguồn bệnh, bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, áp dụng biện pháp bao trái. Nếu bệnh phát triển với mật số cao thì dùng thuốc đặc trị có đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ, lưu ý luôn tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, tình hình thời tiết đang chuyển biến rõ rệt từ El Nino sang La Nina. Các đợt không khí lạnh sẽ tràn vào kèm theo mưa lớn, dồn dập, tập trung vào một thời điểm. Dự báo năm 2016, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông vào khoảng 10 - 12 cơn, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta khoảng 5 - 6 cơn. Nông dân cần chủ động đề phòng bão cường độ mạnh, hướng di chuyển phức tạp và có thể ảnh hưởng đến vườn tược như hiện tượng lốc xoáy, gió lớn làm bật gốc và đổ ngã cây trồng.

Theo Ngô Trường (Nông nghiệp Việt Nam)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/nha-vuon-chu-dong-ung-pho-voi-mua-bao-695825.html