Nhà văn trẻ, anh là ai?

Ngày nay, nhiều loại hình nghệ thuật phát triển rực rỡ, song văn chương không vì thế mà mất đi vị thế. Lớp nhà văn trẻ đã hình thành, phát triển đa dạng, phản ánh tâm thức thế hệ.

Thế hệ 8X, 9X là những người không phải trải qua bom đạn chiến tranh. Họ may mắn khi được hưởng những giá trị của đất nước đang trên đà phát triển.

Khác với thế hệ cha anh coi ngòi bút là vũ khí đánh giặc, nhà văn thế hệ 8X, 9X cầm bút với một tâm thế khác, nhận thức khác. Trang viết của họ cho thấy những cảm thức về thời đại, mỹ cảm đương thời, xuất hiện những quan điểm mới về giá trị, chức năng của văn chương trong thời đại ngày nay.

Sẽ là khó để có thể liệt kê toàn bộ những gương mặt đang góp phần làm nên diện mạo văn trẻ đương đại. Nhưng có những cây bút với đam mê, nỗ lực, tài năng thể hiện qua tác phẩm đã tạo nên tên tuổi trong giới văn chương.

Hai dòng chảy chính

Những người cầm bút thuộc thế hệ 8X, 9X tạo nên sự đa dạng, phong phú cho văn chương với nhiều xu hướng, phong cách, thể loại. Người viết trẻ tìm tòi đào sâu vào yếu tố nghệ thuật văn chương, mang lại những hình thức biểu đạt mới được coi là hiếm, nhưng không phải không có.

Đinh Phương (trái) và Nhật Phi là hai gương mặt được đánh giá cao trong số những cây bút 8X, 9X.

Ở địa hạt đó có Nhật Phi với Người ngủ thuê (giải thưởng Văn học Tuổi 20), Nhật ký một kẻ cô đơn, hay Đinh Phương với tiểu thuyết Nhụy khúc, tập truyện ngắn Đợi đến lượt, Trọng Khang với Mộ phần tuổi trẻ, Đào Quốc Minh với Mở mắt rồi mơ, Nguyễn Đăng Khoa với các tập thơ Con đường tự trôi, Một lục bát tôi,

Tuy kén độc giả, nhưng tác phẩm của các cây bút trẻ này luôn được các nhà phê bình đánh giá cao. Họ được coi là những hạt giống cho những "mùa vàng chất lượng" của văn học Việt.

Ở một lĩnh vực khác là văn học đại chúng, các cây bút 8X, 9X tạo nên những nhận thức mới, ghi dấu đậm hơn chức năng giải trí của văn chương. Cũng chính ở địa hạt này, các cây bút gây tranh cãi về giá trị của văn chương trong thời đại mới.

Tác phẩm của nhà văn trẻ với dòng văn chương đại chúng là minh chứng cho chức năng giải trí của văn chương, bên cạnh những chức năng truyền thống như cung cấp kiến thức, giáo dục, thẩm mỹ.

Dòng văn học hướng tới số đông thường được coi là văn học thị trường, nơi những cây viết hướng tới thị hiếu người đọc. Một trong những tác giả nổi tiếng là Minh Nhật với Những đêm không ngủ, Nơi những cơn gió dừng chân hay Âm thanh của im lặng. Anh Khang với nhiều tập tản văn được yêu thích: Ngày trôi về phía cũ, Đường hai ngả người thương thành lạ, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em… Anh Khang trở thành nhà văn ăn khách với hơn 200.000 bản bán ra thị trường cho bốn đầu sách.

Gào cũng là một nhà tác giả ăn khách, trang mạng xã hội của cô có hơn 2,5 triệu người theo dõi. Các đầu sách của Gào như Cho em gần anh thêm chút nữa, Nhật ký son môi, Anh sẽ yêu em mãi chứ… đều được đón nhận rộng rãi.

Bên cạnh đó, còn nhiều cây bút trẻ thuộc dòng văn học này như Hân Như (bộ tiểu thuyết Điều bí mật), Meggie Phạm (series tiểu thuyết Chàng và em, Người xa lạ và em, Tôi và em, Hoàng tử và em)…

Từ trái qua: Minh Nhật, Gào, Anh Khang - ba cây bút có lượng sách phát hành lớn.

Một nền văn học muốn phát triển không thể thiếu đội ngũ những người phê bình. Cùng với những người cầm bút, một lớp phê bình thế hệ 8X đã hình thành, chững chạc. Họ không chỉ thông hiểu về văn học của cha anh mà nắm rõ văn chương của người trẻ đương thời, đưa ra những nhận xét, đánh giá thấu đạo. Trong đội ngũ đó có thể kể tới những cây bút phê bình uy tín như Mai Anh Tuấn, Cao Việt Dũng, Đoàn Ánh Dương, Phan Tuấn Anh…

Tận dụng tối đa lợi thế và đối mặt nhiều thách thức

Trong thời đại ngày nay, các cây bút trẻ có nhiều điều kiện để phát huy năng lực. Internet là công cụ hữu ích để nhà văn tiếp cận công chúng. Các cây bút 8X, 9X đã tận dụng lợi thế này để có được thành công.

Trước đây tác phẩm viết xong cần phải qua nhiều quy trình in ấn, xuất bản mới đến được tay công chúng. Ngày nay, mỗi người viết có thể tự xuất bản trên môi trường mạng. Có những tác giả thành công bằng việc sáng tác rồi mỗi ngày đăng một trích đoạn tác phẩm lên mạng xã hội. Tác phẩm của họ được yêu thích, rồi được các nhà xuất bản mua bản quyền, in ra sách giấy.

Tác phẩm của các cây bút trẻ in đậm chức năng giải trí của văn học.

Công nghệ truyền thông phát triển cũng giúp cây bút trẻ có nhiều kênh quảng bá tác phẩm của mình hữu hiệu hơn. Thông qua mạng xã hội, người viết tạo dựng thương hiệu, thiết lập cộng đồng fan, một số người trở thành nhà văn thần tượng.

Tuy vậy, nhà văn thế hệ 8X, 9X cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Ngày nay, các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật đa phương tiện… phát triển rực rỡ. Điều đó đòi hỏi những người làm chữ nghĩa phải nỗ lực đổi mới, cách tân, sáng tạo.

Văn hóa đại chúng, văn minh công nghiệp khiến nhiều hệ giá trị đảo lộn, thay đổi, khiến nhiều người viết trẻ loay hoay đi tìm xác lập hệ giá trị. Thế giới phẳng san lấp mọi bức tường khoảng cách khiến công chúng dễ dàng tiếp cận những tác phẩm văn chương thế giới, nhà văn Việt phải nỗ lực lớn có thể tìm lại công chúng cho mình.

Nghề văn luôn là sự song hành của cực nhọc và vinh quang. Tuy nhiều khó khăn thách thức, nhưng những người trẻ chọn văn chương làm con đường cho mình còn cả một hành trình để trưởng thành, để trở nên tên tuổi, mang lại những tác phẩm có ý nghĩa cho xã hội.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nha-van-tre-anh-la-ai-post696403.html