Nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo: Người Công giáo yêu nước

Một sĩ quan quân đội Sài Gòn hồi ấy về sau nhớ lại: “Tỉnh trưởng mới hết sức năng động, hay đứng giữa công chúng diễn giảng và lập lại hoàn toàn an ninh địa phương. Một thời gian sau, tỉnh trưởng được thay thế vì đã hoàn tất nhiệm vụ…”.

Sống trong nguồn sáng

Phạm Ngọc Thảo tên thật là Albert Phạm Ngọc Thuần, còn được gọi là Chín Thảo vì ông là người con thứ tám trong gia đình. Ông sinh ngày 14/2/1922 tại Sài Gòn. Cha ông, Adrian Phạm Ngọc Thuần, là một điền chủ giàu có, quốc tịch Pháp, tín đồ của dòng Công giáo Taberd. Andrian Phạm Ngọc Thuần từng sở hữu tới hơn bốn nghìn mẫu đất và gần một nghìn căn nhà nằm ở khắp các tỉnh Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Sa Đéc, Vĩnh Long…

Gốc gia đình ở Long Xuyên (có tài liệu cho là Bến Tre) nhưng sau năm 1930 chuyển về Vĩnh Long sống. Tại Vĩnh Long, Phạm Ngọc Thảo học xong tiểu học rồi lên Sài Gòn vào học ở trường “Tây” Chasseloup Laubat, tức trường Lê Quý Đôn ngày nay (có tài liệu cho rằng, thuở nhỏ, Phạm Ngọc Thảo theo học ở trường tư thục Công giáo nổi tiếng ở Sài Gòn khi đó là trường Lasan Taberd. Theo một số nguồn tư liệu, ông đã học Thành Chung ở Huế rồi sang Pháp du học. Còn theo một số nguồn tư liệu khác, năm 1942, Phạm Ngọc Thảo đã không sang Pháp du học như những người anh em ruột khác mà ra Hà Nội học lấy bằng kỹ sư công chính rồi về làm việc ở Sài Gòn từ năm 1943 cho tới ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ hấp dẫn một mình Chín Thảo tham gia. Cũng ở thời điểm đó, người anh của ông, Gaston Phạm Ngọc Thuần, một thanh niên bộc trực và sôi nổi, cũng đã tham gia Việt Minh ở Vĩnh Long. Một người anh khác của Chín Thảo là Phạm Ngọc Hùng (Tám Hùng), tuy sang Pháp học và lấy vợ Pháp nhưng sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng đã về nước và ra chiến khu tham gia chiến đấu. Cũng như những người anh của mình, Phạm Ngọc Thảo đã rất tích cực tham gia cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn tháng 9/1945…

Ngày 23/9/1945, một số đơn vị quân đội thực dân Pháp theo gót quân Đồng Minh vào Sài Gòn dưới danh nghĩa giải giáp tàn quân phát xít Nhật. Phạm Ngọc Thảo đã tuyên bố bỏ quốc tịch Pháp và trở về Vĩnh Long theo anh hai Phạm Ngọc Thuần tham gia kháng chiến! Ông vào làm ở Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Và khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, với vốn ngoại ngữ Anh Pháp và trình độ học vấn cao so với thời ấy, Phạm Ngọc Thảo đã được tướng Nguyễn Bình chọn cùng 12 chiến sĩ Nam Bộ khác ra học ở Sơn Tây tại trường võ bị Trần Quốc Tuấn vừa được khải giảng năm 1946. Tại đây ông cùng các đồng đội đã được thầy Hoàng Đạo Thúy dạy cho nhiều điều bổ ích, trong đó có cả các kỹ năng viết báo...

Tốt nghiệp khóa 1 trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngọc Thảo được điều về Phú Yên nhận nhiệm vụ làm giao liên. Theo một số nguồn tư liệu, trong một chuyến công tác, Phạm Ngọc Thảo đã làm giao liên để đưa đồng chí Lê Duẩn vào Nam Bộ. Và cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng vô cùng quan trọng đó về sau đã có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động tình báo của Phạm Ngọc Thảo.

