Nhà nước chỉ quy định giá bán điện bình quân

(CL)- Quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước” là nội dung quan trọng của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Ảnh minh họa (Nguồn: nhandan)

Chiều 17/4, tiếp tục phiên họp lần thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Luật Điện lực đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 3/12/2004, có hiệu lực từ ngày 1/7/2005, là hành lang pháp lý quan trọng trong hoạt động của ngành điện lực. Qua gần 7 năm thực hiện, việc thi hành Luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng đã bộc lộ nhưng bất cập không phù hợp với các mục tiêu phát triển, phương thức quản lý, điều hành của ngành điện trong điều kiện hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực là cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động điện lực, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hạ tầng điện lực và bảo đảm an ninh năng lượng.

Về giá điện, theo Tờ trình dự án luật, hiện giá bán điện đang thấp hơn so với giá thành sản xuất kinh doanh, nếu tính đầy đủ các yếu tố đầu vào. Vì vậy, chưa khuyến khích đầu tư vào ngành điện.

Do đó, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”, bổ sung thêm vào khoản 1a Điều 29 Luật Điện lực.

Để bảo đảm cho giá bán điện được điểu chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Đồng thời vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện - loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân cả nước.

Ngoài ra, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng việc giao Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá bán lẻ như luật hiện hành không còn phù hợp, bởi theo cơ chế thị trường thì giá điện luôn biến động. Do đó đề nghị sửa đổi khoản 1 và 2 Điều 31 theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân...

Chủ nhiệm UB TCNS Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải làm rõ Nhà nước điều tiết bằng công cụ gì hay là công cụ hành chính.

Theo dự thảo, cơ sở để căn cứ lập, điều chỉnh giá điện là Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm của đơn vị điện lực. Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá bán buôn điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các loại phí (phí điều độ, vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện).

Thường trực Ủy ban KHCN&MT cho rằng, cần làm rõ quy định về kiểm toán độc lập hay kiểm toán nhà nước khi tham gia kiểm toán các đơn vị điện lực. Mặt khác, cần có sự giám sát của cơ quan chức năng ở các khâu truyền tải, phân phối điện, nhằm bảo đảm mức giá điện phù hợp với khả năng chi trả của đa số khách hàng sử dụng điện. Cơ cấu giá điện phải được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch hơn trong Dự thảo Luật để làm cơ sở tính toán, kiểm tra, giám sát.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ quy định liên quan đến quy hoạch phát triển điện lực cấp huyện, vì quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh đã bao hàm quy hoạch điện lực cấp huyện và sự hạn chế về năng lực xây dựng, thẩm định quy hoạch của cán bộ chuyên ngành cấp huyện. Tuy nhiên, cần lưu ý việc quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch trong đó có nội dung đầu tư mạng lưới phân phối và truyền tải điện trong phạm vi các huyện.

Dự thảo bổ sung thêm phí điều tiết hoạt động điện lực. Theo đó, phí điều tiết hoạt động điện lực là khoản thu để bù đắp chi phí cho công tác điều tiết các hoạt động điện lực, được thu hàng năm và xác định trên quy mô phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, kinh doanh mua bán điện năng của đơn vị điện lực; mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng do Chính phủ quy định.

Một trong những lý do được đưa ra để thu phí này là, hiện nay, Cục Tần số vô tuyến điện và Cục Viễn thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) bù đắp nguồn kinh phí hoạt động. Đây là những cơ quan có hoạt động tương tự như cơ quan điều tiết điện lực và cũng đã được phép thu phí sử dụng tần số vô tuyến điện, phí quyền hoạt động viễn thông.

Minh Phạm (Tổng hợp)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/Thoisu/2012/4/1FE3CE5000E0CB3A/