'Nhà vô địch Olympic thu nhập thấp nhất thế giới'

Bao giờ tuyển thủ quốc gia thu nhập đủ sống? Câu hỏi đặt ra nhân ngày Thể thao Việt Nam 27.3. Một ví dụ buồn: Nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh khi lên tuyển coi như chỉ thực hiện nghĩa vụ quốc gia vì không có thêm khoản thu nhập nào ngoài lương đại tá quân đội. Mức thu nhập của một VĐV với lao động đặc thù như “ngôi sao” Xuân Vinh, hiện tại cao nhất cũng mới chỉ 3,6 triệu đồng/tháng, ngang với một lao động phổ thông. Vậy mà Xuân Vinh chưa bao giờ kêu ca hay đòi hỏi.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Ảnh: Getty

“Nhà vô địch Olympic thu nhập thấp nhất thế giới”

Đó là ví von của HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung về người học trò cưng đã làm nên kỳ tích lịch sử cho TTVN khi được hỏi về mức thu nhập hằng tháng của nhà vô địch Olympic. Nhiều người có thể rất kinh ngạc nếu biết rằng Xuân Vinh chỉ có mức lương mười mấy triệu đồng/tháng. Toàn bộ thu nhập của xạ thủ 43 tuổi có được đều nhờ mức lương đại tá quân đội, và gần như không nhận được một đồng nào từ ĐTQG. Có chuyện vô lý này bởi theo quy định, một VĐV khi lên tuyển chỉ được nhận một nguồn duy nhất (ĐTQG hay đơn vị chủ quản, lấy mức cao nhất).

Càng đáng nói hơn vì mức tiền công trên ĐTQG của Xuân Vinh là 150.000 đồng/ngày lúc trước hay kể cả 400.000 đồng cho diện “đầu tư trọng điểm” bây giờ cũng còn kém xa mức lương đại tá. Tức là trên thực tế, Xuân Vinh mỗi khi lên Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Hà Nội tập luyện thì gần như chỉ “thực hiện vinh dự và nghĩa vụ cho ĐTQG”. Anh chỉ có thêm thu nhập nếu có thành tích quốc tế để nhận thưởng.

Dù Xuân Vinh chưa bao giờ kêu ca hay đòi hỏi, song chuyện nhà vô địch Olympic chỉ có thu nhập mười mấy triệu đồng/tháng là một bất công, thiệt thòi lớn cho cá nhân anh. Quan trọng hơn, nó phơi bày một thực trạng bất hợp lý, bất công đối với các đối tượng lao động đặc thù là tài năng, khoác áo ĐTQG có nhiều chiến công vinh danh thể thao nước nhà mà Xuân Vinh là một điển hình.

Tuyển thủ quốc gia cao nhất có… 3,6 triệu đồng/tháng

Hiện tại, mỗi năm ngành thể thao triệu tập khoảng 1.000 tuyển thủ của 40 môn thể thao khác nhau. Để đạt được tầm mức ấy ít nhất cũng thuộc diện VĐQG hay tranh chấp huy chương SEA Games, họ đã phải có tố chất, nỗ lực đặc biệt và quá trình phấn đấu không ngừng trong nhiều năm. Thế nhưng thật khó tin, khi trở thành tuyển thủ quốc gia, thu nhập của những gương mặt xuất sắc ấy lại chỉ biết trông vào khoản tiền công tập luyện tính theo ngày với mức chỉ 150.000 đồng/người/ngày. Có nghĩa là nếu tập đủ 26 ngày, một tuyển thủ cũng chỉ nhận tối đa 3,6 triệu đồng mỗi tháng. Do hầu hết tuyển thủ đều không thể tập đủ 26 ngày nên khoản thu nhập phổ thông thường xê dịch từ 3 - 3,2 triệu đồng. Nếu như may mắn lọt vào danh sách “VĐV được đầu tư trọng điểm” (khoảng 40-50 người), mức tiền công 400.000 đồng/ngày, những nhà Á quân ASIAD điền kinh Quách Thị Lan, kiếm thủ giành HCĐ Châu Á Vũ Thành An vẫn chỉ đạt mức thu nhập tối đa 11 triệu đồng/tháng.

So với mặt bằng chung xã hội, mức thu nhập mỗi tháng từ tiền công tập luyện ngày nào hưởng ngày ấy của các tuyển thủ quốc gia hiện tại chỉ ngang thu nhập của… người giúp việc. Với mức lương bèo bọt ấy, những người đã làm nên “bộ mặt của TTVN” chỉ đủ chi dùng cho các nhu cầu hằng ngày của bản thân và nghề nghiệp, hoàn toàn không có tích lũy hay có thể hỗ trợ gia đình. Như nhìn nhận của chính các “khổ chủ”, mức tiền công 3 triệu đồng bây giờ thậm chí còn có giá trị kém hẳn mức 2 triệu đồng của cách đây 10 năm. Nghịch cảnh mà hàng nghìn tuyển thủ quốc gia đang phải gánh chịu xuất phát từ sự bất cập trong quy định về tiền ăn, tiền công được áp dụng từ cách đây 4 năm.