Trở về Nam Bộ, Phạm Ngọc Thảo đã được giao nhiệm vụ làm trưởng phòng mật vụ Ban Quân sự Nam Bộ, tổ chức tình báo đầu tiên của chúng ta ở khu vực này. Đầu năm 1949, để đào luyện thêm bản lĩnh và trình độ chỉ huy chiến đấu của người cán bộ trẻ giàu triển vọng, Phạm Ngọc Thảo được cử làm chỉ huy trưởng một trong những tiểu đoàn chủ lực của chiến trường Nam Bộ, tiểu đoàn 404 (có tư liệu ghi rằng đó là tiểu đoàn 402, thậm chí 307...). Và ông đã cùng các chiến sĩ của mình lập được nhiều chiến công trong việc tập kích tiêu diệt các đồn bót của quân Pháp... Và Phạm Ngọc Thảo đã được kết nạp vào Đảng ngay trong những ngày khói lửa đó.

Năm 1951, Phạm Ngọc Thảo đã được thăng cấp Trung đoàn phó Trung đoàn chủ lực Nam Bộ (tức Trung đoàn Tây Đô)... Tới năm 1953, Phạm Ngọc Thảo với tư cách đại diện cho Ban Tình báo Nam Bộ trong đoàn đại biểu Đảng – Quân – Dân - Chính Nam Bộ đã được cử ra chiến khu Việt Bắc công tác. Và ông chỉ trở về Nam Bộ sau khi Hiệp định Geneve được ký tháng 7-1954 (có nguồn tư liệu cho rằng qua con đường hàng không Bắc Kinh - Phnom Pênh). Và cuối tháng 1-1955 trong một căn nhà lá 3 gian, tọa lạc giữa khu vườn cây ăn trái, tại kênh 9 thuộc xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (Cà Mau), đã diễn ra một cuộc họp đặc biệt, trong đó có đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo.

Trận tuyến thầm lặng

Tới đây cũng phải nói thêm rằng, ngày 1/6/1949, trong khi còn làm việc ở chiến khu Nam Bộ 9 (vùng Đồng Tháp Mười), Phạm Ngọc Thảo đã cưới một cán bộ của Hội Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ tên là Phạm Thị Nhiệm làm vợ. Hai người bằng tuổi nhau. Bố vợ Phạm Ngọc Thảo là cụ Phạm Thâm, quê ở Diễn Châu, Nghệ An, đậu cử nhân năm 1909, từng là huấn đạo ở huyện Nam Đàn. Cụ từng quen biết với gia đình Đức Giám mục Ngô Đình Thục... Anh ruột của bà Phạm Thị Nhiệm là giáo sư Phạm Thiều, sinh năm 1904. GS Phạm Thiều sớm tới cùng tư tưởng Việt Minh và đầu tháng 8/1945, đã làm chủ bút báo Thanh niên Tiền phong, cổ xúy cho cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, GS Phạm Thiều đã ra bưng biền tham gia cách mạng, đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tập kết ra Bắc năm 1054, ông đã từng gánh vác trách nhiệm làm đại sứ nước ta ở Tiệp Khắc và tại Hungary...

Thực hiện nhiệm vụ bí mật mà tổ chức giao cho, tháng 3/1955, Phạm Ngọc Thảo đã cho vợ về giáo phận Vĩnh Long để liên lạc với Đức Giám mục Ngô Đình Thục nhờ liên hệ để “trở về hợp tác với Chính quyền Quốc gia“. Đức Giám mục Ngô Đình Thục đã giới thiệu Phạm Ngọc Thảo cho người em trai Ngô Đình Diệm, khi đó đang làm Thủ tướng của chính quyền Quốc gia do Bảo Đại làm Quốc trưởng. Cũng nhờ Ngô Đình Thục mà gia đình Phạm Ngọc Thảo sau khi về Sài Gòn đã có việc làm tại Viện Hối đoái quốc gia.

