Nhà nghèo khóc là đúng!

Đọc những “thực đơn” không được chọn món (mà bắt buộc phải dùng hết) của nhà trường cho phụ huynh và học sinh, tôi tự nhủ: Người nghèo sẽ không bao giờ có thể trả tiền cho tất cả các mục này. Nhưng nếu không, họ có được bớt không? Được miễn phí hay không?

Những người buôn gánh bán bưng rồi có chịu nổi các khoản phí trong chuyện học hành của con cái?

Tại một buổi họp phụ huynh mới đây của cậu con trai vào lớp 6 một trường bình thường ở Sài Gòn, tờ “menu” đầu năm học với tất cả các khoản thu phí lên đến 10 triệu đồng. Với mức thu nhập chưa thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” thì việc lấy tiền tiết kiệm gia đình đóng tiền học cho con vẫn là sự lựa chọn đầu tiên, không nề hà. Nhưng cô bạn phụ huynh bên cạnh thì tay run run. Cô đặt xuống, mặt buồn so, không nói lời nào. Tôi nói nhỏ: chị viết đơn xin miễn trừ học phí chưa? – “Dạ rồi, học phí thì có 200.000 đồng thôi, dù được miễn nhưng các khoản thu còn lại còn lại là chục triệu em không lo nổi, phải đi vay ngân hàng. Nhà em đang ở trọ, ba nó mới nghỉ làm công nhân có 5 triệu đồng/tháng để chạy xe ôm. Giờ chỉ còn em làm giáo viên mầm non ở huyện ngoại thành, lương cũng chỉ vài ba triệu, người ta đâu cho vay nhiều. Mà vay rồi sao trả?”. Tôi nói với chị, có lẽ các khoản phí này rồi sẽ được nhà trường “châm chước” và chị cứ làm đơn gởi trường. Có lẽ cũng sẽ bớt được nhiều khoản.

Sau đó, gặp hội trưởng hội phụ huynh lớp kể câu chuyện của cô và nói rằng lớp sĩ số 49 em, mà hiện tại có đến gần 20 em gia cảnh khó khăn thế này. Mình có thể nói trường bớt chi phí và bản thân các phụ huynh chúng ta mỗi người góp chút cho các em đến trường không? Chúng nó cũng là bạn bè, chị em của nhau, nhất là những đứa trẻ con một nhà khá giả, với chúng, bạn thân cũng có khi trở thành hơn cả anh chị em ruột rà trong gia đình. Ngoài ra, chúng ta nên giải thích với con cái và nói chúng cùng chia sẻ với bạn bè, nếu không, các gia đình có con em nghèo khó sẽ mặc cảm và khi những đứa trẻ bị tổn thương bởi mặc cảm, nó cũng sẽ không thể góp phần tạo ra một lớp học có không khí vui vẻ, bình an. Mà trái lại, có khi là những xung đột vì phân biệt tầng lớp, giai cấp trong chính trường học.

Anh hội trưởng có vẻ rất tán thành mọi phân tích của tôi. Nhưng anh cũng nói, không phải phụ huynh nào cũng nghĩ vậy. Muốn làm như tôi nói, thì trước nhất phụ huynh cần có tinh thần tự nguyện. Cũng có những phụ huynh cho rằng “ai nghèo thì ráng chịu” chớ sao họ phải chịu. Mặt khác, tại sao họ đi làm đóng thuế cho ngân sách nhà nước, thì đây là lúc ngân sách nhà nước cân đối mặt bằng công bằng xã hội bằng cách hỗ trợ chi phí hoặc miễn phí hoàn toàn cho trẻ em nghèo bằng trợ cấp an sinh xã hội thực sự, sao họ lại phải tiếp tục bỏ tiền ra? Dù có giải thích cho con cái của mình, nhưng bản thân mình cũng thấy có phần… vô lý thì liệu có thuyết phục được hay không? “Tốt nhất”, anh nói: “Nếu đất nước mình một ngày nào đó mà trẻ em được miễn phí hoàn toàn giáo dục và y tế, thì tôi với chị không cần phải bàn lâu như thế này. Nhưng đáng tiếc là không phải vậy...!”

A, năm học nào cũng vậy, từ một bà mẹ đưa con đi học mẫu giáo, nhìn bảng đóng tiền mỗi tháng cộng cả tiền hốt rác và tiền nước uống; đến khi chúng lên cấp 2 đóng thêm khoản tiền tivi, máy chiếu, máy lạnh, bảo trì các loại máy ấy, v.v.; rồi lên cấp 3 thêm các khoản tiền khác… mà năm nào cũng “nẫu ruột” thế cả. Vậy mà tôi vẫn cám cảnh với những phụ huynh nghèo, họ làm sao để cáng đáng và một mình tôi làm sao có thể chịu trách nhiệm được với tất cả những đứa trẻ không may mà nghèo khó trong lớp học của con tôi.

Nhưng tôi nghĩ, nếu ai cũng nghĩ đến người khác cũng như Nhà nước nghĩ đến nhân dân, bộ Giáo dục và đào tạo nghĩ đến mục tiêu giáo dục, các trường học nghĩ đến học sinh… thì có lẽ sẽ đến một ngày đất nước mình được miễn phígiáo dục, như anh trưởng hội phụ huynh nói.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nha-ngheo-khoc-la-dung-805526.html