Nhà nghiên cứu đầu tiên chụp được ảnh voọc xám Đông Dương

Trong những nhà nghiên cứu về voọc xám Đông Dương, ông là người đầu tiên tại Việt Nam chụp được ảnh đàn voọc một cách cận cảnh, sinh động nhất, đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa

Trong Khu BTTN Xuân Liên hiện có quần thể voọc xám lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Voọc xám trong Khu BTTN Xuân Liên đã được ghi nhận từ những năm 1998, nhưng chưa có các nghiên cứu chi tiết về tình trạng quần thể và vùng cư trú của loài này.

Hiện ông Hải đang trực tiếp làm nghiên cứu sinh với đề tài “nghiên cứu sinh thái học và bảo tồn loài voọc xám Khu BTTN Xuân Liên”.

Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Khu BTTN Xuân Liên, người đầu tiên nghiên cứu chụp được ảnh voọc xám Đông Dương.

Trong quá trình gắn bó với Khu bảo tồn và làm nghiên cứu sinh, ông đã trực tiếp vào rừng ăn ở nhiều ngày để ghi lại những hình ảnh voọc xám. Để gần gũi được voọc xám, ông phải mất nhiều ngày ăn ở trong rừng để làm quen, gần gũi mới chụp được ảnh voọc xám.

Theo kết quả điều tra thực địa và phỏng vấn người dân địa phương và các kiểm lâm viên, trong thời gian từ 2013 - 2015 đã ghi nhận được 7 đàn voọc xám tại Khu BTTN Xuân Liên. Trong quá trình bảo tồn, tổng số voọc xám ước tính khoảng 100 - 200 cá thể, mỗi đàn có khoảng 30 - 35 cá thể. Các đàn có ít nhất 1 cá thể đực trưởng thành, nhiều cá thể cái trưởng thành và cá thể gần trưởng thành. Có 4 đàn đã quan sát có con non.

Số cá thể voọc xám Đông Dương nêu trên phân bố, sinh sống tại bốn dạng sinh cảnh là: rừng thường xanh trên núi đá vôi, rừng thường xanh á nhiệt đới, rừng thường xanh nhiệt đới ít bị tác động, rừng hỗn giao giữa gỗ và cây giang, nứa tại Khu BTTN Xuân Liên.

Hiện voọc xám Đông Dương có vùng phân bố lịch sử thuộc 11 tỉnh gồm: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh và Quảng Bình. Hiện nay, loài voọc này chỉ còn ghi nhận ở một số khu vực thuộc các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, với kích thước quần thể nhỏ và rất nhỏ. Quần thể voọc xám tại Khu BTTN Xuân Liên là một trong số ít quần thể lớn nhất của loài này còn sót lại ở Việt Nam.

Để chụp được ảnh đàn voọc một cách sinh động nhất ông Hải mất nhiều thời gian ăn nằm trong rừng

Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cho biết: Sau khi phát hiện đàn voọc xám tôi tìm cách tiếp cận, làm quen 3 tháng sau đó mới chụp ảnh được chúng. Để bảo vệ loại voọc xám này, Khu BTTN Xuân Liên đã có nhiều nỗ lực bảo vệ nên hoạt động săn bắt động vật hoang dã được hạn chế. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, khảo sát, cán bộ Khu bảo tồn đã bắt gặp nhiều lán săn và các dàn bẫy động vật được cài trong rừng.

Khu Bảo tồn đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc tăng cường tuần tra, kiểm soát tình trạng săn bắt động vật hoang dã; ngăn chặn, nghiêm cấm khai thác trộm gỗ, chăn thả gia súc tự do, xâm nhập trái phép vào khu bảo tồn; thực hiện các biện pháp lâm sinh thúc đẩy tái sinh tự nhiên rừng; đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm...

Ngọc Hưng

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nha-nghien-cuu-dau-tien-chup-duoc-anh-vooc-xam-dong-duong-20161009210934432.htm