Các tuyển thủ quốc gia được tính tiền công theo ngày, nghỉ ngày nào bị trừ luôn. Rất nghịch lý vì riêng 4 ngày chủ nhật, dù có tập luyện hay thi đấu, họ cũng không được tính vì phải áp dụng theo quy định chung của Nhà nước.

“Mơ được như 10 năm trước”

Cách đây cả 10 năm, thu nhập của các tuyển thủ quốc gia dù chưa so được với xã hội song lại vượt hẳn lên mặt bằng chung dân thể thao nhờ sự ưu tiên đặc thù. Cụ thể, khi lên làm nhiệm vụ quốc gia, ngoài tiền công, tiền ăn trên tuyển, họ còn được giữ mọi chế độ đang được hưởng tại địa phương. Coi như các VĐV lên ĐTQG có 2 mức lương và nó giúp họ nhiều về tài chính, khi các nhu cầu sinh hoạt, tiêu pha của bản thân đã được Nhà nước lo.

Tùy theo quy định từng nơi song thời điểm ấy, tuyển thủ nào cũng bỏ riêng ra được vài triệu đồng mỗi tháng làm khoản tích lũy hay lo cho gia đình. Chính điều đó đã tạo ra một động lực thiết thực khiến cho các VĐV cũng quyết tâm nỗ lực cao độ để được gia nhập ĐTQG và hoàn toàn yên tâm cống hiến. Dù vậy, tất cả đã thay đổi vào năm 2007, gắn với sự điều chỉnh của Bộ Tài chính. Trong thời gian lên tập huấn thi đấu ĐTQG, các tuyển thủ quốc gia chỉ còn hưởng tiền công, tiền ăn trên tuyển, còn các chế độ tại địa phương bị cắt. Thu nhập của mỗi tuyển thủ vì thế đều bị giảm tới một nửa.

Phải chờ đến 4 năm sau, cú sốc mang tên Trương Thanh Hằng - nhà vô địch Châu Á - quyết rời TPHCM về đầu quân cho Ninh Bình vì lý do thu nhập quá thấp, thu nhập của các VĐV khoác áo ĐTQG mới được bù đắp khi Nhà nước nâng mức tiền công tập luyện cho các tuyển thủ quốc gia từ 70.000 lên 150.000 đồng/ngày vào năm 2012. Thậm chí, mức tiền công của các VĐV cũng ngày càng “trượt” dài, không so nổi khi trước do điều kiện vật giá leo thang.

Do không thể có cơ chế cho VĐV vẫn được hưởng cả hai nguồn thu nhập do trái quy định tài chính nên dù biết là bất cập nhưng đến giờ cả ngành thể thao vẫn bó tay. Trong khi đó, mong mỏi của giới chuyên môn về cần tiến tới một chế độ phụ cấp ưu đãi dành cho các tuyển thủ quốc gia, ngoài những khoản tiền công, thưởng vẫn chỉ là một giấc mơ vời xa. Thậm chí, họ mơ trở lại mức thu nhập như 10 năm trước, hay nâng mức tiền công, tiền ăn lên cao hơn.

Sau nhiều năm vẫn chưa ai có thể trả lời được câu hỏi, bao giờ các tuyển thủ quốc gia được nhận mức tiền công tập luyện trong màu áo ĐTQG chỉ 300.000 đồng/ngày để có một mức thu nhập đủ sống, dù cũng mới chỉ trên dưới 7 triệu đồng/tháng.

Các mức tiền công các tuyển thủ quốc gia đang áp dụng được thực hiện theo Thông tư Liên ngành về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao, có hiệu lực từ tháng 7.2012, với mức 150.000 đồng/người/ngày, tối đa 26 ngày/tháng. Trong đó, các bộ/ngành liên quan đã không còn đưa vào điều khoản sẽ xem xét điều chỉnh khi điều kiện vật giá thay đổi từ 20% trở lên như các Thông tư liên ngành trước đó. Chẳng thế mà qua 5 năm, khi mà vật giá đã tăng hơn con số tới vài lần, các cơ quan hữu trách mới bắt đầu tính đến chuyện sửa đổi.

DŨNG TÂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/nha-vo-dich-olympic-thu-nhap-thap-nhat-the-gioi-650301.bld