Nhà máy xi-măng gây ô nhiễm trong thành phố Huế chậm di dời

Vẫn tiếp tục hoạt động

(Cadn.com.vn) - Đã 13 năm kể từ khi Quyết định số 64/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu phải di dời Nhà máy Xi-măng (NMXM) Long Thọ đóng tại P.Thủy Biều (TP Huế, TT-Huế) đến nơi khác nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

NMXM Long Thọ là một cơ sở sản xuất xi-măng lâu đời nhất khu vực miền Trung, ra đời cách đây hơn 100 năm. Theo Quyết định số 64/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2003, nhà máy này ở gần khu vực dân cư nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời. Thế nhưng, đến nay đã 13 năm trôi qua vẫn chưa thể thực hiện. Sau rất nhiều lần người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm của NMXM Long Thọ, từ năm 2010, UBND tỉnh TT-Huế đã có chủ trương và kế hoạch di dời nhà máy này và yêu cầu đến năm 2013 phải hoàn thành. Năm 2014, UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu Cty cổ phần Long Thọ phải hoàn thành toàn bộ việc di dời nhà máy vào tháng 6-2016. Tuy nhiên, có mặt tại nhà máy này vào những ngày đầu tháng 9-2016, chúng tôi ghi nhận, một số hạng mục như: dây chuyền nghiền đá, việc nổ mìn khai thác đá... vẫn còn hoạt động, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Tại khuôn viên nhà máy, hàng chục công nhân vẫn đang bốc vác xi-măng.

Bà Phan Thị Huê, Hoàng Thị Nhung, ông Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Đình Đấu, trú kiệt 4 Long Thọ (P.Thủy Biều) bức xúc: Nghe nói NMXM Long Thọ sẽ di dời đi nơi khác, chúng tôi rất vui mừng. Tuy nhiên, chờ mãi chưa thấy nhà máy dừng hoạt động; vẫn nổ mìn khai thác đá. Hơn nữa, việc nổ mìn thường diễn ra vào buổi trưa và sáng sớm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Lượng đá khai thác ra, nhà máy đổ cao, bao bọc cả đường đi và khu dân cư, che khuất tầm nhìn, gây mất an toàn. Lượng xe chở đá khai thác chạy vào, chạy ra liên tục, gây bụi, khói, môi trường bị ô nhiễm... Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của 2 tổ 18 và 19.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh TT-Huế) thì đúng theo quy định, nhà máy này đã đóng cửa, dừng sản xuất. Tuy nhiên, do phương án xây dựng kinh phí vừa qua được tổ công tác đưa ra là quá lớn nên tỉnh chưa cân đối, sắp xếp được. “Chủ trương của tỉnh muốn đóng cửa NMXM Long Thọ càng sớm càng tốt, lý do thứ nhất hiện vùng đất đó đã được quy hoạch du lịch, không quy hoạch sản xuất nên không phù hợp. Lý do thứ hai đã sản xuất công nghiệp lò đứng thì khả năng kiểm soát về môi trường rất khó, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường rất cao”- ông Nguyễn Việt Hùng cho hay.

Dù UBND tỉnh đã yêu cầu, cuối tháng 6-2016, NMXM Long Thọ phải di dời toàn bộ nhưng đầu tháng 9, dây chuyền nghiền đá của Nhà máy này vẫn đang hoạt động.

Vướng kinh phí

Theo Cty Cổ phần Long Thọ, sau khi có ý kiến của UBND tỉnh, địa điểm di dời đã được Cty tiến hành khảo sát nhiều nơi và quyết định lựa chọn xây dựng nhà máy ở 3 địa điểm khác nhau gồm: 1 nhà máy tại KCN Tứ Hạ (TX Hương Trà); nhà máy sản xuất gạch ngói tại cụm Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề Thủy Phương (TX Hương Thủy) và 1 nhà máy ở KCN La Sơn (H. Phú Lộc, TT-Huế).

Khi được hỏi, khi nào NMXM Long Thọ mới chấm dứt mọi hoạt động và di dời đến nơi khác thì ông Hoàng Thăng Long - Chủ tịch UBND P.Thủy Biều cho rằng: “Chủ trương của tỉnh lâu rồi nhưng do không có kinh phí thì cũng đành chịu. Còn việc khi nào chính thức di dời thì phường cũng không biết. Khi phường hỏi Cty thì phía Cty họ cũng nói chịu”. Còn theo ông Nguyễn Văn Trung- Giám đốc điều hành mỏ Long Thọ, từ năm 2010, Cty tiến hành các bước di dời nhà máy về Cụm công nghiệp Thủy Phương (TX Hương Thủy). Giai đoạn 2010-2013, Cty đã đầu tư số tiền gần 36 tỷ đồng di dời 2 nhà máy gồm: Nhà máy gạch lát Terrazzo, Nhà máy ngói màu và dây chuyền sản xuất tấm lợp Pibroximăng, dây chuyền gạch không nung... Tháng 10-2015, Cty đã cho ngừng lò nung Clinker vì ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Hiện nay, Cty chỉ còn lại mỏ khai thác đá (được UBND tỉnh tiếp tục cấp phép hoạt động) và dây chuyền nghiền đá. Lực lượng lao động của Cty từ gần 400 người giảm xuống còn 300 người. Hiện nay, Cty đã có phương án di dời phần còn lại về Thủy Phương, nhưng do gặp khó khăn về kinh phí và đang chờ chính sách hỗ trợ từ tỉnh nên chưa thể di dời toàn bộ.

Tại cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 5-2016, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Cao cho rằng, việc di dời NMXM Long Thọ đã chậm trễ nhiều so với yêu cầu. Để đảm bảo hiệu lực thực thi và đẩy nhanh tiến độ di dời nhà máy này, ông Nguyễn Văn Cao yêu cầu tiếp tục nghiên cứu thống nhất phương án di dời và phê duyệt chậm nhất trước ngày 30-9-2016 để triển khai ngay công tác di dời từ đầu năm 2017. Ông Phan Thiên Định - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, cơ quan ông được tỉnh giao chủ trì xây dựng phương án di dời NMXM Long Thọ. Trong đó, ngoài công tác bồi thường, hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết chính sách cho người lao động thì phải có phương án kêu gọi nhà đầu tư vào khu đất này sau khi hoàn trả mặt bằng.

Trước đây, tổ công tác đã thuê công ty tư vấn xây dựng lập phương án bồi thường, hỗ trợ công ty với số tiền lên 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua xem xét nhiều tài sản hết khấu hao thì không sử dụng nhiều và mức giá như trên cần phải xem xét, rà soát lại. Ông Định cho biết, hiện Sở KH&ĐT vẫn chưa đưa ra con số cụ thể về mức bồi thường, hỗ trợ và đang tiếp tục nghiên cứu để đề ra phương án khác với giá trị bồi thường thấp hơn trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Với tiến độ như vậy, liệu NMXM Long Thọ có kịp di dời toàn bộ, chấm dứt mọi hoạt động theo lộ trình của UBND tỉnh TT-Huế đặt ra hay không?

Hải Lan

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_154336_nha-ma-y-xi-mang-gay-o-nhie-m-trong-tha-nh-pho-hue.aspx