Nhà trường có phải là nơi ngăn chặn trào lưu 'Nói là làm'?

Mạng xã hội facebook với trào lưu “Nói là làm” của giới trẻ đã để lại những ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian vừa qua. Thế nhưng trào lưu mới mẻ và nguy hiểm này lại khó có thể giao toàn quyền cho ngành giáo dục.

Facebook nằm ngoài giáo trình, giáo án

Trong bài phỏng vấn về trào lưu “Nói là làm” trên mạng xã hội, giảng viên Trần Thu Hương đã nói về độ tuổi dễ xảy ra các hành vi thiếu suy nghĩ ở giới trẻ dao động từ 16-25. Đây cũng chính là lứa tuổi của học sinh THPT và Cao đẳng, Đại học.

Theo thống kê từ facebook vào tháng 6/2015, Việt Nam có khoảng 30 triệu người dùng facebook hoạt động, tương đương 1/3 dân số tại Việt Nam sở hữu tài khoản Facebook. Về độ tuổi người dùng, có đến 3/4 người Việt dùng facebook từ 18 - 34 tuổi. Như vậy, có thể thấy ở độ tuổi 16-25 tỉ lệ sử dụng facebook cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ.

Không thể phủ nhận những tiện ích và những mặt tốt từ facebook mang lại cho đối tượng học sinh sinh viên, từ việc chia sẻ kiến thức hỗ trợ cho việc học tập cũng như tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế đã và đang diễn ra là facebook cũng tồn tại mặt trái như trào lưu “nói là làm” thời gian gần đây.

Hậu quả đốt trường của một nữ sinh thực hiện trào lưu "Nói là làm". Nguồn internet.

Thế nhưng, việc học sinh, sinh viên được trang bị những kỹ năng sử dụng facebook, ứng xử trên facebook còn chưa nhiều.

Một sinh viên đang theo học năm thứ 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết chưa từng được thầy cô lồng ghép trong các môn học hay có một buổi ngoại khóa, tọa đàm nào nói về ứng xử hay mặt trái của facebook, có chăng chỉ là tự sinh viên tìm hiểu, đưa ra quan điểm làm tiểu luận.

Theo cô Đặng Nga – giảng viên môn tâm lý Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, cấu trúc của bộ môn Tâm lý học không đề cập đến vấn đề này, vì đây là một vấn đề mới trong xã hội.

Một số học sinh THPT cho biết cũng tùy từng thầy cô, có thầy cô lồng ghép mặt trái của facebook trong ví dụ bài giảng, có thầy cô thì không. Tuy nhiên, những ví dụ cũng chỉ nói ngắn gọn để minh họa chứ không nói sâu vì còn dành thời gian cho bài học chính. Hoặc có thể trong các buổi chào cờ đầu tuần có được nhà trường nhắc đến nhưng cũng chỉ một phần vì còn nhiều nội dung khác.

Tại một số trường học THPT, Đại học cũng đã có những Hội thảo khoa học, tọa đàm liên quan đến ứng xử trên mạng xã hội như: Hội thảo khoa học “Nghiện Internet: Những thách thức mới trong xã hội hiện đại” của trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHCM vào năm 2013, Hội thảo “Sử dụng facebook có trách nhiệm” của trường ĐH Bách Khoa năm 2015, tọa đàm “Văn hóa Facebook” tại trường THPT Cẩm Lý Bắc Giang năm 2016, Tọa đàm “Người Việt trẻ và vấn đề văn hóa ứng xử” của trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGHN…

Trường học nên là nơi tạo ra miễn dịch với trào lưu ảo

Không chỉ trào lưu thách thức “Nói là làm” mang tính tiêu cực trên mạng hiện nay đáng báo động về lối sống, suy nghĩ của giới trẻ hiện nay, mà rất có thể còn có những trào lưu khác tiếp theo. Vì thế, bên cạnh việc giáo dục từ gia đình thì nhà trường cũng nên là nơi trang bị kiến thức thiết thực để học sinh, sinh viên tránh được những trào lưu ảo ảnh hưởng đến bản thân và cộng đồng.

