Nhà nước vẫn nắm giữ phần lớn vốn sau cổ phần hóa

Hệ thống doanh nghiệp Nhà nước đã và đang được đổi mới, sắp xếp, thu gọn, từ gần 1.500 DNNN năm 2010, chỉ còn 652 DN vào cuối 2015, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, công ích, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa cũng được đánh giá là chưa thành công, khi tỷ lệ vốn bán ra ngoài còn rất thấp.

Báo cáo mới nhất về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) của Chính phủ cho biết: Đến nay, hệ thống DNNN đã và đang được đổi mới, sắp xếp, thu gọn, từ gần 1.500 DNNN năm 2010, chỉ còn 652 DN vào cuối 2015, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, công ích, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa cũng được đánh giá là chưa thành công, khi tỷ lệ vốn bán ra ngoài còn rất thấp.

Thu nhập bình quân của người lao động tăng 33% sau cổ phần hóa

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2011 – 2015, cả nước đã cổ phần hóa (CPH) 508 DN với tổng giá trị thực tế là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được phê duyệt của 508 DN là 197.217 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 128.031 tỷ đồng (65%); tỷ lệ bán công khai chỉ đạt 16,7% (32.931 tỷ đồng). Trong 9 tháng năm 2016, đã có thêm 49 DN được phê duyệt phương án CPH.

Trong số 557 DN được phê duyệt phương án CPH cho đến nay, đã có 426 DN triển khai xong việc bán cổ phần lần đầu, trong đó 254 DN bán cổ phần theo phương án được duyệt, còn 172 DN không bán được toàn bộ số cổ phần theo phương án. Tổng giá trị cổ phần bán ra (tính theo mệnh giá) là 34.911 tỷ đồng, thu được 43.475 tỷ đồng, chênh lệch tăng 8.563 tỷ đồng. Các DN còn lại đang tiến hành các bước để bán cổ phần lần đầu.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là DN Nhà nước vẫn nắm giữ phần lớn cổ phần.

Sau khi bán cổ phần lần đầu, tổng giá trị vốn điều lệ của 426 DN là 184.254 tỷ đồng (giảm 1.530 tỷ đồng so với số vốn điều lệ theo phương án CPH đã được duyệt), trong đó Nhà nước tiếp tục nắm giữ 149.342 tỷ đồng (chiếm 81,1% vốn điều lệ); các nhà đầu tư khác nắm giữ qua việc bán đấu giá công khai 17.281 tỷ đồng (chiếm 9,4% vốn điều lệ). Tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước còn rất cao là một yếu tố được đánh giá là CPH không thành công, bởi chưa làm thay đổi được về bản chất phương thức quản trị của DN.

Ngoài việc giảm đáng kể số lượng DNNN, CPH cũng góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Hiện nay, đa số các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán là các công ty cổ phần được chuyển đổi từ DN nhà nước (khoảng 450/700 DN niêm yết). Phương thức quản lý, quản trị tại DN đã được tái cấu trúc qua quá trình CPH.

Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đã nâng cao tính công khai, minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các DN, tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của DN. Phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán đã làm tăng khả năng huy động vốn, mở rộng thị trường.

Tiếp tục thu hẹp các lĩnh vực nhà nước nắm 100% vốn

Tuy vậy, tiến độ CPH được nhận định là quá chậm và không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tỷ lệ vốn Nhà nước còn cao, do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp. Mặt khác, số lượng DN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối còn lớn, nên làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư, là rào cản của quá trình đổi mới quản trị DN.

Chính phủ cho rằng, cơ chế cổ phần hóa DN nhà nước hiện nay đã bộc lộ một số điểm cần phải hoàn thiện, như tăng cường kiểm tra, giám sát các DN 100% vốn thuộc các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, rà soát lại cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược tránh lợi dụng (đặc biệt là hạn chế phương thức bán thỏa thuận), rà soát việc xác định giá trị đất đai trong DN CPH cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2013; việc thoái vốn nhà nước ở các DN đã CPH có gắn với quyền sử dụng đất cần phải được điều chỉnh, hoàn thiện để tránh thất thoát vốn nhà nước.

Giai đoạn 2016-2020, quá trình CPH DNNN sẽ tiếp tục được triển khai quyết liệt, đối tượng được mở rộng tới các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước lớn, đòi hỏi phải có các cơ chế hướng dẫn phù hợp nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị DN.

Nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước, việc tổ chức định giá phải sát với giá thị trường, tiếp tục bán cổ phần công khai, minh bạch, gắn quá trình CPH với quá trình phát triển của thị trường chứng khoán và thu hút các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, góp phần đổi mới quản trị DN, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DN sau CPH.

Được biết, nhiều chính sách sẽ được hoàn thiện như tiêu chí phân loại DN nhà nước, DN có vốn nhà nước và danh mục DN nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 theo hướng thu hẹp lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn; thực hiện CPH toàn bộ các DN còn lại; hoàn thiện cơ chế về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; tiếp tục hướng dẫn việc sắp xếp, xác định giá trị quyền sử dụng đất trong DN CPH; hoàn thiện cơ chế về hoạt động của DN nhà nước, tăng cường minh bạch báo cáo tài chính, thông tin tài chính, kinh doanh, điều hành tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước...

Báo cáo của Chính phủ cho biết: Hiện Nhà nước vẫn nắm giữ trên 90% vốn điều lệ ở 70 DN Nhà nước, bao gồm 15 tập đoàn và tổng công ty, trong đó có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Nhà nước nắm 94,99%), Tổng Công ty Thép Việt Nam (Nhà nước nắm 93,6%), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Nhà nước nắm 95,5%), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (Nhà nước nắm 92,5%),

Tổng Công ty Lilama (Nhà nước nắm 98%), Tổng Công ty Viglacera (Nhà nước nắm 93%). Có 82 DN Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 96 DN Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 156 DN Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ; 22 DN CPH cùng công ty mẹ.

Nam Phương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/nha-nuoc-van-nam-giu-phan-lon-von-sau-co-phan-hoa-413833/