Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ra mắt "Trong ngôi nhà của mẹ"

Cuốn sách "Trong ngôi nhà của mẹ" do NXB Trẻ ấn hành vừa ra mắt vào sáng 9/10 tại Hà Nội.

Sáng 9/10, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhóm Nhân sĩ Hà Đông và gia đình ông Trịnh Văn Sỹ đã có buổi ra mắt cuốn sách "Trong ngôi nhà của mẹ" tại số 12, Nhà Khách Chính phủ (Ngô Quyền, Hà Nội) do NXB Trẻ ấn hành.

Nguyễn Quang Thiều - tác giả nổi tiếng với tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" và rất nhiều những trang viết khác, thế nhưng, đây là lần đầu tiên ông viết một cuốn sách ghi lại lời kể của một nhân vật khác - ông Trịnh Văn Sỹ (người bạn thân thiết của ông) kể về mẹ Tạ Thị Dung của mình, một người Mẹ luôn sống trong đau khổ, sợ hãi và cô độc. Cuốn sách dày hơn 300 trang, được nhà văn hoàn thành vào tháng 8 vừa qua.

Lễ ra mắt cuốn sách "Trong ngôi nhà của mẹ" do NXB Trẻ ấn hành vừa ra mắt vào sáng nay (9/10) tại Hà Nội.

Nói về cơ duyên ra đời cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Ngôi nhà này đã đi một vòng trong nửa thế kỷ, cuối cùng lại quay trở lại với gia đình nó... "Trong ngôi nhà của mẹ" là một câu chuyện trong 1 gia đình nhỏ bé, ở một làng quê nhỏ bé ngoại vi thị xã Hà Đông.

Cuốn sách "Trong ngôi nhà của mẹ" dài 300 trang của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Những câu chuyện này của anh Trịnh Văn Sỹ về mẹ, về chị, về những người khác của làng Đa Sỹ tôi đã được nghe trong khoảng 20 năm nay rời rạc. Đến một ngày Trịnh Văn Sỹ chỉ muốn ghi lại câu chuyện này để anh ấy, chị em anh ấy, con cháu anh ấy được quay trở lại thời gian đó, sống một lần nữa. Không phải vì sống một lần nữa với đói khổ, với sợ hãi, với cô độc mà để lần nữa họ trở về với chính mình.

Tôi đã tự nguyện viết lại câu chuyện này. Hàng tuần, vào những lúc rảnh rỗi cà phê, anh Sỹ bắt đầu kể câu chuyện đó. Tôi chỉ là một nghệ sĩ ghi chép lại. Câu chuyện quá nhiều, tôi không biết bắt đầu và kết thúc của nó như thế nào cả, nhưng chỉ biết rằng, tôi đã trôi cùng anh Sỹ trở về thời đó, là một kẻ đã sống trong khoảng thời gian đó, trong ngôi nhà đó. Và chứng kiến như chứng kiến tận mắt mình bằng da, bằng thịt tất cả những người đang sống trong thời gian đó..."

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ trong buổi ra mắt sách "Trong ngôi nhà của mẹ".

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng có mặt trong buổi ra mắt sách, anh chia sẻ cảm xúc, sự xúc động, lắng đọng sau khi đọccuốn sách:

"Có những lúc tôi bị cuốn đi để đọc tôi không thể dừng lại được, bởi vì câu chuyện ấy rất hấp dẫn. Thế nhưng, cũng có những lúc tôi đọc được nửa trang, hoặc vài ba trang thì tôi bắt buộc tôi phải dừng lại, tôi không muốn đọc tiếp bởi vì sự xúc động ấy tôi muốn nó lắng đọng trong tôi, tôi muốn dừng lại để sống với sự xúc động trong tôi.

Đoạn nhân vật tôi làm giỗ đầu cho bà mẹ đã buộc tôi phải dừng lại 1 ngày sau đó mới đọc tiếp... Vì nhà quá nghèo... như anh ấy kể ở trang trước nhà anh ấy có 4 thành viên chứ không phải 3 đó là bà mẹ, chị Cúc, nhân vật tôi - anh Sỹ và 1 con chó. Anh ấy không kể rõ, nhưng tôi từng sống ở nhà quê thì tôi thích cái nền trong ngôi nhà quê, nhà cổ truyền 3 gian, 2 trái, đất nền. Lúc đó, chắc là 2 chị em bàn nhau là phải làm thịt con chó, giết nó để làm cơm giỗ đầu mẹ, thì con chó nó nghe được.

Lúc anh Sỹ vào bắt nó thì nó chui xuống gầm phản. Thiều giỏi ở chỗ nếu chỉ ghi lại câu chuyện này theo lời kể của Sỹ thì tôi nghĩ không cần đến Thiều, bất cứ người thư ký nào cũng có thể làm được và toàn bộ câu chuyện chưa làm cho tôi nhớ, chưa làm cho tôi khóc, chưa làm tôi phải dừng lại. Mà Thiều giỏi ở chỗ khiến tôi phải dừng lại, anh ấy đặc tả chi tiết con chó nó bám chân vào nền móng của nền nhà, nó không muốn ra khỏi cái gầm phản ấy, tôi đã xúc động.

Một câu chuyện ám ảnh về những người đàn bà ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, đây là một cuốn tự truyện không hư cấu nhưng đủ sức mạnh... khi gập trang cuối sách lại, tôi rất muốn nói với Thiều: Nếu như còn thời gian tôi muốn Thiều chuyển thể thành một kịch bản phim bộ phim, có đầy chất nghệ thuật trong đó", họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Khung cảnh buổi ra mắt sách.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ, cuốn sách đã tái hiện cả một vùng văn hóa, qua đó tái hiện ra rất nhiều câu chuyện liên quan đến phong tục, tập quán, lối sống rất đáng đọc như chuyện làm bánh cuốn chẳng hạn... Đồng thời, nó cũng phản ảnh những lề thói của một vùng quê, rất có ích để thông qua cuốn sách có thể nhìn thấy đời sống văn hóa của dân tộc Việt...

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/nha-tho-nguyen-quang-thieu-ra-mat-trong-ngoi-nha-cua-me-3320455/