Nhà ở cho công nhân: Cung chưa đủ cầu

KTĐT - Đến thăm khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh), tôi không khỏi ngỡ ngàng. Các tòa chung cư năm tầng khang trang, sạch sẽ được các công nhân ví von "đẹp như khách sạn" quả không sai. Các tòa nhà này được đưa vào sử dụng, chủ yếu dành cho các nữ công nhân làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, đã phần nào giải quyết nhu cầu nhà ở cấp bách của một bộ phận công nhân làm việc tại các khu công nghiệp.

"Khách sạn" công nhân Gặp vệ sỹ Nguyễn Thị Phương (bảo vệ tòa nhà của Cty TNHH Nissei Electric Hà Nội) và Nguyễn Thị Lan (công nhân Cty TNHH Hoya Glass Dick) ở một góc tòa nhà D4, chung cư dành cho công nhân tại xã Kim Chung, chúng tôi làm quen và chuyện trò vui vẻ. Nguyễn Thị Lan cho biết, cô tốt nghiệp hệ cao đẳng thuộc Đại học Công nghiệp Hà Nội và làm công nhân Cty TNHH Hoya Glass Dick ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã được 3 năm. Khi ký hợp đồng chính thức với công ty cũng là lúc Lan được bố trí ở trong chung cư dành cho công nhân tại xã Kim Chung. Tòa nhà D4 bố trí cho 6 công nhân ở trong một căn hộ nhưng phòng của Lan lại chỉ có 3 người nên khá rộng rãi, thoải mái. Mỗi căn hộ rộng khoảng 25 - 30m2, có những đồ đạc tiện nghi tối thiểu. Công nhân ở tại chung cư này hầu như không mất một chi phí nào, từ tiền nhà ở, tiền điện, tiền nước. Ai không có nhu cầu ở trong chung cư, sẽ được công ty hỗ trợ tiền nhà ở, khoảng 120.000 - 150.000 đồng/tháng. Cũng có công ty thu tiền nhà của công nhân như Cty TNHH Canon Việt Nam nhưng với giá rất rẻ, khoảng 40.000 - 50.000 đồng/người /tháng. Khi tôi hỏi về cuộc sống, sinh hoạt của công nhân tại chung cư, Lan mỉm cười và miêu tả về cuộc sống ở đây gói gọn trong ba từ "sướng như tiên". Tôi cảm thấy sự mãn nguyện của cô gái 25 tuổi người Thái Nguyên khi sống ở nơi đây. Vệ sỹ Nguyễn Thị Phương (23 tuổi, quê ở huyện Chương Mỹ) cũng đồng tình với nhận xét đó của Lan. Phương đã làm bảo vệ tại khu chung cư này được 4 năm, trong đó có 3 năm làm cho Cty TNHH Hoya Glass Dick và hiện đang làm bảo vệ cho Cty TNHH Nissei Electric Hà Nội. Là vệ sỹ nên Phương phải thuê trọ ở ngoài, và hàng ngày đến chung cư làm việc. "Em cũng phải đi thuê nhà ở ngoài, lại sâu sát với cuộc sống của các công nhân ở chung cư, nên em thấy cuộc sống ở đây thật sự như mơ", Phương ví von. 6 nữ công nhân ở phòng phòng 313 (tòa nhà D4 dành cho công nhân Cty TNHH Nissei Electric Hà Nội) đều có tuổi đời rất trẻ, nhiều nhất là 24 tuổi, còn lại ở độ tuổi 18 - 19. Mỗi người một quê, nhưng đều có chung sự phấn khởi và yêu thích cuộc sống ở đây. Theo họ, cuộc sống nơi đây "nhiều màu sắc", vừa được bảo vệ kiểm soát chặt chẽ nhưng lại được công ty tạo điều kiện tham gia các chương trình thư giãn, giải trí như học cắm hoa, tỉa hoa quả, xem phim ở hội trường hay được công ty tổ chức sinh nhật. Nói việc sinh hoạt, ăn ở trong chung cư dành cho công nhân sướng như "khách sạn" quả không ngoa. An ninh được bảo đảm Hiện có năm doanh nghiệp