Mặc dù, trong các môn học của nhà trường không thể “chạy theo” và không thể “theo kịp” với sự biến động của các trào lưu ảo trên mạng xã hội nhưng “ở trường, các thầy cô lồng ghép các vấn đề trong cuộc sống, xã hội vào trong môn học. Bên cạnh đó, những vấn đề như trào lưu “Nói là làm” hay cách tiếp nhận thông tin cho đúng đắn trên mạng xã hội nên được tổ chức thành một buổi hoạt động ngoại khóa, giáo dục kĩ năng hay một buổi nói chuyện do khoa hay do Đoàn trường, cho các sinh viên tham gia. Trong đó có thể mời các chuyên gia tâm lý nói chuyện, hướng cho sinh viên cách tiếp cận những thông tin đúng đắn và miễn dịch với các trào lưu ảo như “Nói là làm” này – cô Nga chia sẻ.

Bạn Nguyễn Khánh Linh, sinh viên Học viện Ngân hàng cho biết, ở trường, được tham gia rất nhiều các chương trình ngoại khóa do trường, do khoa hay do các câu lạc bộ trong trường tổ chức. Tham gia các chương trình đó, sinh viên được học rất nhiều các kĩ năng, gần đây nhất là các kĩ năng để miễn dịch với các thông tin không tốt trên mạng xã hội, trong đó có trào lưu “Nói là làm”.

Theo Linh, cách tốt nhất để giới trẻ không mắc vào trào lưu này là phải định hướng được các thông tin trên mạng xã hội, cái nào đáng học tập, cái nào không nên. Thêm nữa, việc trang bị kiến thức trong trường sẽ giúp mỗi người hiểu được cách thể hiện bản thân một cách đúng đắn nhất, chứ không phải chứng tỏ mình qua các trào lưu trên mạng xã hội.

Cần rất nhiều những buổi nói chuyện, tọa đàm... cho học sinh, sinh viên về ứng xử, mạng xã hội. Ảnh: Hà Anh.

Mạng xã hội luôn phát triển song hành với đời sống, và bản thân mỗi học sinh cũng chỉ gắn bó với ngôi trường vài ba năm. Do đó, nếu trường học không thường xuyên nắm bắt và nhận ra những trào lưu tiêu cực thì rất khó có thể là nơi tạo ra “miễn dịch” cho học sinh, sinh viên trước những trào lưu ảo tiêu cực. Hoặc nếu nhà trường cho rằng việc tổ chức hội thảo, tọa đàm, nói chuyện… chỉ cần một lần là đủ, để có báo cáo, tổng kết và “yên tâm” về học trò trong trường sẽ không vướng vào là chưa đủ. Bởi ngôi trường có rất nhiều thế hệ học sinh, và đời sống luôn phát triển. Do đó, nhà trường cần tăng cường các buổi ngoại khóa, lồng ghép, tọa đàm để định hướng đúng đắn cho học sinh, sinh viên, đừng vì chỉ một nút “like” vô bổ và muốn thể hiện, chứng tỏ cái tôi của bản thân mà dấn thân vào trào lưu “Nói là làm” với những hành động tiêu cực.

Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề đặt ra trước sự phát triển của mạng xã hội như ứng xử trên mạng xã hội, kỹ năng sử dụng mạng xã hội… như thế nào để có văn hóa, đem lại lợi ích, không ảnh hưởng cộng động cũng là vấn đề được đặt ra cho giới trẻ rất cần có sự chung tay của ngành giáo dục.

Mới đây, tại buổi nói chuyện chuyên đề tại trường KHXH&NV, TSKH Đoàn Hương có nhắc nhở sinh viên về những hệ lụy, mặt trái của facebook: “Vào facebook rất tốn thời gian, nếu không làm việc. Nhớ rằng thời gian là cái quý nhất trên đời, cái mà không mua lại được. Có một nhà Triết học Pháp đã nói: “Mỗi một phút qua đi là chúng ta lại đến gần cái chết hơn một phút. Con người ta sống để chết từ từ và dần dần"…Người ta đã nghĩ đến việc mở một cái trại để cai nghiện game, cai nghiện face”.

Vậy nhưng cái khó của việc giáo dục, định hướng như thế này ở trường học hiện nay là không bắt buộc, tùy thuộc vào mỗi trường, trong khi thầy trò vẫn phải hoàn thành chương trình học bắt buộc đã đề ra.

Hà Anh- Thùy Chi

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/nha-truong-co-phai-la-noi-ngan-chan-trao-luu-noi-la-lam-217342.html