Tháng 10/1955, Ngô Đình Diệm mới lên làm Tổng thống của chính quyền Sài Gòn sau khi phế truất Bảo Đại. Và Ngô Đình Thục lại giới thiệu và tiến cử Phạm Ngọc Thảo cho em trai mình một cách đầy hào hứng. Tin tưởng ở anh trai, Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng ký quyết định phong cấp Đại úy “đồng hóa“ cho Phạm Ngọc Thảo... Năm 1956, được sự giới thiệu của Tổng giám đốc của Viện Hối đoái Quốc gia Huỳnh Văn Lang, người lúc đó đang nắm chức Bí thư Liên kỳ Bộ của đảng Cần Lao, Phạm Ngọc Thảo được cử đi học khóa Nhân vị ở Vĩnh Long. Và rồi ông đã gia nhập đảng Cần Lao mà anh em Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu đã lập ra từ cuối năm 1954 tại Sài Gòn với nền tảng tư tưởng là chủ thuyết chính trị Nhân vị của triết gia người Pháp Emmanuel Mounier...

Năm 1957, Phạm Ngọc Thảo được chuyển về Phòng Nghiên Cứu Chính Trị Phủ Tổng thống với cấp bậc thiếu tá. Sau đó, ông được đưa đi giữ chức Tỉnh đoàn trưởng Bảo an Bình Dương. Rồi Đức Giám mục Ngô Đình Thực đã gợi ý cho Ngô Đình Diệm quyết định đưa Phạm Ngọc Thảo đi làm Tỉnh đoàn trưởng Bảo an ở vùng quê Vĩnh Long. Sau đó, ông lại được chuyển đi làm Tỉnh đoàn trưởng Bảo an ở Bình Dương.

Bằng những hoạt động khéo léo và đầy biến hóa của mình, tranh thủ những yếu tố tranh tối tranh sáng đầy bất ổn của chính trường Sài Gòn hồi đó, chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo đã xây dựng được cho mình vị trí khá nổi bật trong xã hội với những mối quan hệ thượng lưu đa dạng và rộng rãi. Từ đầu năm 1957, sau khi tham gia biên tập nguyệt san Bách Khoa (ấn phẩm của nhóm trí thức đảng Cần Lao), Phạm Ngọc Thảo đã trở thành còn là một tác giả thường xuyên xuất hiện trên ấn phẩm này, với những bài nghiên cứu về các hình thái chiến tranh nhân dân... Ông phân tích rất hay và hấp dẫn về chiến lược, chiến thuật, về nghệ thuật cầm quân, về binh pháp Tôn tử và cách dụng binh của Trần Hưng Đạo... Nhưng bài báo của ông đã thu hút được sự chú ý của giới quân sự Sài Gòn lúc đó, thậm chí của cả tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu...

Năm 1960, Phạm Ngọc Thảo đi học một khóa về chỉ huy và tham mưu ở trường võ bị quốc gia Đà Lạt rồi được cử làm Thanh tra Khu trù mật.

Năm 1961, Phạm Ngọc Thảo được Tổng thống Ngô Đình Diệm thăng quân hàm trung tá và cử làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (tức Bến Tre), nơi mà lúc đó những nguồn tin tình báo của chính quyền Sài Gòn, những người cộng sản đang chuẩn bị đồng khởi, cần một người giỏi để giữ gìn an ninh trật tự. Ông áp dụng chủ thuyết thân dân và đã ký quyết định thả cùng một lúc hai nghìn tù chính trị (trong số này có ông Võ Viết Thanh, về sau từng là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh). Ông cũng đã tìm cách liên lạc với bà Nguyễn Thị Định... Một sĩ quan quân đội Sài Gòn hồi ấy về sau nhớ lại: “Tỉnh trưởng mới hết sức năng động, hay đứng giữa công chúng diễn giảng và lập lại hoàn toàn an ninh địa phương. Một thời gian sau, tỉnh trưởng được thay thế vì đã hoàn tất nhiệm vụ…” .

