Nhà nước bồi thường: Thực thi không đơn giản

Trong buổi thảo luận tại Tổ về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chiều 27/10, các đại biểu Quốc hội cho rằng bồi thường là một nội dung đã được hiến định nhưng để tổ chức thực hiện trong thực tiễn là không đơn giản.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước đó, vào sáng 27/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình trước Quốc hội báo cáo soạn thảo dự án Luật này. Theo đó, dự án đã kế thừa và sửa đổi các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2009, bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015...

Đại biểu Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM cho rằng phạm vi của dự án Luật chưa đầy đủ, chưa bao quát các lĩnh vực được bồi thường, trong khi các luật dân sự đều quy định việc bồi thường mà không được đưa vào dự án Luật này.

Trong khi đó, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình thì cho rằng: “Dự thảo Luật quy định thêm việc bồi thường đối với cả quyết định hành chính gây oan sai, chúng ta chưa có kinh nghiệm, thực hiện rất khó khăn”.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, lĩnh vực hình sự đã có kinh nghiệm thực hiện bồi thường oan sai nhiều năm nay rồi mà vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Qua theo dõi, ông Bình thấy việc bồi thường mấy vụ án oan sai vừa qua được thực hiện theo kiểu nào cũng đều bị dư luận lên án.

Ông Nguyễn Hòa Bình lý giải rõ hơn: “Nếu bồi thường theo đúng hướng dẫn luật của Bộ Tài chính thì người đòi bồi thường phải có chứng cứ, giấy tờ xác nhận chi tiêu việc nọ việc kia. Nếu kê theo quy định thì tiền bồi thường không có bao nhiêu cả, như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. Dư luận lúc đó sẽ đặt ra câu hỏi là tại sao mười mấy năm lại chỉ có bấy nhiêu? Còn nếu vận dụng số tiền quá nhiều, cũng có luồng dư luận khác lên án, tại sao tiền của Nhà nước lại bị mất nhiều thế, ví dụ như vụ ông Chấn”.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng có những khoản chi của người đòi bồi thường không thể nào định lượng được bằng “hóa đơn, chứng từ” như thiệt hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần nên lại có chuyện tùy nghi trong vận dụng quyết định khối lượng đền bù. Do vậy theo ông Bình: “Các cơ quan thi hành bị đặt vào tình thế cực kỳ khó khăn”.

Do đó, quay trở lại phạm vi của dự án Luật, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng: “Riêng bồi thường trong lĩnh vực hình sự khó như thế, giờ bổ sung cả bồi thường trong lĩnh vực hành chính, dân sự nữa thì sẽ hết sức khó khăn” và “Phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn chuyện này”.

Dự án Luật cũng quy định nội dung về cơ quan giải quyết bồi thường của Nhà nước. Về nội dung này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định cơ quan nào ra quyết định gây oan sai thì phải đứng ra bồi thường. Theo đại biểu Dương Ngọc Hải (TPHCM), việc này “thuận tiện vì cơ quan gây oan sai đã từng thụ lý vụ việc nên nắm rõ hơn, tiến hành bồi thường thuận lợi hơn. Không nên giao cho cơ quan mới làm trách nhiệm bồi thường, sẽ mất thời gian nghiên cứu lại hồ sơ”.

Dự thảo Luật đã sửa đổi nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại theo hướng trong mọi trường hợp đều phải hoàn trả, quy định cụ thể việc xác định mức hoàn trả căn cứ vào lỗi, mức độ lỗi, số tiền Nhà nước đã bồi thường. Đặc biệt, dự thảo Luật đã quy định tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại; bổ sung quy định về các trường hợp được xét giảm mức hoàn trả, trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong một số trường hợp cụ thể, xử lý tiền đã hoàn trả, trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường không còn là căn cứ yêu cầu bồi thường. Đồng thời, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả.

Với quy định này, cơ quan soạn thảo cho rằng sẽ nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, bảo đảm tính răn đe nhưng cũng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của bộ máy Nhà nước, hoàn trả lại một phần kinh phí mà Nhà nước đã bồi thường.

Về nội dung này, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc hoàn trả của cán bộ gây oan sai cũng chưa rõ ràng. Ông đề nghị cần phải quy định cụ thể: “Khi xử lý ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra phải xin lỗi và điều tra viên phải bị xử lý, phạt tiền. Nếu ở giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát phải xin lỗi và bồi thường, nhưng xử lý kỷ luật thì phải cả điều tra viên và kiểm sát viên cùng chịu. Đến giai đoạn xét xử, tòa phải xin lỗi, bồi thường nhưng xử lý kỷ luật là phải xử lý cả 3 cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và cả 3 phải bồi thường, không vô can. Chúng tôi đã đề nghị chi tiết này nhưng dự thảo chưa đề cập”.

Đối với quy định người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì mức hoàn trả từ 30 đến 50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa không quá 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường, ông Bình nêu trường hợp những người gây nên vụ án oán ông Nguyễn Thanh Chấn (sau nhiều năm mới phát hiện ra án oan) nay đã về hưu hoặc đã chết, giờ lại đặt ra câu chuyện trừ tiền lương hưu thì “cơ quan soạn thảo đã cân nhắc kỹ chưa, đẩy người ta đến chỗ không còn gì để sống?”. Ông Bình cho rằng các quy định này cũng có vấn đề, dù chưa có giải pháp rõ ràng cho việc này.

Về kinh phí bồi thường, dự thảo Luật quy định lấy từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị nên làm theo kinh nghiệm của quốc tế khi lập ra Quỹ bồi thường thu lại từ các khoản thu do phạm tội mà có như buôn lậu, hối lộ… để tiếp tục đấu tranh phòng, chống tội phạm, chi trả bồi thường, tránh mang tiếng là “lấy tiền thuế của dân để chi trả cho việc làm sai của cơ quan Nhà nước”.

Thành Chung

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/phap-luat/nha-nuoc-boi-thuong-thuc-thi-khong-don-gian/290106.vgp