Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn: Trăm sự chỉ vì chữ 'vội'!

“Hiện đại hóa làm nảy sinh bao bi hài kịch về tâm lý con người, trong đó có chuyện chúng ta “vội”. Vội chen lấn, vội thăng tiến, vội mưu sinh, vội like, vội share, vội chỉ trích, lại cả vội tha thứ… - trăm nghìn kiểu “vội”! Sập cầu, nổ bom, quấy rối tình dục (không từ cả trẻ em)… - cũng là từ chữ “vội” ấy mà ra cả chứ đâu!” - Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn chia sẻ với “Buffet cuối tuần” về “Những chấn thương tâm lý hiện đại”, cũng là tên cuốn sách vừa xuất bản của ông.

“Chấp nhận đôi khi giúp tránh được tổn thương”

Thật ra, lúc này mà còn gọi ông là nhà phê bình văn học thì vẻ như không được chính xác lắm nhỉ?

- Đúng là, trong khoảng 8 năm trở lại đây, kể từ ngày nghỉ hưu, có thời gian đi đây đi đó, sống chậm hơn, ngắm nhìn thời cuộc nhiều hơn nên sự quan tâm của tôi dần ngả về phía những vấn đề văn hóa xã hội, chứ không chỉ gói gọn trong trang sách, đời sống văn học, chân dung các nhà văn… như trước đây nữa. Một phần có thể là do sau hàng chục năm làm nghề, “ông già về hưu” ấy đã đến hồi cạn vốn nên buộc phải mở rộng trường quan sát của mình hơn, nếu như còn muốn tiếp tục cầm bút và cầm bút có trách nhiệm, để đối thoại với bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ hôm nay, những người bạn của tôi trên FB...

Tuy nhiên, cũng lại phải là một nhà phê bình văn học, có một bề dày quan sát, nghiên cứu lâu năm thì mới có thể đưa ra những liên hệ, soi chiếu độc đáo giữa những vấn đề hôm nay với những câu chuyện, những khảo cứu… đã từng được các lớp nhà văn đi trước kể lại trên trang sách?

- Có những liên tưởng đến một cách tự nhiên, cũng có những cái cần tìm tòi, khảo cứu, theo kiểu “nói có sách, mách có chứng”. Âu cũng là một cách “tựa lưng” vào những giá trị chưa bao giờ cũ như văn học tiền chiến, văn học Nga Xô viết…; những Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải… và cả những F.Dostoievski, A.Tchekhov, Lỗ Tấn... để rọi vào những vấn đề của cuộc sống hôm nay.

Bằng cách soi rọi đó, “Những chấn thương tâm lý hiện đại” kể từ lần in đầu tiên vào năm 2009 có thể nói là đã ít nhiều đưa ra được một số dự báo, cảnh báo mà cho đến hôm nay vẫn còn là những vấn đề nổi cộm. Lần ra được sợi dây liên hệ giữa cái hôm nay và hôm qua hẳn cũng là một cách giúp chúng ta bớt đi được cảm giác hoang mang thái quá trước những biến chuyển của thời cuộc và lòng người.

Là một nhà phê bình văn học, nhưng từng học giỏi các môn khoa học tự nhiên nên ít nhiều trong cách nghĩ, cách viết của tôi cũng có phần được dung hòa hơn giữa hai thế mạnh. Đọc “Những chấn thương tâm lý hiện đại”, đôi lúc bạn cảm thấy như có hai người đang “cãi nhau” trong cách nhìn nhận một vấn đề thì đó chính là hai con người ấy. Nếu không có cái nền tư duy hiện đại, giàu tính phản biện ấy, hẳn là tôi đã không có được độ “mềm” của tư duy như trong những trang viết gần đây. Một độ mềm đủ để không nhìn mọi việc bằng con mắt quá bi quan, cay nghiệt, cũng không đến mức “lạc quan tếu”.

Đại loại: Ở hiền chưa chắc đã gặp lành; một “nhân” có thể sinh ra nhiều “quả”, lại cũng có khi nhiều “nhân” lại chỉ sinh được một “quả”… Chấp nhận những điều không dễ gì chấp nhận đó, đôi khi cũng là một cách để chúng ta tránh được phần nào những tổn thương trong đời sống hiện đại.

“Người nghèo mưu sinh, người giàu… sinh mưu”

Từng là biên tập viên NXB, chứng kiến quy trình gồm nhiều công đoạn để xuất bản một cuốn sách, và sau đó là một ông già sành blog, Facebook, có thể tự xuất bản những bài viết của mình một cách nhanh nhất, ông nghĩ sao về bạn đọc trẻ hôm nay?

