Nhà vệ sinh công cộng - 'ngáo ộp' của phụ nữ và trẻ em gái

87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục cho biết, hành vi quấy rối thường diễn ra ở nhà vệ sinh công cộng, đường phố, công viên, xe buýt... Đó là con số được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu báo cáo về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng được tổ chức ActionAid Việt Nam phối hợp với Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 2.12.

Nhiều trường hợp quấy rối xảy ra ở nhà vệ sinh công cộng (Ảnh minh họa).

Theo bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện ActionAid Việt Nam thông tin, khảo sát mới nhất (tháng 6.2016) của tổ chức tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM với hơn 2.000 mẫu cho thấy: Có tới 63,4% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy lo lắng về những nguy hiểm có thể xảy ra tại các địa điểm công cộng; hơn 82% người được hỏi lo sợ nạn cướp bóc, móc túi; 48% cảm thấy những nguy cơ bị quấy rối tình dục đặc biệt ở những nới như trên xe buýt, trong nhà vệ sinh công cộng.

“Gần một nửa phụ nữ và trẻ em gái được hỏi cho biết rất nhiều lần họ có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh công cộng nhưng đều phải “nhịn” vì cảm thấy không an toàn, không sạch sẽ. Điều đáng nói là, có rất nhiều phụ nữ bị quấy rối thường xuyên tại nhưng nơi này nhưng lại không biết đó là bị quấy rối tình dục ví dụ như: bị huýt sáo trêu ghẹo, bị liếc mắt đưa tình, bị nhìn chằm chằm vào một bộ phận nào đó trên cơ thể hay bị nghe kể chuyện có liên quan đến tình dục...” - bà Thảo nói.

Cũng theo bà Thảo, sau khi được cán bộ nghiên cứu cho biết đó là những hình thức quấy rối tình dục thì có tới 51,3% phụ nữ được hỏi cho biết họ từng bị quấy rối ít nhất 1 trong các hình thức này. 28,5% phụ nữ cho biết họ nhiều lần bị huýt sáo trêu ghẹo và 4 người trong số đó từng bị cưỡng hiếp.

Phụ nữ và trẻ em cần được trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình trước tình huống bị quấy rối (Ảnh minh họa).

Điều đáng nói là đa số phụ nữ và trẻ em gái đều không làm gì cả khi bị quấy rối ở nơi công cộng vì sợ xấu hổ. Ngoài ra, họ cũng cho biết gặp nhiều khó khăn khi lên tiếng nhờ sự giúp đỡ từ người khác hoặc các cơ quan chức năng khi gặp phải tình huống tương tự ở nơi công cộng.

Để hạn chế tình trạng này, TS Nguyễn Hữu Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, ngoài những khuyến nghị về việc tăng cường, cải thiện các dịch vụ xe buýt, nhà vệ sinh công cộng, các trường học và tổ chức cộng đồng cần trang bị kiến thức về kỹ năng sống cho phụ nữ và trẻ em gái biết tự bảo vệ bản thân; xử lý mạnh tay với các trường hợp bạo lực trên cơ sở giới đặc biệt là quấy rối tình dục.

Tùng Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nha-ve-sinh-cong-cong-ngao-op-cua-phu-nu-va-tre-em-gai-727510.html