'Nhà Sơn Tinh' nơi Đất Mũi

Để thích ứng tình trạng biến đổi khí hậu, người dân vùng chót mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đang chuyển dần sang hướng xây dựng nhà kiên cố chân cao thoáng mát, tiện dụng. Mô hình nhà cao chân (dạng nhà chờ ven sông biển) chống ngập úng khi nước biển dâng và triều cường được người dân nơi đây gọi là 'Nhà Sơn Tinh'.

Thoáng mát, tiện dụng

Tuyến đường Hồ Chí Minh về tới Đất Mũi hoàn thành và đưa vào sử dụng thời gian qua đã làm thay đổi đời sống người dân nơi này. Nhiều công trình, nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh mọc lên nhanh chóng, trong đó rất nhiều ngôi nhà chân cao.

Ông Huỳnh Văn Tuôi (Sáu Tuôi), một người dân Đất Mũi thứ thiệt tâm đắc với mô hình nhà cao chân: “Ở Đất Mũi bây giờ, bà con xây nhà cao cẳng (chân), chắc chắn, tiện dụng, nói như mấy ông môi trường là thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”.

Nắng chang chang khiến con đường trải nhựa thẳng tắp xuyên qua rừng đước bạt ngàn ở ấp Đường Đào, thị trấn Rạch Gốc trở nên đen mướt nhựa đường, lấp loáng. Giữa đám đước, bên bờ rạch Ông Tà có một ngôi nhà cao chân mọc lên hình hài và đang được hoàn thiện. Vợ chồng chủ nhà mới ngoài 40 tuổi, niềm nở đón khách lạ. “Các anh ghé chơi hay tham quan mô hình nhà mới? Mấy tháng nay, nhiều người hỏi thăm xây nhà kiểu này lắm”.

Ngôi nhà cao chân ông Nguyễn Văn Chuẩn sắp hoàn thiện.

Ngôi nhà cao chân ông Nguyễn Văn Chuẩn sắp hoàn thiện.

Căn nhà rộng hơn 120 m2, đúc bằng bê-tông cốt thép, sàn cao khoảng 3 m và tầng trên giống như căn biệt thự với phòng khách, phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung. Chủ nhà, anh Nguyễn Văn Chuẩn cho biết căn nhà cao chân 2 tầng này chi phí xây dựng hết khoảng 800 triệu đồng.

“Bà con xứ này giờ xây nhà ở thường chọn kiểu nhà cao cẳng, vì ở thoáng mát, vừa chống triều cường giống như nhà vượt lũ ở vùng Đồng Tháp Mười”- anh Chuẩn nói. Ngoài ra, theo anh Chuẩn, việc xây nhà cao chân còn thuận tiện cho việc thi công. Thay vì giộng cừ, đổ móng, bó nền đổ đất, bơm cát, rồi xây như nhà truyền thống, thì với nhà cao chân chỉ dựng trụ, đổ sàn, xây nhà phía trên. Còn phía dưới để trống, sử dụng vào nhiều việc, từ sinh hoạt, tiếp khách đến sản xuất.

Chị Bùi Thị Tèo, vợ anh Chuẩn cho biết, nhà phía trên thường để dành cho 3 con học bài, đến tối vợ chồng mới lên nghỉ ngơi. “Vợ chồng tôi suốt ngày ở dưới đây cho tiện sinh hoạt, thu hoạch tôm, buôn bán, khách khứa… Bà con đến chơi toàn quanh quẩn dưới này, không mấy khi lên trên”- chị Tèo nói.

Cũng ven đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi, tại ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông (Ngọc Hiển) có một ngôi nhà cao chân trông khá bề thế. Chủ nhà sử dụng mặt đất giữ xe máy cho bà con ở kênh Xưởng Tiện, phần còn lại dùng mở quán cà phê, chứa vật tư nuôi thủy sản… Sàn nhà phía trên, chị Hót vợ anh Vũ Đình Cộng (41 tuổi) cùng mấy cô con gái chạy tới chạy lui kinh doanh cà phê, nước mía và sắp xếp xe cộ cho gọn gàng.

Chống triều cường, ngập úng

Chị Hót cho biết, vợ chồng chị ở Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng, Nam Định) vào Mũi Cà Mau định cư từ năm 2000 đến nay. Lúc đầu, vợ chồng sang lại 5 ha tôm-rừng với giá 17 cây vàng. Mới đây anh chị sang thêm 6,5 ha tôm-rừng. Theo chị Hót, vùng đất Viên An Đông là bãi bồi, lún rất nhanh.

“Hồi mới vô, vợ chồng tôi cất nhà sàn cao hơn mặt đất hơn 1 m. Ở chưa đầy 10 năm thì đã lún sát mặt nước rồi. Thấy vậy, vợ chồng tôi đóng móng bằng cừ tràm, đổ cột làm sàn, rồi cất nhà ở cao hơn mặt đất gần 3 m”. Cũng theo chị Hót, từ năm 2000 đến nay, triều cường mỗi ngày ngập sâu hơn vì đất lún. “Đây là vùng đất bãi bồi, khi cất nhà nặng, lớp đất lún nhanh hơn. Những tháng cuối năm, triều cường lên cao, ngập nhà cửa và ngập cả mặt đường mới mở”- chị Hót cho biết.

Nhà của bà Tô Thị Thảo vừa hoàn thành trụ móng.