- Nhiều người già tỏ ra bi quan về lớp trẻ hôm nay nhưng tôi thì không. Tôi thậm chí còn đánh giá rất cao các bạn đọc trẻ của mình và không hề nghĩ họ hời hợt, trong cách họ giao lưu với tôi tại hội chợ sách mới đây, hay trước giờ, trên FB, blog… Nếu văn hóa đọc của giới trẻ hôm nay bị cho là có vấn đề thì tôi nghĩ lỗi trước hết và trên hết phải là ở người viết. Còn nếu như cách viết, cách đặt vấn đề của bạn gần gũi với người trẻ thì chắc chắn họ sẽ đối thoại với bạn một cách rất nghiêm túc và sâu sắc hơn bạn có thể tưởng tượng nhiều. Điều thú vị nhất của việc tự xuất bản một bài viết hay một cuốn sách trên mạng, đấy là được tương tác, đối thoại rất sôi nổi, “kịch tính” với các bạn đọc trẻ.

Tôi tưởng từ “Vội” - một trong những căn bệnh của thời hiện đại mà ông chỉ ra trong cuốn sách là để nhằm vào người trẻ?

- Đâu phải chỉ mỗi người trẻ. Bao người trong chúng ta đều đang “vội” cả đấy thôi! Hiện đại hóa làm nảy sinh bao bi hài kịch về tâm lý con người, trong đó có chuyện chúng ta “vội”. Vội chen lấn, vội thăng tiến, vội mưu sinh, vội chiếm đoạt (tình yêu hay của cải), vội thay lòng đổi dạ, vội like, vội share, vội phê phán, chỉ trích; lại cả vội tha thứ, bỏ qua nữa… - trăm nghìn kiểu “vội”! Sập cầu, nổ bom, quấy rối tình dục (không từ cả trẻ em)… - cũng là từ chữ “vội” ấy mà ra cả chứ đâu! Người nghèo chết vì mưu sinh, người giàu chết vì… “sinh mưu” - nhiều khi là thế. Đến lành hiền như nông thôn mà giờ cũng nhiều chuyện tan nát lắm: Vợ chồng bỏ nhau dễ dàng, con gái mới lớn giờ nghe từ “ngàn vàng” như chuyện của ai, không liên quan...

Những chuyển động bất quy tắc (trong đó có cả quy tắc đạo đức) đang khiến xã hội trở nên hỗn loạn, nhốn nháo, thiếu quy hoạch, thiếu phép tắc… và đáng lo ngại nhất, là những hỗn loạn trong đời sống tâm lý của mỗi chúng ta, đặc biệt là những người trẻ có sức đề kháng thấp. Sự hỗn loạn là tất yếu, nếu như ngày càng có thêm nhiều người cho rằng: Chỉ có những điều không làm được, còn thì không có những điều không được làm, và cùng đó, là những mục tiêu ngắn hạn, trước mắt, hoặc được chăng hay chớ, hoặc bằng mọi giá. Nhiều người trong chúng ta gần như không biết đến sự tồn tại của khái niệm “lý tưởng sống” mà chỉ đơn giản là có lối thoát hay không có lối thoát, được hay mất...

Chúng ta (trong đó có không ít người nổi tiếng) thường nói rất nhiều, nhưng vấn đề là liệu có làm được điều gì tử tế cho cộng đồng… Hoặc có kiệm lời, thì cũng chẳng qua là vì đang cắm mặt vào cái điện thoại và cắm cúi “còm”, like…, không cần biết đến sự tồn tại của người bên cạnh, kể cả là những người cùng nhà, ngay trong một bữa cơm…

Ông đừng bi quan thế chứ! Tôi biết ông mê thơ Lưu Quang Vũ, có cách nào để vừa ghét mà cũng vừa “yêu quá đời này” được không?

- Thì đúng là Lưu Quang Vũ cũng từng hỏi thế mà: “Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi/ Về cuộc đời ghê gớm ta yêu”. Và chính anh cũng nói: “Hãy bình tĩnh, bình tĩnh/ Những khuôn mặt những vòng xoáy những đám mây/ Sẽ hiểu được sẽ không còn đáng sợ/ Chúng ta sẽ chịu được khổ đau sẽ làm việc/ Đóng một cái đinh treo một tấm áo/ Và yêu nhau dưới một ngọn đèn…”.

Vâng, rốt cuộc vẫn là không nên “vội”! Cảm ơn ông.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/nha-phe-binh-van-hoc-vuong-tri-nhan-tram-su-chi-vi-chu-voi-536163.bld