Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên với tinh hoa một thời Đà Lạt

Sau 10 ngày phát hành, cuốn Du khảo Văn hóa Đà Lạt “Đà Lạt một thời hương xa” (NXB Trẻ) dày 398 trang do nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên khảo cứu và viết đã được tái bản. Điều gì tạo nên sức hút mạnh mẽ từ cuốn sách?

Đó là câu chuyện về một thành phố đầy phong vị văn hóa, hương sắc của sương mờ phố núi, thiên đường sắc hoa, về những nghệ sĩ tài danh đã từng lưu lại: Nhà văn Nhất Linh, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Trịnh Cung, họa sĩ Đinh Cường, ca sĩ Khánh Ly, nhà văn Linda Lê, cặp đôi Lê Uyên – Phương… được khôi phục, dựng tưởng bởi giọng văn giản dị mà quyến rũ của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Để viết cuốn sách này, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên trải qua không ít khó khăn. Có buổi tranh thủ gặp anh tại quận 1, trong quán cà phê gần tòa soạn anh đang làm việc, Nguyễn Vĩnh Nguyên dành toàn bộ thời gian, khoảng hai tiếng, để nói về quá trình khảo cứu không gian văn hóa Đà Lạt xưa xa này. Để có được dữ liệu, anh phải đi tìm địa điểm theo những chỉ dẫn ký ức từ một số trang viết, trong đó có họa sĩ Trịnh Cung. Tại thư viện, giáo đường, tư gia của một số nhân vật (có tên trong cuốn sách) - nơi còn lưu giữ chút vết tích xưa qua từng trang giấy, tấm hình, mà để có thể sao chép lại, Nguyễn Vĩnh Nguyên cần rất nhẫn nại, khéo léo, kiên trì để có được sự tin tưởng.

Những khi tranh thủ chút thời gian giữa bộn bề của sống, Nguyễn Vĩnh Nguyên đi đi về về từ Thành phố đến Đà Lạt với tình yêu và lòng kiên trì bền bỉ. Trong sự khảo cứu rất lặng lẽ, với mong muốn được giữ kín để tránh những ồn ào trở ngại, không gian Đà Lạt từ năm 1954 đến 1975 mà anh chia sẻ với tôi trong buổi sáng đó đã tái hiện hoàn chỉnh trên mỗi trang viết của “Đà Lạt một thời hương xa”.

Nguyễn Vĩnh Nguyên đã sống tại Đà Lạt từ năm 1997 đến năm 2001, sau đó, anh chuyển về Sài Gòn định cư. Trong không ít truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên, hình ảnh về Đà Lạt, gác trọ tối, đêm mưa, ngọn cây cô đơn trong sương mù văng vẳng khúc du tình của Lê Uyên – Phương cứ u mờ ám ảnh. Thế nên, khi anh viết những trang tản văn “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách” cùng những dòng văn xuôi đầy chất thơ chứa đủ những rêu xanh lá mục cùng nỗi hoang hoải về quá khứ một thời đã mất, đã tạo nên sức hút tưởng âm thầm mà mạnh kẽ kì lạ. Cuốn sách đó nhẹ nhàng tái bản nhiều lần.

Đến “Đà Lạt một thời hương xa”, Nguyễn Vĩnh Nguyên để cảm xúc của nhà văn lắng dịu, chịu sự dẫn dắt điều khiển của lý trí với tư duy làm báo để có lại “Thời hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha/ Chờ đến bao giờ tái sinh cho người” (Cung Tiến).

Câu chuyện đầu tiên mà Nguyễn Vĩnh Nguyên muốn kể, đó là đường Hoa Hồng (Rue des Roses) cùng những biệt thự kiến trúc châu Âu men theo sườn đồi “ẩn hiện dưới những tán thông, tùng cổ thụ”. Trước đây, con đường được chọn ở bởi nhiều quan chức công chức cấp cao người Pháp, đến 1950, là sở hữu của giới trung lưu, thượng lưu người Việt và “cao điểm nhất vào đầu những năm 1960, Rue des Roses chính là nơi chốn trọ của một nhóm nghệ sĩ trí thức chọn Đà Lạt làm đất sáng tạo”.

Họa sĩ Trịnh Cung từng thuê gian phòng trong căn biệt thự số 11 đường Hoa Hồng trong hai năm 1962 và 1963. Tại nơi đây, Trịnh Cung đưa Họa sĩ Đinh Cường và Trịnh Công Sơn về ở chung. Sau khi họa sĩ Trịnh Cung trở về Sài Gòn, thì Đinh Cường thuê căn phòng ở số 10 đường Hoa Hồng, ở cùng với Đỗ Long Vân. Nhóm nghệ sĩ ấy, theo hồi ức của Nguyễn Xuân Thiệp: “Giáng Sinh, kéo nhau đi uống bia, rồi về đàn hát tại studio của Đinh Cường trên đường Roses. Có đêm uống rượu ở kiosque Dì Ba, hoặc vào Night Club dưới chân đài phát thanh nghe Khánh Ly hát.” (T29)

Còn trong hồi ức của họa sĩ Đinh Cường về căn phòng mà ông đã thuê ở đường Roses, là những cánh hoa mong manh đủ màu, chen dưới những đốm lá xanh tròn. Căn phòng có cánh cửa không khóa, Đinh Cường say sưa vẽ bên ngọn đèn cháy sáng suốt đêm với đống vỏ Bastos xanh với những khuôn mặt bạn bè như Vân, Thiệp, Sơn, Mai, Tường, Sâm…

Đường Hoa Hồng cũng theo khảo cứu của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, còn là nơi lưu trú của đạo diễn Thái Thúc Nha, chủ hãng phim Alpha tại ngôi biệt thự số 17. Nơi này tài tử giai nhân dập dìu tới lui. Thái Thúc Nha là người đã đưa cô cháu gái Thanh Lan từ một ngôi sao ca nhạc đến với điện ảnh, trong vai nữ chính bộ phim “Tiếng hát học trò”.