Gia đình bà Tô Thị Thảo (61 tuổi, ơ ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc) cũng vừa xây xong dàn móng nhà cao chân và đang chuẩn bị đổ sàn. Anh Nguyễn Văn Quân, con rể bà Thảo vừa phụ làm hồ, vừa giúp mẹ quản lý, nói: “Đổ xong móng và trụ sàn mới hết 50 bao xi-măng.

Nhưng nếu làm nhà bình thường, riêng chuyện bó nền, lấp đất, đổ cát cũng hết trăm triệu đồng như chơi”. Bà Thảo chia sẻ: “Tôi tính kỹ rồi, căn nhà này còn phải làm nơi trú ẩn khi gió bão hay nước biển dâng. Ở xứ này, thường bị ngập, nhất là những tháng cuối năm, nước lên bì bõm hết trơn”.

Ông Lý Hoàng Tiến-Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển nói: “Chúng tôi thấy hiệu quả của nhà cao chân nên khuyến khích bà con đầu tư, vừa triển khai xây dựng các công trình đảm bảo có tầng, mái bê- tông chắc chắn để sử dụng và phòng khi triều cường”.

Ông Lê Thanh Phùng-Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi nói: “Tôi quán triệt với cán bộ phụ trách xây dựng rằng bà con đến xin phép xây dựng nhà thì gợi ý luôn xây dựng nhà cao chân. Khi được gợi ý, bà con rất đồng tình và cán bộ kỹ thuật xây dựng hướng dẫn bà con thiết kế nhà cao chân rất nhiệt tình”. Tuy chưa thống kê cụ thể, nhưng theo ông Huỳnh Công Trường-Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, những năm gần đây, tại xã này có đến khoảng 90% bà con chọn lựa xây dựng nhà cao chân.

Trụ sở xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) xây dựng chắc chắn, tầng trệt để xe, mái bê-tông.

Công sở cũng cao chân

Không chỉ nhà dân, nhiều công trình công cộng như trụ sở cơ quan, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng… ở huyện Ngọc Hiển cũng được tư vấn và thực hiện xây dựng kiên cố theo mô hình nhà cao chân chắc chắn và đa dụng, từ năm 2000 trở lại đây.

Ông Lê Thanh Phùng cho biết, chính quyền xã Đất Mũi không chỉ khuyến khích bà con xây dựng nhà cao chân, mà còn mạnh dạn đầu tư xây trụ sở sinh hoạt cộng đồng theo mô hình, thiết kế nhà cao chân. Tại xã Đất Mũi, trụ sở UBND xã và các đơn vị như Công an, Xã đội, trường học… đều được xây dựng theo mô hình nhà này. Hiện đã có 12/15 trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp xây được nhà cao chân ứng phó biến đổi khí hậu. 3 ấp còn lại chuẩn bị xây dựng theo mô hình này.

Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến cho rằng: “Cách xây dựng bây giờ rút tỉa từ trải nghiệm của bà con vùng đất ngập nước, chủ động thích ứng với nước dâng và lún sụp đất”. Ông cho biết, trụ sở UBND xã Viên An Đông được xây dựng từ năm 1997 (sau bão Linda), hiện đã lún 1,6 m so với ban đầu.

“Xây dựng trụ sở không tính đến sự lún đất thì chi phí nâng nền tiếp tục tăng cao trong quá trình sử dụng”- ông Tiến nói. Tại Bạc Liêu, mô hình nhà cao chân cũng đang được phát triển mạnh. Ông Lương Ngọc Lân-GĐ Sở NN&PTNT Bạc Liêu nói: “Chúng tôi khuyến khích bà con xây dựng nhà đúc, có tấm trên hệ thống trụ cao, vững chãi, chịu được gió cấp 9. Trước mắt, trụ sở cơ quan Nhà nước xây dựng nhà tầng, mái bê- tông để dự trù làm nơi trú ẩn cho bà con ven biển khi nước
biển dâng”.

“Nhà sàn bằng trụ đước, sàn gỗ đước ngày xưa nay đã được thay bằng nhà cao chân bê-tông chắc chắn, đa dụng. Đó là nét văn hóa mới trên nền truyền thống cũ của vùng đất rừng ngập nước Cà Mau bây giờ”.

Ông Huỳnh Văn Tuôi, lão ngư ở Rạch Gốc (Ngọc Hiển)

Rẻ, bền, đẹp

Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển: Nhà cao chân phù hợp với truyền thống nhà sàn trên vùng đất ngập mặn và thích ứng biến đổi khí hậu. Chúng tôi thấy xu hướng, mô hình xây dựng phù hợp, hiệu quả nên khuyến khích bà con khi xây dựng nhà mới nên xây dựng nhà cao chân cho chắc chắn, tiện dụng và phù hợp thực tế.

Về đồng vốn đối ứng, chúng tôi chưa tìm ra, chủ yếu động viên, gợi ý, hỗ trợ tư vấn bà con về bản vẽ, thiết kế. Về trách nhiệm xây dựng cơ bản cơ quan, trường học, nhà văn hóa…chúng tôi lập dự toán kinh phí xây dựng theo mô hình này để tăng khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, vùng đất ngập mặn như Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân… chúng tôi khuyến khích xây dựng nhà cao chân. Kinh phí xây dựng nhà cao rẻ hơn khá nhiều so với kiểu xây dựng đổ móng cột, bó nền, san lấp cát. Với giá hiện nay, mỗi khối cát ở chở về huyện Ngọc Hiển khoảng 300.000 đồng thì giải pháp xây dựng nhà cao chân là khôn ngoan, thông minh, rẻ, bền, đẹp.

Nguyễn Tiến Hưng

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/cong-nghe/nha-son-tinh-noi-dat-mui-1146281.tpo