Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Gia Lâm, Hà Nội): Hơn 8 tỷ đồng tiền đóng bảo hiểm đi đâu?

Suốt từ tháng 8/2011 đến nay, mặc dù không đóng các loại bảo hiểm cho người lao động theo quy định, nhưng lãnh đạo Nhà máy Dệt kim Haprosimex vẫn đều đặn trừ tiền lương của công nhân. Theo đó, tổng số tiền xí nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội đã lên đến hơn 8 tỉ đồng. Cuộc sống của hàng trăm công nhân khổ sở trăm bề.

Suốt 5 năm qua, Nhà máy Dệt kim Haprosimex đã nợ BHXH trên 8 tỉ đồng, khiến quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: X.Thắng

Hơn 8 tỉ tiền bảo hiểm giờ ở đâu?

Theo phản ánh của nhiều công nhân đang làm việc tại Nhà máy Dệt kim Haprosimex (nằm trong khu công nghiệp Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), suốt 5 năm qua, họ không được lãnh đạo nhà máy đóng các loại bảo hiểm. Theo quy định của nhà nước, hàng năm cán bộ, công nhân viên nhà máy phải đóng các khoản tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và được cấp thẻ BHYT để sử dụng. Tuy vậy, từ cuối năm 2011 cho đến nay, công nhân không được cấp thẻ BHYT (chi phí khám chữa bệnh đều do công nhân tự chi trả 100%), trong khi đó BHXH cũng trong tình trạng “đóng băng”.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Dương Ngọc Cương, Phó Giám đốc BHXH huyện Gia Lâm cho biết, Nhà máy Dệt kim Haprosimex trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Haprosimex, được thành lập từ 1/12/2007. Từ thời điểm thành lập cho đến hết tháng 7/2011, nhà máy luôn đóng đầy đủ tiền các loại bảo hiểm cho cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, từ tháng 8/2011 đến nay (5 năm), lãnh đạo nhà máy đã phớt lờ mọi quy định của pháp luật, trốn đóng tiền bảo hiểm. Ngay sau khi Nhà máy Dệt kim Haprosimex chậm đóng tiền bảo hiểm 1-2 tháng, các cán bộ BHXH huyện Gia Lâm đã nhiều lần gọi điện, nhắc nhở. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà máy liên tục thất hứa về thời gian thực hiện nghĩa vụ của mình. Trước thái độ bất hợp tác trên, BHXH huyện Gia Lâm đã tham mưu cho UBND huyện Gia Lâm đề nghị thành lập đoàn thanh tra liên ngành (gồm: Thanh tra, BHXH huyện, Chi cục Thuế, Phòng LĐ,TB&XH, Liên đoàn Lao động huyện) đã vào cuộc phối hợp giải quyết. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần kết luận về sai phạm của Nhà máy Dệt kim Haprosimex và yêu cầu đơn vị này chấp hành quy định của pháp luật, nhưng lãnh đạo nhà máy vẫn không thực hiện.

Tháng 6/2015, BHXH huyện Gia Lâm đã làm đơn khởi kiện Nhà máy Dệt kim Haprosimex ra tòa để đòi tiền. Tuy vậy, ngày 22/9/2015, TAND huyện Gia Lâm đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do, nhà máy trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Haprosimex có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm nên yêu cầu BHXH Gia Lâm gửi đơn khởi kiện tới TAND quận Hoàn Kiếm. Theo sự hướng dẫn trên, ngày 23/11/2015, BHXH huyện Gia Lâm đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang TAND quận Hoàn Kiếm để giải quyết. Thế nhưng, ngày 29/4 vừa qua, TAND quận Hoàn Kiếm lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do: Từ ngày 1/1/2016, khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành thì tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động. Theo Khoản 9, Điều 22 Luật BHXH thì cơ quan BHXH có quyền xử lý vi phạm pháp luật, hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm về BHXH, BHTN và BHYT.

Theo thông tin mới nhất từ phía BHXH huyện Gia Lâm, tính đến hết tháng 6/2016, Nhà máy Dệt kim Haprosimex nợ tổng tiền bảo hiểm lên đến hơn 8 tỉ đồng (số tiền trên lãnh đạo nhà máy vẫn trích thu đều đặn từ quỹ lương của cán bộ, công nhân viên từ tháng 8/2011 đến nay). Câu hỏi đặt ra là hơn 8 tỉ đồng tiền bảo hiểm của cán bộ, công nhân viên Nhà máy Dệt kim Haprosimex giờ ở đâu?

Chỉ khổ người lao động

Trao đổi với PV, chị Trần Thị H (quê Phú Thọ, một công nhân của Nhà máy Dệt kim Haprosimex) cho biết, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, việc làm ở quê lại khan hiếm, vợ chồng chị xin vào làm công nhân tại nhà máy. Hàng tháng kí bảng lương, chị H đều phải trích ra hơn 200.000 đồng đóng bảo hiểm. Tuy vậy, sau một thời gian làm việc, không thấy lãnh đạo nhà máy cấp phát thẻ BHYT nên chị H thắc mắc. Trước những thắc mắc của công nhân viên, lãnh đạo nhà máy đều trả lời quẩn quanh và hứa sẽ giải quyết trong thời gian sớm nhất. Không có thẻ BHYT, mỗi lần đi khám chữa bệnh, người lao động đều phải bỏ tiền túi thanh toán 100%. “Suốt 5 năm qua, chúng tôi không biết đã phải nghe biết bao nhiêu lời hứa, nhưng cho tới giờ, thẻ BHYT, sổ BHXH thì vẫn không thấy đâu”, chị H bức xúc.

Bên cạnh việc nợ tiền bảo hiểm, từ đầu năm 2016 đến nay, Nhà máy Dệt kim Haprosimex liên tục chậm lương người lao động. Chị H cho biết: “Nếu trừ tiền bảo hiểm hàng tháng, tổng thu nhập của cả vợ chồng tôi chỉ chưa đầy 7 triệu đồng. Trong khi đó, tiền thuê trọ, ăn uống, con cái ốm đau thì không ngừng tăng lên. Đồng lương ít ỏi là vậy mà mấy tháng gần đây, nhà máy liên tục chậm lương. Chỉ khi công nhân quá bức xúc thì nhà máy mới giải quyết nhỏ giọt. Hiện nay, bản thân tôi chỉ còn vài ngày nữa là sinh cháu thứ hai, nhưng do không có bảo hiểm nên không được hưởng bất cứ chế độ gì”.

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Tự Tẩm, Giám đốc Nhà máy Dệt kim Haprosimex. Tuy vậy, ông Tẩm cáo bận và hứa sẽ sắp xếp một buổi làm việc gần nhất.

Chị Nguyễn Thị L (công nhân xưởng may, Nhà máy Dệt kim Haprosimex) chia sẻ: “Làm việc tại đây bao nhiêu năm, tháng nào chúng tôi cũng phải trích tiền lương để nộp tiền bảo hiểm. Vậy mà, người lao động chẳng nhận được bất cứ quyền lợi gì. Giờ đây, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý dứt điểm, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.

X.Thắng

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nha-may-det-kim-haprosimex-gia-lam-ha-noi-hon-8-ty-dong-tien-dong-bao-hiem-di-dau-20160715092800856.htm