Nhà nghiên cứu Nghệ thuật & Mỹ thuật, Họa sĩ Nguyễn Quân: Cơ thể tôi cần tranh, tượng

Trước những lời khen tặng: “Nguyễn Quân là tiếng nói của đổi mới” từ Nhà phê bình mỹ thuật Mỹ Jeffrey Hantover; “Yếu nhân’ của Mỹ thuật ,Văn Hóa từ Nhà Nghiên cứu Văn hóa – Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng; “Họa sĩ hàng đầu, người đưa Mỹ thuật Việt Nam vào bản đồ Mỹ thuật thế giới” từ Nhà nghiên cứu Mỹ thuật người Mỹ - Nora Taylor; “Người mở đường” từ Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, “Một Kẻ đầu têu như Trần Dần” từ Dịch giả/ Nhà thơ Dương Tường, “Kiến trúc sư của đổi mới” từ Họa sĩ Lương Xuân Đoàn; “Anh cả của các nghệ sĩ trẻ đổi mới” từ Nhà thơ Đỗ Trung Lai, “Họa sĩ cách tân” từ Nhà báo Vũ Lâm,… Nhà nghiên cứu Nghệ thuật & Mỹ thuật/ Họa sĩ Nguyễn Quân đều nói, “tôi được khen nhiều hơn đáng được”.

Nhà nghiên cứu Nghệ thuật & Mỹ thuật, Họa sĩ Nguyễn Quân.

Cách đây vừa tròn mười năm, tôi có dịp đến tư gia thăm Nhà nghiên cứu/ Họa sĩ Nguyễn Quân, cùng với người học trò mà ông thân thiết, tôn trọng, và quý mến, Nhà nghiên cứu/ Họa sĩ Phan Cẩm Thượng. Bữa ấy, trên nền sân rộng, là bộ sắp đặt gỗ về những chiếc thớt được treo lên đầy ngẫu hứng, chiếm gần hết sân, một vài tác phẩm tượng kích thước nhỏ. Vào nhà, cơ man tranh được treo san sát nhau, chủ yếu là phòng khách, trên tường ở lối đi cầu thang, và phòng vẽ. Đề tài mà ông hứng thú vô cùng là vẽ chân dung một người phụ nữ còn trẻ, khuôn mặt xương, dáng người gầy nhỏ, tư thế nghiêm ngắn, màu sáng. Có thể nhìn khuôn mặt của người phụ nữ ấy khắp nơi trong phòng. Vài tiếng sau hỏi mới biết, đó là vợ của ông.

Mười năm sau, đến chơi, vẫn khu đất tại Gò Vấp đó, những đã được xây lại. Sân không còn, nhường lại tòa nhà trắng rộng cao tầng, phía trước nhà là bụi cây đang nở hoa, một cái ghế đá đặt bên. Bộ thớt cũng mục hỏng, chỉ có thể giữ lại một hai chiếc làm kỷ niệm. Phòng khách đơn giản treo vài bức tranh khổ lớn của chủ nhà, có vẽ con trai con gái, và của người trò – người bạn tri âm Phan Cẩm Thượng, đồ gốm mỹ thuật, treo lủng lẳng có cái mõ trâu, ông bảo lấy từ Bảo tàng Văn Hóa Mường chỗ họa sĩ Hiếu Mường, thêm bộ sô-pha - nơi ăn bánh, uống trà bàn chuyện vui vẻ của ông với gia đình và bạn bè, bộ bàn ghế ăn bên cái bếp nhỏ xinh, trên bếp thường là một nồi canh đang nóng.

Về sau, mỗi khi tới chơi, mặc dù ông nói rảnh cứ tới, thì tôi vẫn chờ đi cùng với Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. Cảm giác được ngồi giữa ông và Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nghe những câu nói ngọt lòng, với sự trân trọng Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng từ ông và sự kính trọng của người học trò tóc râu đã bạc với thầy của mình, thêm hai người bạn thân thường lui tới, là sự đầm ấm thú vị.

