Nhà thầu Trung Quốc liên tiếp dính bê bối

Sự cố tại Nhà máy Alumnin Nhân Cơ, Gói thầu A3 Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… là hai bê bối gần đây mang tên nhà thầu Trung Quốc. Phải xử lý thế nào khi nhà thầu Trung Quốc nói riêng, các nhà thầu nói chung, gây ra sự cố công trình, để các nhà thầu này không “nhờn luật”?

Nhà thầu Trung Quốc đã dính bê bối ở nhiều dự án lớn tại Việt Nam, trong đó có dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Bê bối nối tiếp bê bối

Gói thầu EPC Nhà máy Alumin Nhân Cơ do nhà thầu chính Công ty Hữu hạn Công trình quốc tế nhôm Trung Quốc (Nhà thầu Chalieco) thuộc Tổng công ty Nhôm Trung Quốc thực hiện, khởi công năm 2010. Vào ngày 23/7 vừa qua, trong quá trình nhập kiềm lưu kho chứa chuẩn bị phục vụ chạy thử toàn Nhà máy thì xảy ra sự cố vỡ cổ ống đẩy của máy bơm kiềm. Nhiều chuyên gia nhận định, sự cố này rất nguy hiểm đối với môi trường sống xung quanh, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Với các nhà máy alumin, phải hết sức coi trọng việc chống tràn kiềm ra môi trường. Theo thông tin từ báo chí, khi Nhà máy Alumin Tân Rai, cũng do Nhà thầu Chalieco làm tổng thầu EPC, chưa đưa vào vận hành đã bục mất bể pha kiềm.

Vài ngày nay, thông tin Công ty Giang Tô (Trung Quốc) thi công gian dối tại Gói thầu A3 của Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lại dấy lên sự quan ngại về chất lượng thi công. Theo phản ánh của người dân, trên công trường, nhà thầu ngang nhiên lấy đất bẩn, bùn lầy từ nguồn khai thác trái phép để đắp nền đường, làm giả, nhưng quyết toán thật. Dù sự việc được người dân tận mắt chứng kiến, chụp ảnh làm bằng chứng, chủ đầu tư của Dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn một mực khẳng định đã kiểm soát rất chặt chẽ, thường xuyên yêu cầu tư vấn giám sát chặt nhà thầu thi công.

Trên đây chỉ là 2 vụ bê bối lớn mang tên nhà thầu Trung Quốc xảy ra gần đây. Nhà thầu Trung Quốc cũng đã để lại không ít tai tiếng ở nhiều dự án lớn khác tại Việt Nam, có thể kể đến như Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM… “Dấu ấn” mà nhà thầu Trung Quốc để lại trong những dự án này là chây ì, chậm tiến độ, là thi công không an toàn gây tan nạn nghiêm trọng, là chất lượng kém, sử dụng thiết bị không rõ nguồn gốc…

Công khai rõ cách xử lý vi phạm

Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với chủ đầu tư, vì nhiều gói thầu chủ đầu tư “bật đèn xanh” cho nhà thầu Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là với nhiều “vết” như vậy, tại sao nhà thầu Trung Quốc vẫn trúng thầu liên tiếp tại Việt Nam? Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân lớn nhất là vì nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thấp, nếu đấu thầu quốc tế thì nhà thầu Trung Quốc sẽ thắng hết. Nhà thầu Trung Quốc có lợi thế hơn rất nhiều đối thủ từ các nước khác vì nhân công rẻ, các nhà thầu khác không thể cạnh tranh về giá được. Nhà thầu Trung Quốc cứ bỏ giá thấp để trúng, rồi sau này xin điều chỉnh, chậm tiến độ làm đẩy tổng mức đầu tư lên gấp nhiều lần. Theo ông Cận, dù Luật Đấu thầu quy định phải đánh giá về kỹ thuật xong mới đến bước đánh giá về giá, nhưng nhà thầu Trung Quốc có nhiều mánh khóe, chiêu trò để vượt qua bước đánh giá kỹ thuật.

Một chuyên gia về đấu thầu cũng chỉ ra, nhà thầu Trung Quốc có nhiều “mẹo” trong tham dự thầu để làm “bài thi” đẹp. Ví dụ như một gói thầu của Dự án Nhiệt điện Hải Phòng 1, đấu thầu lần đầu, Tập đoàn Đông Phương của Trung Quốc bị loại vì không đủ kinh nghiệm, năng lực. Sau đó, khi đấu thầu lần 2, nhà thầu này đã liên danh với nhà thầu Marubeni (Nhật Bản) và trúng thầu. Tuy nhiên, phần lớn khối lượng công việc sau này là do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận, mặc dù khi tham gia đấu thầu, Nhà thầu Đông Phương “dựa hơi” nhà thầu Nhật Bản để được đánh giá là đạt năng lực, kinh nghiệm.

Mặt khác, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với chủ đầu tư, vì nhiều gói thầu chủ đầu tư “bật đèn xanh” cho nhà thầu Trung Quốc.

Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc quản lý nhà thầu Trung Quốc không quá khó, chỉ cần đưa ra điều kiện đầy đủ trong HSMT, đặc biệt là hợp đồng phải nêu rõ cách xử lý khi xảy ra tranh chấp, điều kiện bảo hành… HSMT nên kéo dài thời gian bảo hành vì nhiều nhà thầu Trung Quốc có “bài” công trình vừa hết bảo hành là hỏng hóc...

Ông Phong khuyến nghị, tốt nhất với những gói thầu này nên lập hội đồng đấu thầu độc lập, quá trình lựa chọn nhà thầu công bố thật công khai, từ HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu, nêu rõ các nhà thầu bị loại, vì sao bị loại, nhà thầu trúng thầu có ưu thế gì vượt trội. Trong quá trình thi công, nếu xảy ra sự cố phải công khai nguyên nhân dẫn đến sự cố, trách nhiệm cụ thể của từng bên, và đặc biệt phải công khai cách xử lý vi phạm đối với từng cá nhân... Nếu làm thật nghiêm, chắc chắn nhà thầu Trung Quốc nói riêng, các nhà thầu nói chung, sẽ phải thận trọng hơn.

Nguyệt Minh

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-thau/nha-thau-trung-quoc-lien-tiep-dinh-be-boi-25991.html