Thực ra, anh em Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu đã buộc Phạm Ngọc Thảo phải rời khỏi chức Tổng trưởng Kiến Hòa vì nhận được quá nhiều nghi ngờ tố cáo về việc ông là cán bộ cộng sản nằm vùng. Tuy nhiên, do không có bằng chứng gì xác thực nên họ đã phải dùng kế điệu hổ li sơn và cho ông sang Mỹ học một khóa bồi dưỡng về chỉ huy và tham mưu. Về nước, năm 1962, Phạm Ngọc Thảo được bổ nhiệm làm Thanh tra Ấp chiến lược, trực thuộc Phủ Tổng thống.

Đại tá tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo tiếp xúc với người dân ở Bến Tre. (Ảnh: Life).

Kết cục bi tráng

Không ít người đã có ấn tượng về Phạm Ngọc Thảo như về một chuyên gia quân sự giàu tiềm năng. Mặc dù phải hoạt động đơn tuyến nhưng ông đã thu thập được nhiều thông tin, công khai cũng như bí mật, về mưu đồ chiến lược của Mỹ đối với miền Nam nước ta...

Tháng 9/1963, bác sĩ Trần Kim Tuyến, nguyên Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị (Thực chất là trùm mật vụ) và Phạm Ngọc Thảo âm mưu 1 cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm. Kế hoạch đặt ra là buộc Ngô Đình Nhu phải lưu vong ra nước ngoài, chỉ để lại Ngô Đình Diệm trên ghế Tổng thống. Tuy nhiên, do rò rỉ một phần thông tin nên anh em Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu ngày 6/9/1963 đã nhanh tay loại bỏ trước hậu họa bằng cách đưa Trần Kim Tuyến đi làm lãnh sự ở Ai Cập. Riêng Phạm Ngọc Thảo thì vẫn được để yên vì Ngô Đình Nhu cho rằng, một tín đồ được hưởng nhiều ân sủng của gia đình họ Ngô như ông thì không thể nào phản bội được. Hơn nữa, ở thời điểm đó, Phạm Ngoc Thảo không phải là người nắm quân, làm sao có thể tay không đảo chính! Thực ra thì Phạm Ngọc Thảo đã âm thầm tranh thủ được sự ủng hộ của một số đơn vị quân đội Sài Gòn như Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Biệt động quân, Bảo an…

Khi một số viên tướng quân đội Sài Gòn tiến hành đảo chính và sát hại anh em Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu ngày 1/11/1963, đưa Dương Văn Minh lên làm thủ lĩnh, chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo đã khôn khéo giữ thế như “lục bình trôi“ nghĩa là có mặt trong hàng ngũ những sĩ quan theo nhóm chủ trương đảo chính, nhưng không động thủ. Dẫu vậy, sau đảo chính, Phạm Ngọc Thảo vẫn được thăng cấp đại tá. Những sự kiện đẫm máu diễn ra trong quá trình đảo chính giúp Phạm Ngọc Thảo hiểu rõ hơn chân dung thật của những viên tướng cầm đầu đảo chính nên tháng 12/1963, ông xin đi học tại Fort Lewenworth (Mỹ) để tránh những bất trắc. Một thời gian sau, ông được cử làm tùy viên văn hóa của đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ. Đầu tháng 8/1964, Phạm Ngọc Thảo mới trở về Sài Gòn. Lúc này, tại Sài Gòn đã hình thành cái gọi là “Tam Đầu Chế” với Quốc trưởng Dương Văn Minh, Thủ tướng Nguyễn Khánh, Tổng trưởng Quốc phòng Trần Thiện Khiêm. Chính Nguyễn Khánh đã kéo Phạm Ngọc Thảo về Phủ Thủ tướng làm Giám đốc Báo chí, tức là làm phát ngôn viên báo chí trong cái gọi là “Hội đồng Quân nhân Cách mạng“...

