Nhà mạng “móc túi” và quyền của người tiêu dùng

Mấy hôm nay đi đâu cũng nghe bàn tán việc bị nhà mạng “móc túi” qua những dịch vụ trời ơi đất hỡi mà người sử dụng điện thoại thông minh không cách nào đủ thông minh để kiểm soát được.

9

Cái mà một khách hàng sau đây chia sẻ chắc cũng trùng khớp với mọi người:

- “Sự việc bắt đầu từ chiều thứ Bảy vừa qua. Sau quá nhiều lần bị nhà mạng chúc mừng cài đặt thành công mấy cái dịch vụ nào đó còn tôi thì liên tục phải hủy, tôi đã dùng một trong các số thuê bao của mình nhắn KT gửi 994 để kiểm tra. Kết quả là nó lòi ra 10 dịch vụ có trả phí được cài từ năm nào.

Nhẩm tính, chỉ riêng mỗi số thuê bao này, hàng tháng tôi bị bóp cổ cỡ vài trăm ngàn đồng. 4 số là bao nhiêu? Nhiều năm qua là bao nhiêu?

Nhà mạng có hơn 55 triệu thuê bao, nếu 80% trong số này hoạt động và mỗi ngày một thuê bao bị bóp cổ 1 ngàn đồng, thì mỗi ngày có 42,5 tỷ đồng đã vào túi nhà mạng và các công ty dịch vụ cung cấp đầu số ???

Khách hàng Lê T. Q. khi đọc báo mới tá hỏa biết mình ở trong tình trạng tương tự nên hủy các dịch vụ không cần thiết, ngay lập tức nhà mạng đã dội “bom tấn” đến máy điện thoại của ông bằng những tin nhắn thông báo đã hủy dịch vụ và hướng dẫn khách hàng đăng ký lại.

- Mới cướp hôm qua bị chặn, sáng nay lại cướp. Trường kỳ kháng chiến, nhất định khiến chán.

Nhiều khách hàng cho rằng nhà mạng đã mập mờ trong cung cấp dịch vụ để khách hàng mắc lừa kích hoạt dịch vụ hoặc thông qua các đầu số cung cấp dịch vụ số tự kích hoạt dịch vụ khiến khách hàng mất tiền cho những dịch vụ không cần thiết.

Thật ra Luật Bảo vệ người tiêu dùng dự kiến tất cả những tình huống này nhưng khi chúng tôi tìm hiểu thì 12/12 người đều không biết đến điều này. (Xem phụ lục)

Căn cứ vào Luật, rõ ràng người tiêu dùng có thể khiếu nại và khởi kiện nhà mạng vì đã cung cấp dịch vụ không thông tin chính xác, việc gây thiệt hại là cơ sở kế tiếp để khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại hoặc khởi kiện.

Tuy số tiền này không lớn với cá nhân nhưng tổng số thì rất lớn, cần có những hình thức khởi kiện phù hợp thông qua các tổ chức như Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc các hình thức khác phù hợp với pháp luật.

Công bố của Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông (TT-TT) Hà Nội, từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2016 đã có hàng chục ngàn khách hàng của bốn nhà mạng viễn thông Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile mất tiền cho cước phí các dịch vụ trên điện thoại mà họ đăng ký sử dụng. Nhiều khách hàng không biết rằng sẽ bị trừ phí, nên đã chấp nhận lời nhắn mời tham gia trò chơi có thưởng từ tin nhắn quảng cáo. Cũng theo thông tin từ Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội thì số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của SAM Media tại thời điểm ngày 19/7/2016 là hơn 93.000 khách hàng. Trong đó có nhiều khách hàng khi được hỏi đều không biết mình đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền.

Công ty SAM Media chỉ bị xử phạt 55 triệu đồng vì một số lỗi nhỏ trong khi đã kiếm được từ người dùng di động Việt Nam hơn 230 tỷ đồng.

Theo Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản sau đây:

- Thứ nhất là người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp.

- Thứ hai là được cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

- Thứ ba là quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ.

- Thứ tư là quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về chính sách bán hàng.

- Thứ năm là quyền tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Thứ sáu là quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn cam kết.

- Thứ bảy là quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật.

- Thứ tám là quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Khang Hoàng

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/nha-mang-moc-tui-va-quyen-cua-nguoi-tieu-dung-d47667.html