Nhà máy thép ngàn tỷ:Thiết bị sản xuất tại Trung Quốc

Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thép Việt-Pháp cho biết thiết bị máy móc của nhà máy luyện cán thép Việt-Pháp được sản xuất tại Trung Quốc.

Chiều ngày 13/10, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin nội dung liên quan dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt – Pháp tại huyện miền núi Nam Giang.

Nhà máy ngàn tỷ... nước thải chỉ có 19,5m3 ngày

Chủ trì cuộc họp báo là bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Nam và Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch – thành viên Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt – Pháp.

Nói về dự án đang gây phản ứng dư luận, bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam cho rằng dự án nhà máy luyện cán thép Việt – Pháp nếu đầu tư tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang nước thải chủ yếu là nước thải vệ sinh và nước thải nhà ăn với khối lượng khoảng 19,5m3/ngày.

Trong khi đó, ông Đinh Phú Tân – Giám đốc nhà máy thép Việt-Pháp cho rằng vị trí đặt nhà máy luyện cán thép tại huyện Nam Giang cách thượng nguồn sông Vu Gia theo đường chim bay là khoảng 5km. Nhà máy có hai sản phẩm là phôi thép là 100.000 tấn/năm và thép thành phẩm là 80.000 tấn/năm. Nguyên liệu để sản xuất phôi thép là sắt thép phế liệu đã qua sử dụng được thu gom trong nước và nhập khẩu các nước như Nhật Bản và Mỹ. Mỗi lần nhập về được các cơ quan hữu quan kiểm định nghiêm ngặt. Xử lý sắt thép phiếu liệu bằng phương pháp cắt nhỏ gọn rồi đưa vào trong lò nấu điện. Công ty đã đầu tư một cái hầm lò nấu thép theo công nghệ cảm ứng. Lượng xỉ thép thải ra rất nhỏ…

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh và Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch chủ trì họp báo.

Nhu cầu về nước sử dụng chủ yếu là làm mát các thiết bị vì nhiệt độ nấu thép chỉ là 1.600 độ nên luôn luôn phải có nước làm mát thiết bị để sản xuất thép và làm nguội phôi thép. Khối lượng nước ước tính khoảng 10m3. Tính luôn nước sinh hoạt cho công nhân là khoảng 19,5m3.

Ông Tân cho rằng, kế hoạch dự án đến cuối năm 2016 là thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng đến đầu năm 2017, dự kiến vào quý 3 năm 2019 bước vào sản xuất thép. Chủ yếu phát sinh khi luyện cán thép là bụi của phế liệu đã qua sử dụng; chất thải rắn là lượng xỉ sinh ra rất ít theo tính toán là 3 ký xỉ trên một tấn sản phẩm phôi thép.

Phóng viên Báo Đất Việt đặt câu hỏi dư luận đang quan tâm việc di dời nhà máy thép Việt-Pháp từ Cụm công nghiệp Thương Tín ở phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam lên địa điểm thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam có liên quan đến hai mỏ quặng sắt tại xã La Dê có diện tích 150ha với trữ lượng đạt 1 triệu tấn và mỏ quặng sắt tại xã Chà Val có diện tích 123ha có trữ lượng đạt 1 triệu tấn đều cùng ở huyện Nam Giang không? Vậy đây có phải là di dời nhà máy thép Việt-Pháp lên huyện Nam Giang ban đầu là mua sắt thép phế liệu để sản xuất phôi thép và sau đó chủ đầu tư sẽ đầu tư tiếp máy móc thiết bị rồi tiếp tục xin khai thác quặng sắt tại hai mỏ này để lấy quặng sắt phục vụ cho nhà máy để chế biến hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Quang – Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng tỉnh Quảng Nam không cho sản xuất quặng sắt lấy thép. Đến bây giờ tỉnh Quảng Nam chưa cho phép khai thác quặng sắt nào hết. Tinh thần của tỉnh Quảng Nam là đồng hành cùng doanh nghiệp. Đánh giá báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) xong thì dự án nhà máy thép này có được chấp nhận hay không thì phải xem xét ĐTM khẳng định về môi trường ổn, không có vấn đề gì, đóng góp ngân sách, ổn định nhân dân nữa mới đồng ý hay không.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh chưa cấp phép cho khai thác mỏ quặng sắt.

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch, thành viên Hội đồng thẩm định dự án đầu tư nhà máy luyện cán Việt – Pháp tại huyện Nam Giang cho rằng công nghệ sản xuất thép của dự án này không phải dùng quặng sắt để sản xuất ra phôi thép mà dùng sắt phế liệu đã qua sử dụng. Chủ trương của tỉnh di dời nhà máy lên huyện Nam Giang là tính bền vững! Công nghệ và thiết bị của dự án này là trung bình khá được nhập từ Trung Quốc. Mong muôn của UBND tỉnh là cú hích để đưa nhà máy lên huyện Nam Giang để phát triển kinh tế tại đây. Đưa về Khu kinh tế mở Chu Lai không có ý nghĩa kinh tế bằng lên đưa huyện miền núi Nam Giang.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nha-may-thep-ngan-tythiet-bi-san-xuat-tai-trung-quoc-3320770/