Sau thất bại của âm mưu đảo chính vào ngày 13/9/964 do các tướng Lâm Văn Phát và Dương Văn Đức cầm đầu, đã xuất hiện tin đồn rằng: “Tướng Trần Thiện Khiêm với sự cố vấn của đại tá Phạm Ngọc Thảo, đang âm mưu tiến hành đảo chánh nhóm Minh - Khánh”. Dù không biết rõ hư thực thế nào nhưng cẩn tắc vô áy náy, đầu tháng 10/1964, Nguyễn Khánh đã quyết định đưa Phạm Ngọc Thảo sang Mỹ để làm tùy viên báo chí. Người vợ và 7 người con của ông cũng theo cha sang Mỹ (hiện nay, những người thân của Phạm Ngọc Thảo vẫn định cư tại Mỹ)...

Chẳng bao lâu sau, ngày 24/10/1964, đến lượt Trần Thiện Khiêm cũng bị Nguyễn Khánh đưa đi lưu đày với cương vị đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Washington. Tại Mỹ, hẳn Trần Thiện Khiêm đã có thời gian bàn bạc với Phạm Ngọc Thảo về cách “ứng xử“ với Nguyễn Khánh thế nào cho hợp lẽ...

Ngày 4/11/1964, chính phủ dân sự Trần Văn Hương ra mắt. Tới ngày 18/11/1964,“Hội đồng Quân lực” cũng ra đời. Tuy không còn làm Thủ tướng, nhưng với quyền hành của Chủ tịch Hội đồng Quân lực, kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng, tướng Nguyễn Khánh vẫn còn là nhân vật nặng ký trên chính trường Sài Gòn. Và để loại bỏ “bộ óc tham mưu“ của Trần Thiện Khiêm, ông ta đã nghĩ đến chuyện triệt hạ Phạm Ngọc Thảo bằng mệnh lệnh triệu hồi về nước của Bộ Ngoại giao. Âm mưu của Nguyễn Khánh là khi Phạm Ngọc Thảo xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì sẽ bị bắt ngay.

Phạm Ngọc Thảo đã tìm ra cách khéo léo thoát hiểm: khi ông rời khỏi Washington, Đại sứ quán của chính quyền Sài Gòn tại đó không báo về nước. Khi ông nghỉ lại Hồng Công một đêm thì lãnh sự quán ở đó mới điện về Sài Gòn. Tuy nhiên, hôm đó là ngày lễ nên hôm sau Nguyễn Khánh mới hay tin và cho nhân viên an ninh ra sân bay. Khi đó, đại tá Phạm Ngọc Thảo đã mất tăm tích ở giữa thành phố Sài Gòn mông mênh.

Lui vào vòng bất hợp pháp, Phạm Ngọc Thảo vẫn không ngừng chuẩn bị cho kế hoạch lật đổ Nguyễn Khánh. Ngày 12/2/1965, tại một địa điểm bí mật ở Chợ Lớn, đại tá Phạm Ngọc Thảo đã cùng nhóm một số sĩ quan cấp tá cùng chí hướng thống nhất kế hoạch đảo chánh. Theo đó, trước hết cần bắt Nguyễn Khánh, khống chế Bộ Tổng Tham mưu… Ngày đảo chính được lựa chọn là ngày 19/2/1965! Lý do chính dẫn đến việc lựa chọn thời điểm này là vì theo những thông tin mà Phạm Ngọc Thảo nắm được, tới ngày 20/2/1965, Nguyễn Khánh và Mỹ dự định sẽ đưa ra thỏa thuận ném bom miền Bắc Việt Nam...

Thiếu tướng Lâm Văn Phát được xếp là người cầm đầu đảo chính trên danh nghĩa.

Không may là do nhiều lý do, không ngoại trừ việc bị lộ thông tin mà kế hoạch đảo chính đã không được thực hiện suôn sẻ. Nguyễn Khánh đã kịp thời chuồn ra khỏi Sài Gòn ra Vũng Tàu bằng máy bay trực thăng trước khi đại tá Phạm Ngọc Thảo và tướng Lâm Văn Phát dẫn quân tới bao vây tư dinh của ông ta trên bến Bạch Đằng...

