Nhà Trắng kể lại khoảnh khắc Su-22 bị bắn hạ

"Họ làm mọi thứ để cố gắng cảnh báo nó... nhưng cuối cùng nó vẫn thả bom và bị bắn hạ" - phát ngôn viên Nhà Trắng nói.

CNN hôm 22/6 dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Jeff Davis mô tả lại chi tiết về vụ tiêm kích F/A-18 Super Hornet của Mỹ bắn rơi chiếc Su-22 của quân đội Syria.

Theo đó, chiếc F-18 đã cố gắng ngăn chặn Su-22 tấn công lực lượng mà họ đang hỗ trợ chứ không hề bắn lén chiếc máy bay của Syria.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jeff Davis

"Họ đã nhìn thấy chiếc Su-22 tiếp cận. Nó có 'cánh bẩn', nó đang mang theo vũ khí. Họ làm mọi thứ để cố gắng cảnh báo nó. Họ đã thực hiện một động tác head-butt để ra hiệu, họ bắn pháo sáng, nhưng cuối cùng Su-22 đã lao xuống, thả bom và bị bắn hạ" - CNN dẫn lời ông Jeff Davis.

"Cánh bẩn" là một thuật ngữ quân sự được sử dụng để mô tả một chiếc máy bay có mang theo vũ khí.

Ông Davis cho biết: "Trong động tác head-butt (húc đầu -PV), chiếc F-18 đã bay lên phía trước tạo một sự đánh thức mạnh mẽ và thu hút sự chú ý".

Ngay sau khi máy bay chiến đấu Su-22 của Syria thả bom, 2 chiếc Super Hornet F/A-18 bay từ tàu sân bay USS George HW Bush đã tham gia, bắn một quả tên lửa Sidewinder AIM-9 về phía chiếc máy bay Syria từ khoảng cách nửa dặm, hai quan chức Mỹ nói với CNN.

Tuy nhiên, máy bay phản lực của Syria đã triển khai các đợt phòng thủ, khiến tên lửa của Hoa Kỳ bỏ lỡ mục tiêu.

Phi công của Mỹ đã tiến hành phóng một tên lửa thứ hai là tên lửa không đối không tầm trung AIM 120, phá hủy máy bay chiến đấu Syria và buộc phi công phải thoát ra ngoài bằng dù.

Vị quan chức Mỹ nói với CNN rằng, phi công Mỹ tin rằng, chắc chắn phi công Syria đã hạ cánh ở vùng lãnh thổ do IS kiểm soát tại Syria.

Vụ bắn rơi chiếc Su-22 dường như đã không thể ngăn Syria tiến hành các vụ tấn công sau đó vào hôm thứ 3.

CNN dẫn lời quan chức Mỹ cho rằng, một chiếc Su-22 khác của Syria đã thực hiện một cuộc tiếp cận có thể vào khu vực Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ở gần Tabqa hôm 20/6. Chiếc máy bay của liên minh do Mỹ đứng đầu đã tiếp tục thực hiện một cuộc tấn công cảnh báo khiến chiếc máy bay Syria hủy bỏ lịch trình và rời khỏi khu vực.

Sau vụ bắn rơi Su-22, quân đội Syria đã mở một đợt tấn công vào Tabqa để giải cứu cho phi công.

Hiện trường vụ Su-22 Syria bị bắn rơi.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Không lực Hoa Kỳ (USAFCC) giám sát các hoạt động trên không trong khu vực đã không trả lời yêu cầu bình luận về vụ việc trên.

Động thái của Mỹ đã khiến Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng họ sẽ đình chỉ đường dây nóng với liên minh, vốn được thiết kế để ngăn ngừa bất cứ tai nạn nào trên bầu trời ở Syria. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga sau đó còn bổ sung thêm rằng bất kỳ máy bay nào của liên quân ở phía Tây sông Euphrates sẽ bị theo dõi và "coi là các mục tiêu trên không".

Tư lệnh Không quân Mỹ – ông David Goldfein cho biết đường dây nóng hiện vẫn mở.

"Có một đường dây nóng của chúng ta với người Nga. Tuyến đường này vẫn mở và chúng tôi vẫn tiếp tục trò chuyện với họ" - ông nói. "Chúng tôi hy vọng hai nước có thể quay lại trạng thái bình thường và tiếp tục giữ cho các kênh đối thoại mở".

Clip khoảnh khắc Su-22 bốc cháy sau khi bị F-18 bắn rơi

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nha-trang-ke-lai-khoanh-khac-su-22-bi-ban-ha-3337849/