Phòng vẽ của Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân ở trên tầng cao nhất cũng là căn phòng rộng nhất. Bàn dài, ghế băng thấp cũng dài, trên đặt bộ chén uống trà. Tranh treo, tranh dựng xếp vào nhau gọn gàng san sát. Chỗ khuất là một cái giường nhỏ, nơi nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng hoặc những người bạn thân hữu từ Hà Nội hay nơi xa đến, ngủ lại mỗi khi tới Sài Gòn. Giữa câu chuyện, đôi khi là tiếng xé gió ù ù của máy bay chao nghiêng, để lại phía sau một không gian tĩnh lặng vô chừng.

Ngược lại với những lặng lẽ trong căn phòng vẽ, cũng như một vẻ tương phản với vẻ nông dân cũ kĩ đầy chất hoài cổ của người học trò, là sự trẻ trung tươi sáng của người thầy: áo phông, quần ngố, miệng cười tươi vui vẻ, tóc chưa kịp ánh màu bạc đã được nhuộm lại, vẫn giữ đúng chất của một chàng trai đã từng du học ở Đại học Merseburg của Đức về.

Ít khi thấy Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân nhàn rỗi, kể cả lúc bị bệnh. Ở nhà thì ông chú tâm vào vẽ, viết bài, chăm sóc dạy bảo con cái, đọc sách, xem thể thao trên ti vi và thi thoảng vào internet… còn ra ngoài, ông dự các hội thảo về Nghệ thuật và Văn hóa, nói chuyện chuyên đề, dự khai mạc các triển lãm mà tác giả muốn ông có mặt…

Năm 2010, sau khi cuốn cuốn “Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20” do NXB Tri Thức xuất bản và phát hành, Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân tuyên bố chấm dứt ngừng “lập ngôn” về nghệ thuật.

Khi tôi hỏi về nguyên do của quyết định quan trọng này, ông trả lời giản dị: “Chỉ có ý là không thể làm các công trình, sách lớn, không đưa ra cá ‘lý thuyết’ nữa vì điều kiện không cho phép, và đầu óc cũng không thể còn ‘sản xuất tinh thần’ có năng xuất như trước nữa”.

Ông chia sẻ thêm: “Có lẽ sau cuốn Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 viết xong năm 2005 thì tôi không còn có khả năng và điều kiện để làm các công trình , cuốn sách lớn nữa. Bản thân tôi thiên về lý luận hơn là lịch sử. Ông Lê Đạt hay giễu tôi: ‘Độ này cậu có lý thuyết gì mới không!?’ Công việc nghiên cứu là cá nhân nhưng lại không thể làm một mình, nhất là làm tư liệu, khảo tả hay đi thực địa, nghiên cứu văn bản…”

Thôi làm các công trình nghiên cứu cuốn sách lớn, Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân nghiêng hẳn về phía giá vẽ, nặn tượng. Trên thị trường tranh, đặc biệt thuộc thời kỳ Đổi mới, Tranh Nguyễn Quân rất được ưa chuộng, các bức tranh có mặt ở khắp các bảo tàng trên thế giới, trong đó có Bảo tàng nghệ thuật Singapore, Bảo tàng nghê thuật châu Á Fukuoka Nhật Bản, Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương Vacsava Ba Lan cùng ẩn kín trong các bộ sưu tập cá nhân:
“Tranh tượng của tôi nếu xem các tác giả trong và ngoài nước thì cũng thấy chúng chẳng giống ai. Thái Bá Vân nói tôi đã tìm ra được một kẽ hở nhỏ của Lịch sử mỹ thuật để triển khai hàng trăm tác phẩm. Đó là một lời khen quá cỡ tôi, dù cũng có hạt nhân sự thật. Các sáng tác của tôi cũng ‘để dấu ấn’, ‘vang vọng’ đâu đó trong sáng tác của nhiều người trẻ khác, trực tiếp hay gián tiếp. Ở đây họ quên chúng - trước khi quên tôi!