Ngày 20/2/1965, Hội đồng các tướng lĩnh Sài Gòn đã tụ họp tại Biên Hòa và cử Nguyễn Chánh Thi làm chỉ huy chống lại đảo chính. Nguyễn Chánh Thi đã ra lệnh cho đại tá Phạm Ngọc Thảo và tướng Lâm Văn Phát cùng 13 sĩ quan khác phải ra trình diện trong 24 giờ. Tiếp theo, ngày 21/2/1965, Hội đồng tướng lĩnh lại tiếp tục họp tại Biên Hòa và quyết định giải nhiệm Nguyễn Khánh, đồng thời cử tướng Trần Văn Minh làm Tổng Tư lệnh quân đội. Một ngày sau đó, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu ký sắc lệnh bổ nhiệm tướng Nguyễn Khánh làm đại sứ lưu động, nói cách khác là trục xuất ra khỏi đất nước. Ngày 25/2/1965, Nguyễn Khánh rời Việt Nam…

Ngày 11/6/1965, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát đã tuyên bố trả quyền lãnh đạo quốc gia lại cho quân đội Sài Gòn. Ba ngày sau, Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia được thành lập do tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch…

Thất thế, đại tá Phạm Ngọc Thảo buộc phải lẩn trốn... Tuy nhiên, ông vẫn không thối chí, khoanh tay thúc thủ.

Chính quyền của Nguyễn Văn Thiệu đã kết án tử hình đại tá Phạm Ngọc Thảo và treo giải thưởng 3 triệu đồng cho ai bắt được ông. Theo hồi ức của đồng chí Võ Văn Kiệt, ở thời điểm đó, thấy Phạm Ngọc Thảo sa vào cảnh khó khăn, ông đã tới đề nghị đưa người chiến sĩ tình báo này ra chiến khu. Thế nhưng, Phạm Ngọc Thảo đã “bảo vẫn còn khả năng đảo chính để ngăn chặn việc đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam” vào tháng 5/1965… Một số nguồn tư liệu cho rằng, ở thời điểm đó, đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn cũng đề nghị được đưa ông ra nước ngoài nhưng ông đã từ chối…

3 giờ sáng ngày 16/7/1965, Phạm Ngọc Thảo vừa ra khỏi Đan Viện Phước Lý ở xã Vĩnh Thanh, Ngơn Trạch, Biên Hòa, thì bị lực lượng an ninh quân đội Sài Gòn phục kích bắt và đưa về một con suối nhỏ gần thành phố Biên Hòa để xả súng thủ tiêu. Tuy nhiên, ông đã không chết mà chỉ bị ngất vì đạn đã chỉ trúng vào cằm. Khi tỉnh dậy, ông đã lê được về một nhà thờ và được linh mục Cường, cha Tuyên úy của Dòng Nữ Tu Đa Minh cứu chữa.

Thật không may là sau đó Phạm Ngọc Thảo vẫn bị chính quyền Sài Gòn lần ra tung tích và đưa về Nha An ninh quân đội ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tại đó, ông đã bị tra tấn cho đến chết vào lúc 1 giờ đêm 17/7/1965, ở tuổi 43.

Cho tới phút cuối cùng của đời mình, chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo vẫn trung thành với lý tưởng mà ông đã chọn từ thời trai trẻ. Một tín đồ Công giáo yêu nước, một người lính chân chính trên mặt trận tình báo dù chết cũng không khai lộ tung tích của mình. Trong chiến tranh, chỉ rất ít người biết Phạm Ngọc Thảo là “người đàng mình“. Chỉ sau năm 1975, liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo mới được tôn vinh xứng đáng. Ông đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và quân hàm đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam...

Minh Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-tinh-bao-pham-ngoc-thao-nguoi-cong-giao-yeu-nuoc/129052