Nhà sáng chế tàu ngầm bị nghi sát hại nữ phóng viên Thụy Điển

Peter Madsen là nhà sáng chế tài năng nhưng được mô tả là có tính khí nóng nảy, sẵn sàng nổi giận với đồng nghiệp.

Nhà sáng chế tàu ngầm Peter Madsen. Ảnh: AFP.

Cảnh sát Đan Mạch ngày 23/8 thông báo xác chết không đầu trôi dạt vào bờ biển nước này tối 21/8 có ADN trùng khớp với nữ nhà báo Thụy Điển Kim Wall. Phát hiện trên là "bước ngoặt quan trọng" đối với cuộc điều tra vụ mất tích bí ẩn của cô, được trình báo cách đây hai tuần, theo Fox News.

Kim Wall, 30 tuổi, biến mất sau khi lên tàu ngầm của nhà sáng chế Đan Mạch Peter Madsen để viết một câu chuyện về người đàn ông này hôm 10/8. Một ngày sau, bạn trai Kim Wall thông báo với cảnh sát rằng cô mất tích. Madsen sau đó bị bắt và khai không biết Wall ở đâu vì đã đưa cô trở lại đất liền ở gần cảng Copenhagen.

Tuy nhiên, Madsen, 46 tuổi, thay đổi lời khai hồi đầu tuần, nói Wall chết trên tàu ngầm của ông do tai nạn và ông đã vứt xác cô xuống biển. Madsen hiện bị buộc tội ngộ sát, cảnh sát Copenhagen thông báo.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, thi thể không toàn vẹn của Wall bị buộc vào một tấm kim loại, "dường như nhằm làm cho nó chìm". Thi thể dường như bị đâm nhiều nhát để đẩy không khí ra ngoài. Đầu, chân và tay của Wall có dấu hiệu "bị cố ý chặt đứt".

Sinh năm 1971, Madsen từng sống cùng cha và ba anh em trai tại một thị trấn nhỏ bên bờ biển đảo Zealand, Đan Mạch. Madsen từng kể với một người viết tiểu sử rằng cha ông ta có xu hướng bạo hành con cái.

Madsen sớm bộc lộ đam mê với khoa học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 15 tuổi, Madsen từng phóng thành công tên lửa tự chế từ sân trường, theo cuốn tiểu sử "Madsen Tên lửa: Phi hành gia tự thân của Đan Mạch" do tác giả Thomas Djursing viết.

"Tôi luôn thích ý tưởng một quả tên lửa được vũ trang tối đa đứng lừng lững phía sau trường học", Madsen nói với người viết tiểu sử. "Những năm tháng đi học là quãng thời gian tôi chủ yếu chỉ nhìn vào đồng hồ và đếm ngược".

Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Madsen bắt đầu theo học chuyên ngành kỹ sư tại đại học nhưng không thể hoàn thành chương trình. Với tầm nhìn đầy tham vọng trong lĩnh vực khoa học cùng những phát minh sáng tạo, Madsen nhanh chóng trở nên nổi tiếng, được nhiều nhà đầu tư, tình nguyện viên ủng hộ.

Sự nghiệp khoa học

Chiếc tàu ngầm UC3 Nautilus của Madsen tại cảng Copenhagen. Ảnh: New York Times

Năm 2008, Madsen đồng sáng lập nên Copenhagen Suborbitals, một công ty thăm dò không gian nghiệp dư với khoảng 55 thành viên. Tuy nhiên, vì xích mích với đồng nghiệp, Madsen rời khỏi công ty và tiếp tục công việc một mình.

Trong cuốn tiểu sử, Djursing miêu tả Madsen là một người luôn đơn độc, có tính khí nóng nảy, sẵn sàng nổi giận với những kỹ sư hợp tác với mình.

Madsen bắt đầu cho ra đời các mẫu tàu ngầm tự chế từ năm 2002, nhưng ông ta chỉ cho phép người khác viếng thăm chiếc tàu ngầm thứ ba và chiếc mới nhất, UC3 Nautilus. Đây là tàu ngầm do tư nhân chế tạo lớn nhất trên thế giới, cũng là nơi cuối cùng Kim Wall đặt chân đến trước khi biến mất.

Bạn bè và các đồng nghiệp nhận xét Madsen "độc đáo" nhưng "không phải người quảng giao".

Những tên lửa đầu tiên Madsen phóng thành công vào vũ trụ là kết quả của mối hợp tác giữa ông với cựu kỹ sư Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Kristian von Bengtson. Nhưng hai người đã tách ra làm việc riêng sau một cuộc tranh cãi nảy lửa hồi năm 2014. Madsen tự mình khởi động dự án không gian riêng mang tên RLM Space Lab.

"Tôi hoàn toàn nhận thức được tính khí của tôi là nguyên nhân khiến Kristian từ bỏ và tôi lấy làm việc vì mọi chuyện đi đến nước này", Madsen lúc bấy giờ cho biết.

Madsen còn xảy ra tranh cãi với 25 tình nguyện viên hợp tác cùng ông trong dự án chế tạo tàu ngầm Nautilus. Sau cuộc xung đột hồi năm 2015, hội đồng chịu trách nhiệm quản lý con tàu chuyển quyền sở hữu nó cho Madsen.

Madsen khi ấy gửi tin nhắn tới các thành viên hội đồng và nói rằng "con tàu Nautilus bị nguyền rủa".

"Lời nguyền ấy chính là tôi. Không thể có yên bình trên tàu Nautilus nếu tôi còn tồn tại", Madsen viết. "Các người sẽ không bao giờ có cảm giác yên ả bên trong con tàu... và đừng hất thêm máu vào nó nữa".

Madsen cũng thừa nhận ông thích làm việc đơn độc. "Tôi là người ưa làm việc một mình. Đó là điểm mạnh của tính độc đoán", Madsen hồi năm 2014 nói.

Theo VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/nha-sang-che-tau-ngam-bi-nghi-sat-hai-nu-phong-vien-thuy-dien-217881/