Nhà máy giấy Lee&Man bốc mùi thối: Lỗi do thời tiết

Tổng Giám đốc nhà máy giấy Lee & Man cho rằng việc mùi hôi thối phát ra là do thời tiết chứ không liên quan gì tới việc xả thải.

Trước việc người dân thị trấn Mái Dầm, (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) lần thứ 2 phản ánh về việc mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ Nhà máy Giấy Lee & Man, báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Chung Wai Fu - Tổng giám đốc Công TNHH Lee & Man Việt Nam.

Theo ông Chung Wai Fu, hiện nay nhà máy vẫn trong giai đoạn chạy thử nghiệm, dự kiến đến hết tháng này sẽ hoàn tất. Nhà máy hoàn toàn tuân thủ, hoàn toàn đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của giấy phép xả thải do Bộ TNMT cấp.

Về việc đây là lần thứ 2, người dân sống xung quanh nhà máy giấy phản ánh về việc có mùi hôi thối bốc ra từ nhà máy, ông Chung Wai Fu cho rằng mùi hôi thối này xuất hiện là do thời tiết thay đổi chứ không liên quan gì tới việc xả thải.

Ông Chang Wai Fu trao đổi với phóng viên

"Câu chuyện của việc xả thải và mùi hôi là không có một mối liên hệ nào cả. Đối với việc xả thải xả nước và khí thải ra môi trường thì chúng tôi có giám sát trực tiếp và hệ thống kết nối trực tuyến với cơ quan bảo vệ môi trường và họ luôn luôn có thể kiểm tra theo thời gian thử các chỉ tiêu khác nhau của việc xả thải vào nước và không khí.

Mùi phát sinh giống như chúng ta giặt quần áo để lâu ngày hoặc ngâm cây gỗ hay các chất xenlulozo ngấm nước phân hủy thì việc mùi hôi ở nhà máy xảy ra là do các sợi giấy để lâu ngày nên tạo ra mùi hôi.

Tôi không thấy đó là cái lỗi của nhà máy. Việc này chỉ diễn ra do thời tiết bất thường. Tuần vừa rồi khi có nắng rất gắt sau thời gian mưa dài thì nó tạo ra mùi khi chúng tôi bỏ đi lớp che phủ sợi giấy phẩm cấp thấp và vận chuyển đi để sử dụng. Điều đó cũng không liên quan gì đến nước và không khí mà chúng tôi xả thải", Tổng Giám đốc nhà máy giấy khẳng định.

Nhà máy giấy Lee & Man 2 lần bị phản ánh phát ra mùi hôi thối

Ông Chung Wai Fu cho biết thêm: "Mùi này cũng không có vấn đề gì lớn nhưng mọi người xung quanh thì có những cái lo lắng thái quá. Khi chúng tôi nhận được phản ánh của cư dân sống lân cận, ngay lập tức chúng tôi dọn sạch các sợi giấy phẩm cấp thấp để đảm bảo không có mùi phát tán và việc này cũng đã hoàn tất vào hôm chủ nhật vừa rồi. Hiện nay chúng tôi chỉ còn việc dọn sạch các sợi giấy còn lại trên nền".

Theo ông Chung Wai Fu, bản thân ông và vợ cùng khoảng 1000 nhân viên của nhà máy đều sống ở ngay trong kí túc xá bên bên cạnh nhà máy.

"Do đó nếu nhà máy gây ô nhiễm thì chúng tôi là những người hứng chịu đầu tiên. Tất cả các nhà máy giấy đều làm phát sinh ra mùi và mùi này không có gì gây hại cả", ông Chung Wai Fu cho biết.

Vị Tổng giám đốc nhà máy giấy Lee & Man cũng cho biết, trên thực tế hiện nay, có một số người dân ở Mái Dầm vẫn nuôi cá liên tục thậm chí họ còn bán cá vào nhà máy để cho những người ở trong này ăn, những hộ không nuôi nữa là do họ khó khăn về kinh tế chứ không phải do nhà máy gây ô nhiễm.

Liên quan tới vụ việc này, Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện Trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết, làm công nghiệp giấy chắc chắn phải cần tới xút (NaOH) để tẩy trắng dù Lee&Man liên tục khẳng định không sử dụng xút trong quá trình vận hành. Chất thải từ xút sau đó mới gây nên các mùi hôi thối khó chịu.

Ông Bá cũng cho rằng, công nghệ sản xuất giấy của Lee&Man từ Trung Quốc là công nghệ rất lạc hậu nên các chất thải từ đó không được xử lý rốt ráo.

Đặc biệt, nơi đặt vị trí nhà máy giấy này lại nằm ở vùng khó thoát thủy vì là vùng trũng, lòng chảo, xung quanh có rất nhiều kênh rạch sẽ bị nhiễm chất thải và ảnh hưởng cực lớn đến nguồn đất, nước, vùng nuôi tôm, nuôi cá...

Nếu không thể giải quyết triệt để việc xả thải của Lee & Man, một bài học về môi trường sẽ là điều khó tránh khỏi.

Mạnh Đức

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/nha-may-giay-leeampman-boc-mui-thoi-loi-do-thoi-tiet-3343060/