Nhà tù dành cho phù thủy ở Scotland vào thế kỷ 15

Nhà nguyện St.Mary ở Scotland từng là nơi giam giữ và xét xử những người bị cáo buộc là phù thủy trong thế kỷ 15.

Theo Live Science, vòng kim loại gắn trên bức tường phía bắc của nhà nguyện Thánh Mary (St. Mary) nằm riêng biệt trong một góc nhà thờ St. Nicholas ở thành phố Aberdeen (Scotland), có mối liên hệ trực tiếp đến một giai đoạn lịch sử đen tối của thành phố này.

Nhà nguyện St. Mary được xây dựng vào thế kỷ 15 từng là nhà tù, nơi giam giữ và xét xử 23 phụ nữ và một người đàn ông bị cáo buộc là phù thủy trong thời kỳ "Săn Phù thủy Lớn" ở Aberdeen năm 1597. Vòng kim loại có đường kính khoảng 5 cm dùng để xích phù thủy trong tù.

"Tôi nghĩ chiếc vòng không có gì đặc biệt hơn ngoài một mảnh kim loại gắn trên tường. Trông nó rất bình thường. Nhưng tài liệu lịch sử của thành phố có khá nhiều chi tiết cho thấy chiếc vòng dùng để giam giữ những người bị buộc tội là phù thủy" - Arthur Winfield, người đứng đầu dự án khôi phục và bảo tồn nhà thờ St. Nicholas, nói.

Chris Croly, nhà sử học tại Đại học Aberdeen, cho biết giai đoạn Săn Phù thủy Lớn ở Aberdeen là một cuộc bức hại những người bị cho là phù thủy trên khắp Scotland, sau khi vua James VI thông qua Đạo luật Phù thủy năm 1563. James VI là vua của Scotland, sau đó trở thành vua James I của Anh năm 1603.

Làn sóng bắt bớ phù thủy bắt đầu xuất hiện ở châu Âu từ thế kỷ 15, tới Scotland trong những năm 1590 và tiếp tục lan sang châu Mỹ vào thế kỷ 17.

Điều này dẫn đến nhiều phiên tòa xét xử phù thủy nổi tiếng tại Salem (bang Massachusetts, Mỹ) năm 1692 và 1693. Trong khoảng thời gian trên, những người theo đạo Tin lành và đạo Thiên chúa tin rằng phép thuật được tạo ra bởi sự kết nối giữa phù thủy và quỷ dữ.

Năm 1597, phiên tòa xét xử phù thủy nổi tiếng nhất ở Aberdeen liên quan đến hai thành viên trong cùng gia đình. Người mẹ tên là Jane Wishart bị kết án 18 tội danh phù thủy như chế tạo bùa chú gây bệnh cho những người hàng xóm, khiến một con chó màu nâu bí ẩn tấn công con rể sau cuộc tranh cãi, chặt chân tay một xác chết treo trên giá treo cổ để làm nguyên liệu tạo ra phép thuật.

Thomas Leyis, con trai của Wishart, bị kết án cầm đầu một tổ chức phù thủy nhảy múa với quỷ dữ vào lúc nửa đêm ở khu vực chợ cá Aberdeen. Cả hai mẹ con sau đó bị siết cổ và đưa lên giàn hỏa thiêu.

Bản vẽ năm 1868 của nhà nguyện St. Mary.

Năm 2006–2007, phía đông nhà thờ St. Nicholas là nơi diễn ra một cuộc khai quật khảo cổ học lớn, trước khi nhà thờ cũ được trùng tu để trở thành trung tâm cộng đồng. Nỗ lực tái thiết nhà thờ nằm trong "Dự án Kirk Mither".

Các nhà khảo cổ không tìm thấy hài cốt của những người bị cáo buộc là phù thủy tại nhà thờ St. Nicholas. Tuy nhiên, họ phát hiện hài cốt của hơn 2.000 người tại ngôi mộ dưới sàn nhà phía đông nhà thờ.

Hầu hết thi thể được chôn cất trước những năm 1560, khi cuộc Cải Cách Tin Lành ở Scotland ngăn cấm việc mai táng bên trong nhà thờ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/nha-tu-danh-cho-phu-thuy-o-scotland-vao-the-ky-15-2093438-l.html