Nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong: “làm báo cần đạo đức”

KTĐT - Tôi luôn phân vân vì không biết dành chức danh gì để gọi ông giữa nhiều danh xưng mà người đời gọi danh ông như Đại tá, nhà báo, nhà văn, nhà biên kịch... Và dẫu có là gì đi nữa thì cái tên Nguyễn Như Phong cũng đã làm cho nhiều người kính nể. Nhưng tôi xin phép ông chỉ dùng danh từ mà nhiều người hay gọi nhất: "Nhà báo" để nói về ông - một người đã quyết tâm theo đuổi việc gì cũng hết lòng hết dạ cho nó.

- Thưa nhà văn Nguyễn Như Phong. Với kinh nghiệm gần 30 năm làm báo, cảm nhận của ông về nghề báo, người làm báo như thế nào? Nhà báo Nguyễn Như Phong: Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, muốn làm tốt thì điều đầu tiên là phải đam mê nghề nghiệp và có năng khiếu. Nếu có đam mê mà không có năng khiếu thì viết cũng không bao giờ hay. Làm báo rất vất vả, có năng khiếu mà không có đam mê thì cũng chỉ rong chơi thôi. Nghề báo đòi hỏi người làm báo phải có tính chuyên nghiệp, tính tự giác, kỹ năng nghề nghiệp điêu luyện, thuần thục. Báo chí không như nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ hứng lên là viết được. Báo chí có tính tự giác rất cao, đến ngày đến giờ phải có bài, đi công tác là phải viết. Viết như thế nào, viết ra sao, tất cả đều ngấm vào máu. - Người ta bảo, muốn làm giàu thì đừng làm nhà báo. Ông nghĩ gì về điều này? Nhà báo NNP: Câu này về mặt lý thuyết là đúng. Bởi vì nhà báo cũng như làm thợ cày, nhà báo dùng ngòi bút để kiếm tiền. Thời nay, làm báo cũng là nghề kiếm ra tiền đấy, nếu như làm việc trong một tờ báo có số lượng phát hành lớn, có đời sống cao, thì lương bổng rất khá, cả lương và nhuận bút. Nhưng nếu để làm giàu thì cực khó. Các nhà báo muốn làm giàu thì phải làm giàu bằng nhiều cách. Có mối quan hệ, rồi thì bạn bè, đồng nghiệp hoặc người này, người kia giúp, hoặc làm kinh tế ở những lĩnh vực khác. Cũng có những nhà báo từng giàu, bằng cách đi viết "đâm thuê, chém mướn", bẻ cong ngòi bút và tống tiền các doanh nghiệp. Đây là những chuyện có thực trong xã hội và đã có nhiều nhà báo bị xử lý, bị đi tù. Còn nếu như làm phóng viên chỉ sống bằng đồng lương, đồng nhuận bút của mình mà giàu có được thì hơi khó. Đầy đủ thì dễ, nhưng giàu có thì khó. - Còn viết văn thì thế nào, thưa ông? Viết văn cũng thế. Có thể nói rằng, các nhà văn hiện nay đang bị bóc lột một cách thê thảm. Mà người bóc lột các nhà văn chính là các nhà xuất bản. In một cuốn tiểu thuyết, họ nói chỉ là 1.000 bản và họ trả cho nhà văn một khoản nhuận bút khoảng vài triệu, dăm bảy triệu, chục triệu, cộng thêm mấy quyển sách để biếu. Thế nhưng không ai biết rằng, NXB đó in bao nhiêu, hàng vạn, hay là hàng chục vạn thì không ai biết được. Những nhà sáng tác chân chính, đúng nghĩa là đang bị bóc lột. - Gần đây, rất nhiều người lên tiếng "Xin đừng làm bẩn tiếng Việt", lên án "ngôn ngữ chat", "ngôn ngữ nhắn tin"... Nhưng, lại rất nhiều tờ báo, nhất là các tờ báo dành cho giới trẻ cũng đang theo xu hướng "biến thể" ngôn ngữ tiếng Việt sang "kiểu mới". Ông có ý kiến gì về vấn đề này? - Có thể bạn đọc cho tôi là người cũ, tư duy cũ và cổ hủ nhưng tôi không bao giờ thay đổi quan điểm. Tôi phản đối quyết liệt những thứ gọi là thư pháp tiếng Việt. Cái thứ hai, nếu như lạm dụng loại "ngôn ngữ nhắn tin", "ngôn ngữ chát" mà đưa vào báo chí thì không chấp nhận được. Bởi vì báo chí có chức năng rất quan trọng là khai sáng và giải trí. Người ta đưa chức năng khai sáng lên trước, tức là khai sáng rồi mới giải trí. Thế nhưng bây giờ đang "lộn sòng", họ đưa tính chất giải trí lên mà không cần tính chất tuyên truyền, đây là cái đang bị lạm dụng rất nhiều. - Là một người làm báo lâu năm, ông có nhận xét gì về các nhà báo trẻ ngày nay? - Các phóng viên bây giờ được đào tạo tốt hơn rất nhiều so với thế hệ chúng tôi. Được trang bị những kiến thức cao nhất của báo chí, được học hành, tiếp xúc với các phương tiện truyền thông, các luồng thông tin khắp mọi nơi trên thế giới. Họ được trang bị phương tiện vật chất tốt hơn, máy ảnh, máy ghi âm, máy tính, mạng internet... Nhưng không cẩn thận, đã làm cho nhiều nhà báo trẻ bây giờ có một lối viết thiếu suy nghĩ, thiếu tìm tòi. Thay vào đó là nhiều phóng viên viết lấy được, viết thật nhanh, viết theo kiểu như "người đi xin lửa". Đến ào ào lấy một tập hồ sơ, tập báo cáo, xong là lên xe đi ngay, họ không cần tiếp cận thực tế, chính vì vậy mà họ thường viết thông tin một chiều. Cùng với đó, rất đáng buồn là một bộ phận các nhà báo trẻ hiện nay rất coi thường về đạo đức nghề nghiệp. Vừa ra trường, mới làm báo được vài ba năm, viết được vài ba bài có chất lượng, thế là bắt đầu cao giọng phán xét, dạy dỗ người khác. Thái độ, tư thế, tác phong đi làm việc ở nơi này, nơi kia thì khệnh khạng, ăn nói thì hỗn xược. - Gần 30 năm trong nghiệp làm báo, kỷ niệm sâu sắc và bài học lớn nhất của ông là gì? - Làm báo cho đến cùng mà tôi vẫn dẫn chứng một cái rất thô thiển với mọi người, là nhà báo như con… khuyển. Tức là phải biết ngửi, đánh hơi, phải thính nhưng cũng phải biết sủa, biết cảnh giác. Chứ làm báo mà không có sự thính, nhạy, không biết nghe bằng hai tai mà cái gì cũng nghĩ một chiều là chết. Nhất là trong thời buổi hiện nay, thông tin phức tạp, chồng chéo, cái thật giả lẫn lộn, chưa được minh bạch, thế nên mình mà viết theo cảm nhận một chiều là rất nguy hiểm. - Sắp tới đây ông có dự định gì về nghề viết của mình không? - Dự định thì nhiều, nhưng mà nhiều khi "lực bất tòng tâm". - Nghĩa là thế nào, thưa ông? - Nghĩa là muốn viết như thế nhưng mà, thứ nhất là không có thời gian để ngồi viết, thứ hai là tại mình không viết nổi. Nghĩ thì hay đấy, nhưng đặt bút viết lại khác hẳn. Hơn nữa, cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết mình phải hoàn thành nhiệm vụ cơ bản, sau đó có viết gì thì viết. - Xin cảm ông về buổi trò chuyện này! Phùng Bình -Tiểu Linh

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=22&newsid=239065