Ngoài ra, không thể thiếu ông bà Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân cũng từng tới ở đường Hoa Hồng khi những mong “tìm một nơi ẩn lánh trên núi” vào năm 1945. Ban đầu, vợ chồng ông Ngô Đình Nhu thuê căn biệt thự số 10. Thời gian đó, bà Lệ Xuân lo việc nội trợ sinh con, còn ông Đình Nhu say sưa với thú tầm lan, chơi lan.

Cũng trong cuốn sách, nhân vật được viết kỹ và nhiều tư liệu nhất, là nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam). Năm 1955, nhà văn Nhất Linh đã trở về Đà Lạt, hòng mong tìm kiếm một nơi an nhàn để ẩn dật.

Theo hồi ký của con trai của Nhất Linh là Nguyễn Tường Thiết (viết về bố khi còn sống tại Đà Lạt), sức khỏe của Nhất Linh rất tốt. Mỗi buổi sớm mai, nhà văn Nhất Linh từ căn phòng ở số 12 đường Yersin, đi bộ xuống khu chợ Hòa Bình ăn điểm tâm, rồi đi vòng qua bờ bên kia của Hồ Xuân Hương, vượt qua mấy ngọn đồi, đến khu Chi Lăng của hồ Than Thở.

Suốt bốn năm ở ẩn tại Đà Lạt, Nhất Linh dồn hết tâm sức cho thú chơi lan. Ông vào rừng sâu tìm những loài lan lạ, đặt tên cho nhiều nhánh lan rừng và xếp chúng tỉ mỉ theo từng chi họ. Để mở rộng nơi trưng bày lan, nhà văn Nhất Linh chuyển đến sống tại căn biệt thự số 19 đường Đặng Thái Thân để chìm đắm trong không gian của muôn loài lan, dưới tán thông, giữa tiếng chim rừng và âm nhạc. Rất nhiều ngày nhà văn Nhất Linh không còn ra phố và chẳng muốn tiếp xúc với bất kỳ ai. “Nhất Linh lúc này sống như trong thời trung cổ, đoạn tuyệt hẳn với đời sống văn minh, ông nói không đoạn tuyệt cũng chẳng được vì ở đây thiếu tất cả điện nước và các tiện nghi tối thiểu, cách tốt nhất là phải thích nghi với đời sống mới. Da ông rạm nắng trông ông càng phong sương hơn, ông mặc bộ đồ rừng bốn túi, đi ủng cao, hút thuốc lào, suốt ngày đôn đốc đám thợ khai quang rừng để làm một con lộ nhỏ đi từ quốc lộ đến suối Đa Mê”… (Con trai út của Nhất Linh kể về cha – T50).

Thế nhưng, những ngày đẹp đẽ thanh nhàn đầy đam mê về lan và lòng ham viết cũng chấm dứt, khi Nhất Linh quay trở lại Sài Gòn. Cùng với việc làm báo, văn chương, chứng suy nhược thần kinh một lần nữa quay trở lại, và đã hạ gục hoàn toàn sự muốn sống của ông. Ngày 7/7/1963, Nhất Linh đã tự chấm dứt đời mình bằng rượu whisky pha với thuốc ngủ nồng độ mạnh.

Nếu Đà Lạt với nhạc sĩ Phạm Duy là được nằm trong vòng tay êm ái của người tình, và dù cuốn theo những ngọn sóng nhục cảm dọc triền đồi hồng, với bao kỷ niệm tươi vui lẫn ảm đạm thì nhạc sĩ cũng chưa thể sáng tác bất kỳ ca khúc nào về Đà Lạt cho đến 25 năm sau đó.

Còn với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đến với Đà Lạt như thể sự lưu đày quá đỗi nặng nề với “những ngày dài nằm bị hắt hủi”, “những cơn buồn dai dẳng thường trực” nhưng, phải có niềm ẩn ức sâu sắc đó, mà chàng trai 25 tuổi mới có được tình khúc “Còn tuổi nào cho em” năm 1964, trên chuyến xe lửa từ Đà Lạt về B’lao. Năm 1966, “Ca khúc da vàng” của Trịnh Công Sơn đã được Khánh Ly hát lên trong khuôn viên các trường đại học tại Đà Lạt. “Về sau, Trịnh Công Sơn đã trở lại Đà Lạt nhiều lần, có cả những lần đi dự “trại sáng tác” trong thời bình và viết thêm một số ca khúc từ thành phố cao nguyên này.

Từ những nơi chốn như cà phê Tùng vẫn còn tồn tại tới nay, cho đến nhiều “không gian đã mất”: Night Club, Thư viện Giáo Hoàng Học viện Thánh Piô X, Thư viện Viện Đại học Đà Lạt... đã mang tới Đà Lạt chiều sâu riêng biệt. Như một nơi chốn ẩn giấu bao lịch lãm cùng phảng phất hương phù hoa hòa trộn với cảnh sắc thiên nhiên trong lành nửa tinh khiết nửa u hoài, Đà Lạt được chọn là nơi chốn lui về của nhiều tao nhân để từ đó tạo nên những dấu ấn khó thể mờ phai.

Việt Quỳnh

Từ khóa

nhà văn nguyễn vĩnh nguyên tinh hoa một thời đà lạt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-van-nguyen-vinh-nguyen-voi-tinh-hoa-mot-thoi-da-lat/132821