Nhà vệ sinh tiền tỷ trên tàu bốc mùi, Cục Đường sắt yêu cầu chấn chỉnh

Liên quan đến nhà vệ sinh tiền tỷ trên tàu hỏa bị bốc mùi sau gần 2 năm sử dụng, Cục Đường sắt vừa yêu cầu chấn chỉnh.

Dư luận mấy ngày qua nóng lên với câu chuyện về dự án thiết bị vệ sinh trên 821 toa xe tàu Thống Nhất trong đó có nguồn tin cho rằng giá trung bình của mỗi bộ thiết bị vệ sinh lên tới 230 triệu đồng/bộ trong khi chất lượng không đảm bảo, thẩm mỹ kém và có mùi hôi thối.

Bộ thiết bị vệ sinh sử dụng công nghệ Nhật với giá trung bình 110 triệu đồng/bộ nhưng chất lượng không đảm bảo, thẩm mỹ kém và có mùi hôi thối.

Trị giá đầu tư cực lớn với trung bình hàng trăm triệu đồng/bộ, thiết bị vệ sinh tự hoại sử dụng công nghệ Nhật bị chê bốc mùi hôi thối và chất lượng không tương xứng với giá trị đầu tư, trong khi đó ngành đường sắt lý giải nhà vệ sinh hôi vì khách hàng dùng sai, làm hư hỏng thiết bị.

Trước thông tin này, Tổng công ty Đường sắt cho biết trong 821 bộ thiết bị vệ sinh trên tàu Thống Nhất chỉ có 199 bộ thiết bị vệ sinh sử dụng công nghệ Nhật với giá trung bình 110 triệu đồng/bộ. Ngành đường sắt thừa nhận, nhiều buồng vệ sinh sử dụng công nghệ Nhật bốc mùi hôi nhưng nguyên nhân chính là do hành khách không quen dùng, làm hư hỏng thiết bị.

Liên quan đến thiết bị vệ sinh của Công ty Choda (Nhật Bản) cung cấp trên tàu hỏa bị bốc mùi sau gần 2 năm sử dụng, Cục Đường sắt vừa yêu cầu chấn chỉnh. Cục Đường sắt cho biết, qua kiểm tra thực tế trên tàu cũng như phản ảnh của nhân viên phục vụ trên tàu và hành khách đi tàu thì 1 trong 3 chủng loại thiết bị vệ sinh tự hoại đang được lắp đặt, sử dụng trên tàu là thiết bị của hãng Chodai (Nhật Bản) đang bộc lộ nhiều nhược điểm như: giá thể và bộ trộn của hệ thống để lộ thiên gây phản cảm đối với hành khách.

Thiết bị vệ sinh ngoại của hãng Chodai (Nhật Bản) có giá 110 triệu đồng/bộ nhưng vừa lắp đã phải thay mới bằng hàng nội.

Trong khi đó, theo yêu cầu công nghệ giá thể phải được giữ khô trong quá trình sử dụng nên không phù hợp với thói quen và điều kiện thực tế ở Việt Nam; lượng nước dư thừa làm cho giá thể nhanh bị hư hỏng, giảm hiệu quả xử lý, kèm theo nhiệt lượng cao để duy trì hoạt động của giá thể làm bốc mùi hôi ngược trở lại phòng vệ sinh và toa xe khi sử dụng; kích thước thiết bị lớn trong khi diện tích buồng vệ sinh trên toa xe quá chật hẹp nên rất khó sử dụng...

Để đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường trên tàu, đặc biệt là trong giai đoạn chạy tàu cao điểm, ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam, đề nghị Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, thống kê, tổ chức khắc phục ngay các tồn tại của thiết bị vệ sinh tự hoại, đặc biệt là thiết bị của hãng Chodai (Nhật Bản) cung cấp.

Dự án “Lắp đặt thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách” được VNR quyết định đầu tư tháng 1-2014 với mục tiêu cải tạo, lắp đặt thiết bị thu gom chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách, nhằm chấm dứt xả thải ra môi trường.

Dự án này triển khai lắp đặt thiết bị cho 821 toa xe khách, với thời gian thực hiện đến hết tháng 10-2015. Trong đó, nhà thầu Chodai Lt.Co đã cung cấp 199 bộ thiết bị bio - toilet B50 với đơn giá khoảng 110 triệu đồng/bộ, tổng giá trị khoảng 22,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, dù mới đưa vào sử dụng chưa được 2 năm nhưng thiết bị vệ sinh ngoại này đã bộc lộ những bất câp, bốc mùi hôi thối khiến đơn vị thụ hưởng là Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã phải xin tháo dỡ để lắp đặt thiết bị vệ sinh nội./.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nha-ve-sinh-tien-ty-tren-tau-boc-mui-cuc-duong-sat-yeu-cau-chan-chinh-607296.vov