Nhà mạng chạy đua tung dịch vụ siêu rẻ

Nhắn tin miễn phí, giảm giá cước gọi nội mạng xuống dưới 500 đồng/phút... là cách mà nhiều mạng di động sử dụng để thu hút khách hàng.

Mới đây, Viettel đưa ra chương trình đăng ký gọi miễn phí nội mạng 25 phút trong ngày chỉ với 5.000 đồng. Trước đó, nhà mạng này cũng tung ra hàng loạt chương trinh tương tương tự như nhắn 80 tin với chỉ 3.000 đồng, đăng ký gọi miễn phí 30 phút với 10.000 đồng... Với phí đăng ký dịch vụ qua tin nhắn chỉ 100 đồng, thuê bao của nhà mạng này có thể tha hồ liên lạc trong ngày với chi phí chỉ từ 200 đồng đến 500 đồng một phút.

Trước đó, VinaPhone và MobiFone cũng đưa ra các chương trình tương tự với mức cước phí phổ biến cho mỗi dịch vụ cũng từ 2.000 đồng đến 6.000 đồng. Người dùng dịch vụ Mobilist của MobiFone được nhắn tin với chi phí chỉ 5 đồng nếu duy trì tài khoản từ 1.500 đồng trở lên, trong khi phía VinaPhone có chương trình gọi 20 phút nội mạng mỗi ngày theo gói M20 với chỉ 6.000 đồng phí đăng ký.

Dịch vụ siêu rẻ được nhiều doanh nghiệp viễn thông sử dụng để câu khách.

Cùng lúc với các ông lớn trong ngành viễn thông, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng có những dịch vụ siêu rẻ dành cho khách hàng. Nhắn tin, gọi điện nội mạng với Gmobile theo gói cước tỷ phú chỉ mất 20.000 đồng mỗi tháng nhưng có thể sử dụng tài khoản cả tỷ đồng. Trong khi VietnamMobile cũng hỗ trợ khách hàng đăng ký MaxiTalk - gọi miễn phí nội mạng trong ngày - với chi phí chỉ 3.000 đồng.

Hầu hết những dịch vụ giá rẻ kiểu này đều được nhà mạng dành riêng cho nội mạng và sử dụng trong thời gian ngắn, thường là trong ngày và chủ thuê bao được yêu cầu nhắn tin để đăng ký sử dụng. Theo nhân viên một doanh nghiệp viễn thông, đối với từng thuê bao, nhà mạng sẽ giới thiệu những dịch vụ khác nhau. "Thay vì áp dụng chung cho tất cả các thuê bao, các chương trình hiện nay chỉ dành riêng cho các số điện thoại nhận được tin nhắn thông báo", nhân viên này cho biết.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, chính những quy định mới của Bộ Thông tin và Truyền thông về siết đăng ký mới thuê bao trả trước đã tạo ra sức ép buộc các nhà mạng phải phát triển theo chiều sâu. Theo đó, chăm sóc khách hàng, đưa ra các ưu đãi, phát triển dịch vụ tiện ích là cách tiếp cận dễ nhất với khách hàng và giữ chân họ trong thời điểm này.

"Số lượng thuê bao trả trước hiện đạt tới 140 triệu, như vậy trung bình mỗi người Việt đều sở hữu ít nhất một số di động. Phát triển số lượng không còn hiệu quả với các nhà mạng cũng như thị trường nữa, nên các doanh nghiệp sẽ phải quay sang tập trung vào chiều sâu. Điều này cũng tạo cơ hội cho các thuê bao sẵn có của các mạng này được chăm sóc tốt hơn".

Trước đó, lãnh đạo Gmobile cũng cho biết nhà mạng này sẽ tiếp cận chiếc điện thoại thứ 2 của người Việt thông qua chương trình cung cấp dịch vụ giá rẻ như gói cước Tỷ phú 3 và gọi điện thoại quốc tế giá nội địa. Theo đại diện của Gmobile thì tất cả các phân khúc của thị trường hiện vẫn còn tiềm năng cho cả các doanh nghiệp nhỏ lẫn đại gia viễn thông, nhưng phát triển thế nào thì phụ thuộc vào chiến lược chăm sóc khách hàng của từng hãng.

Hạ Minh

Theo Infonet

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/kinh-doanh/nha-mang-chay-dua-tung-dich-vu-sieu-re/a279864.html