Sẽ giả dối khi nói rằng việc được công nhận, có tiền bán được tác phẩm không dộng viên khích lệ mình”

Đầu những năm 1990, Nguyễn Quân là họa sĩ bán nhiều tranh nhất, thuộc loại đắt nhất. Ông mua nhà, lái xe vòng vòng, đi nước ngoài… Một bài báo trên Fareast Economic có tít là “Will success spoil Nguyên Quân”- (Thành công (cả ở ý thương mại) có làm hỏng N.Q. không?). “Một điều tôi làm được là đã không ‘hỏng’ không bị đầu độc bởi thành công”. Nguyễn Quân mỉm cười nhẹ, chia sẻ.

“Không hiểu sao tôi thích làm mỹ thuật hàng ngày. Có lần bị ốm, nhức đầu quá, tới bệnh xá sinh viên khám. Khi ngồi chờ tôi lật xem mấy tạp chí mỹ thuật thì thấy hết cả nhức đầu. Tôi đoán có lẽ cơ thể mình nó cần tranh, tượng”.

Ở Trại sáng tác Đại Lải, họa sĩ Đỗ Thị Ninh và mấy bạn khác hỏi sao ông vẽ lắm thế. Ông nói: “Tôi cứ vẽ cho tốn thật nhiều màu, nhiều vải rồi cuối đời tôi là anh bất tài thì các ‘bà’ làm gì tôi!”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân thích câu chuyện về Gauguin: Khi đã 40 tuổi ông này bỏ nhà, bỏ việc sang Paris học vẽ. Cậu em vợ đuổi theo dò xét xem ông anh có đi theo “em” nào không. Hóa ra Gauguin chả theo “em” nào cả, tranh thì cả các thầy các bạn, lẫn giới phê bình, buôn bán đều chê. Hỏi tại sao biết thế mà vẫn lao vào vẽ thì họa sĩ trả lời: Cậu hỏi vớ vẩn, tôi như người rơi xuống nước (rơi vào nghệ thuật) thì phải bơi chứ đâu bàn chuyện giỏi hay kém, được thích hay không. Câu chuyện ấy, cũng như chuyện của ông, từng rất được trọng vọng, có những điều kiện làm/ viết phê bình bất ngờ, rồi khen ngợi, lại vướng vào thị phi chê bai, một tranh từng bị đòi gỡ xuống năm 1980, đến năm 1989, mọi “tước vụ” của ông bị tước sạch vì những vu cáo, sỉ mắng nặng nề… nhưng tất cả những điều đó không làm cho Nguyễn Quân dừng việc nghiên cứu và vẽ.

Trước đây, ông vẽ và nặn tượng hàng ngày, nhưng giờ, ông giữ mỗi năm vẽ vài đợt: “Thấy không có thể làm cái gì mới mà vẽ mãi như cũ thì nản. Tôi cứ lựa theo tâm thức, đòi hỏi của cơ thể mà làm, không cố gắng, phấn đấu hay trăn trở gì. Có điều ham vẽ nặn thì cũng như ham rượu, khó bỏ hơn là khó uống thêm. Uống quá cũng hại sức khỏe…”

Có dịp ngắm nhìn các tác phẩm của Nguyễn Quân, thấy rõ ràng với ông, vợ con cái nói riêng và gia đình nói chung là chủ đề bất tận: “Tôi vẽ, nặn con mình từ khi còn trong bụng mẹ, ngày đầu ở bệnh viện sản, cho tới khi lấy chồng…Có cháu lại vẽ cháu”.

Chia sẻ thêm về công việc hiện tại và cả tương lai, Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân nói:

“Tuổi tôi đã ‘lão giả an chi’ mà việc đầu tiên vẫn là nuôi dậy hai con nhỏ. Tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn về mỹ thuật Chăm. Tất nhiên là vẽ tranh làm tượng nhỏ thường xuyên hơn...

Thực ra thì không có kế hoạch cụ thể. Còn về diễn ngôn thì tôi như cái chuông, khánh ở chùa hay một món nhạc cụ cũ có gõ mới kêu. Tự nó không kêu nữa!”

Quỳnh Việt

Từ khóa

họa sĩ nguyễn quân cơ thể tranh tượng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-nghien-cuu-nghe-thuat-my-thuat-hoa-si-nguyen-quan-co-the-toi-can-tranh-tuong/135723