Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: Viết văn như tìm sự cứu rỗi

Sau khi ra mắt cuốn tiểu thuyết “9X’09”, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang rời Hà Nội, bắt đầu cuộc sống mới tại thành phố Hồ Chí Minh.

Không vui không buồn, không ghét không yêu, không mong cầu không thất vọng, không si mê không tham đắm, không bám víu không phán xét…

Toàn bộ xác thân, tâm, trí Jen chìm trong cõi Không thuần túy.
Như bầu trời trong xanh chẳng còn vẩn gợn mây, như sự an nhiên không phát khởi bất kỳ cảm xúc ý nghĩ nào, Jen đang dần nắm được bí mật ngọn nguồn của vạn vật hợp nhất thành một. Trước sự phát khởi của vũ trụ là cõi lặng yên, thẳm sâu, không một vệt loang sóng năng lượng.

Không gì cả, không tồn tại, không thời gian, không không gian…"
“Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” -
Nguyễn Quỳnh Trang

Sau 2 năm với nhiều trải nghiệm với những khốn khó tưởng tận cùng, tránh giao tiếp người quen, ít xuất hiện nơi công cộng, cùng việc không tham gia vào bất cứ sự kiện văn học nào, chị bất ngờ quay trở lại, cùng cuốn tiểu thuyết mới, và cũng là cuốn sách thứ tám, “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro”.

“Yêu trên đỉnh Kilimanjaro”, cái tên giống với “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro” của Ernest Miller Hemingway, nhà văn Mỹ nổi tiếng, quá?

- Thực ra trên đỉnh Uhuru của Kilimanjaro là băng hà bao phủ. “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro” là một cách dịch, từ tên gốc là “The Snows of Kilimanjaro” - (Tuyết của Kilimanjaro). Tôi có đọc qua truyện đó và dĩ nhiên tiểu thuyết của tôi không liên quan gì tới những vấn đề mà nhà văn Hemingway đã từng đề cập. “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” kể về hành trình leo núi bảy ngày sáu đêm, chinh phục đỉnh Uhuru của Kilimanjaro, với nhân vật nam tên Lynh.

Như chị từng nói, đây là cuốn tiểu thuyết “nhiều chữ nhất” từ trước tới nay của chị?

- Đúng vậy, cuốn sách dài hơi nhất, được viết trong thời gian ngắn nhất là “1981”, sau đó tôi viết các cuốn sách khác không thể dày dặn về số trang như cuốn đầu tiên, nhưng đến “Yêu trên đỉnh Kilimnajaro”, nó đã vượt qua dung lượng của “1981”. Điều này làm tôi thấy thú vị và bất ngờ.

Chị viết cuốn sách bắt đầu từ tháng 4/2014 và kết thúc tròn 2 năm sau 2016, 2 năm ấy xa quê hương ấy đã làm cho “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” có gì khác với bảy cuốn trước?

- Tôi rời Hà Nội, đó là bước ngoặt bỗng nhiên xảy ra, không có dự báo trước với cuộc đời tôi. Khi ấy, cuộc sống tại Hà Nội của tôi khá ổn định với công việc tại tòa báo, làm MC cho VTV, VNews, tổ chức một số sự kiện truyền thông cho các chương trình liên quan đến nghệ thuật, mọi vướng mắc trong đời sống riêng cũng đã giải quyết ổn thỏa. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, tôi quyết định đưa mẹ và con rời Hà Nội để vào Sài Gòn. Và khi đặt chân tới sân bay Tân Sơn Nhất, sóng gió mới thực sự nổi lên.

Suốt hai tháng đầu ở Sài Gòn, tôi hai ngày lại gần như ngất xỉu một lần vì quá sức chịu đựng. Mẹ tôi quá lo lắng nên chỉ số ung thư đột ngột tăng cao, phải vào viện. Các con còn nhỏ dại. Mọi công việc ở Hà Nội ngừng, tôi loay hoay tìm việc mới để có thu nhập lo cho gia đình, nhưng cũng bị cản trở. Cho đến khi, tôi thực sự bị xua đuổi khỏi Sài Gòn, thì khi ấy, trong tôi dấy lên quyết tâm, đã đi là không quay trở lại. Tôi xin nghỉ việc không lương tại tòa soạn, giam mình trong bốn bức tường, tập trung vào việc lo cho mẹ và con, cải thiện lại tình hình sức khỏe, tinh thần của bản thân và viết tiểu thuyết.

“Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” là nơi yên bình riêng tư để tôi có thể nương tựa vào. Việc viết sách giúp cho tinh thần tôi dần trở lại an tĩnh, nhìn sâu hơn bản chất mọi hiện tượng đang xảy ra, và tìm cách đi qua nó. Cùng với sự tăng lên của từng trang viết, tôi học cách chấp nhận mọi cay đắng mà số phận buộc tôi vào. Cho đến khi, tôi đủ dũng cảm rời khỏi sợi dây duy nhất là công việc ở tòa soạn mà tôi đã gắn bó 10 năm, sang với Đại Đoàn Kết. Quay trở lại với công việc viết chân dung, bình luận với Tinh Hoa Việt, tôi thấy trong lòng ấm áp hơn…

“Nguyễn Quỳnh Trang đến với văn chương từ năm 7 tuổi cùng các sáng tác thơ in trên báo Nhi Đồng, Thiếu Niên Tiền Phong, Hoa Học Trò. Năm 2005, Nguyễn Quỳnh Trang bắt đầu viết truyện ngắn, và chỉ một năm sau, các tác phẩm của chị được in trên các báo và xuất hiện trong hàng loạt tuyển tập đặc sắc như: Văn mới, Truyện ngắn 8X, Vũ điệu thân gầy, Độc thoại trên tháp nhà thờ...

Năm 2007, tiểu thuyết đầu tay 1981 của chị ra mắt độc giả, bán hết trong hai tháng đầu. Cho đến nay, cuốn sách vẫn được tái bản. Sau 1981, Nguyễn Quỳnh Trang liên tiếp cho ra đời những tác phẩm: Nhiều cách sống (tiểu thuyết, 2009); Cho một hành trình (tập truyện ngắn, 2009); 24 giờ (tập truyện ngắn, 2011); Mất ký ức (tiểu thuyết, 2012); Đi về không điểm đến (ký chân dung văn học, 2013); 9x09 (tiểu thuyết, 2014).

Trẻ trung, xinh đẹp, năng động, chính những yếu tố này đưa Quỳnh Trang đến với nhiều công việc, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ công tác tại một tờ báo, chị còn được mời làm người dẫn chương trình truyền hình, làm giám khảo gameshow, tham gia các talk show, hội thảo tọa đàm...

Chị tâm sự: "Tôi là người ưa thử thách trong công việc, tôi không từ chối bất cứ cơ hội nào để có thể khám phá khả năng bên trong mình". Với chị, làm báo có cơ hội tiếp xúc với nhiều thân phận người. Làm MC, trò chuyện với những người nổi tiếng giới showbiz, trao đổi các vấn đề văn hóa nóng nổi cộm với văn nghệ sĩ trí thức, hay dẫn chuyện trên một kênh truyền hình cho thanh thiếu niên... mang lại cho chị những trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, quan trọng nhất, đó chính là nguồn chất liệu dồi dào cho các sáng tác văn chương. "Rốt cuộc mọi con đường cũng tìm đến viết. Khi sáng tác, tôi mới thực sự được sống trong thế giới của mình và là mình" nữ nhà văn 9X09 chia sẻ…

Mộc Miên

Phạm An (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-van-nguyen-quynh-trang-viet-van-nhu-tim-su-cuu-roi/116748