lớn đang thuê nhà cho công nhân tại khu chung cư này là Cty TNHH Canon Việt Nam, Cty TNHH Nissei Electric Hà Nội, Cty TNHH Hoya Glass Dick, Cty TNHH Panasonic Việt Nam và Cty Khu công nghiệp Thăng Long. Canon là công ty thuê nhiều tòa nhà nhất ở đây. Đa số các công ty đều trang bị các đồ dùng cá nhân cho công nhân. Một số công ty còn trang bị thêm máy giặt, tivi, bình nóng lạnh. Tại tòa nhà D4, mỗi tầng có thêm một phòng rộng làm nhà bếp, vừa là nơi xem tivi và mỗi tòa nhà có 1-2 phòng tiếp khách, kiêm luôn chức năng phòng ở dành cho bố mẹ công nhân có nhu cầu ở lại, nhưng không quá 2 đêm. Dẫu hệ thống hàng rào bao quanh chung cư chưa được xây dựng, còn những công trường kế bên, nhưng an ninh trật tự tại đây được đảm bảo. Không chỉ có bảo vệ của Xí nghiệp Quản lý & Phát triển nhà ở xã hội - Cty TNHH MTV Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội, mà các công ty thuê còn thuê vệ sỹ bảo vệ 24/24 giờ trong ngày. Vào các ngày thường chỉ có người thân của công nhân như bố mẹ, anh chị em ruột mới được phép vào thăm. Chỉ vào các ngày nghỉ thì mới được phép đưa người yêu lên phòng, sau khi đăng ký với bảo vệ của tòa nhà và chỉ trong 2 tiếng đồng hồ. Mô hình cần nhân rộng Có thể nói xây dựng nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung là một chủ trương đúng đắn của TP Hà Nội nhằm cung cấp chỗ ở cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Từ tháng 12/2007 đến hết năm 2010 đã có 18 đơn nguyên nhà gồm hơn 800 phòng ở, phục vụ chỗ ở cho khoảng 6.820 công nhân lao động, với tổng diện tích sàn xây dựng đạt gần 77.150m2 hoàn thành và cho thuê. Thế nhưng, không phải tất cả các công nhân ở các khu công nghiệp Bắc Thăng Long đều có thể được vào thuê nhà ở đây. Tiền lương của công nhân không cao, tiền thuê nhà, điện, nước cũng chiếm tỷ lệ kha khá. Phan Thị Hiền, quê ở Nghệ An cho biết, vì mới vào thử việc nên em không thuộc đối tượng được xếp vào ở trong chung cư. Cũng có nhiều công nhân đã được ký hợp đồng chính thức, nhưng quỹ phòng ở mà công ty thuê đã hết nên cũng phải thuê trọ ở ngoài. Rất nhiều công nhân làm việc ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long tha thiết muốn ở trong chung cư dành cho công nhân nhưng không được vì các công ty mà họ đang làm việc không thuê ở đó. "Không hiểu là công ty không muốn thuê chung cư dành cho công nhân hay là chưa được thuê", một công nhân làm việc cho Cty Yamaha phân vân. Dự án nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung là dự án thí điểm đầu tiên của Hà Nội nhằm cung cấp chỗ ở thuê trọ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Trong năm nay, khu nhà ở được bổ sung thêm lô N01 đơn nguyên 1 gồm 48 phòng ở, có gần 340 chỗ ở thuê. Trước đó, các đơn nguyên từ 2 - 6 thuộc lô N01 gồm gần 260 phòng ở, cung cấp gần 2.020 chỗ ở thuê cũng đã được bàn giao, nâng tổng số phòng thuê trong những tháng đầu năm nay lên gần 310 phòng ở, hơn 2.350 chỗ ở thuê. Hồng Thái

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=47&newsid=298793